Mỗi năm hơn 800.000 trẻ dưới 5 tuổi trên thế giới tử vong vì tiêu chảy

21/11/2017 - 16:53
Thông tin này được đưa ra tại Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Nhà vệ sinh Thế giới 2017, do TƯ Hội LHPN Việt Nam và Bộ Y tế vừa phối hợp tổ chức ở Hà Nội.
Ngày Nhà vệ sinh thế giới đã được Liên Hợp Quốc công bố và chọn là ngày 19/11 hằng năm. Năm 2017 là năm thứ 2 Bộ Y tế tổ chức lễ phát động hưởng ứng sự kiện này và Hội LHPN Việt Nam là đơn vị phối hợp với Bộ cùng sự đồng hành của Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam.
Đây là một hoạt động có ý nghĩa nhằm nhắc nhở mọi người trên thế giới ý thức được tầm quan trọng của hệ thống nhà vệ sinh tới sức khỏe của con người. Việt Nam chúng ta cũng là một trong các quốc gia sớm hưởng ứng sự kiện này với những hoạt động thiết thực.
nha-ve-sinh6.JPG
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam (thứ 3 từ trái qua) tại Lễ Mít tinh.

 

Phát biểu tại Lễ mít tinh, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương nhấn mạnh: Hiện nay, trên thế giới có khoảng 2,5 tỷ người không có điều kiện vệ sinh tốt và hơn 1 tỷ người buộc phải đi vệ sinh ngoài trời. Tình trạng vệ sinh yếu kém đã góp phần làm gia tăng số người tử vong dù những người mắc những căn bệnh này có thể ngăn ngừa được. Theo Liên Hiệp Quốc, mỗi năm có hơn 800.000 trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới tử vong vì bệnh tiêu chảy, phần lớn do điều kiện về sinh kém. Vệ sinh không tốt sẽ làm tăng nguy cơ bệnh tật, suy dinh dưỡng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Điều kiện vệ sinh kém cũng làm kìm hãm sự phát triển kinh tế của đất nước.

Ở Việt Nam, mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc cải thiện điều kiện vệ sinh, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà vệ sinh tăng từ 36% năm 1990 lên 65% năm 2015. Tuy vậy, Việt Nam vẫn còn 3,7 triệu người không có nhà vệ sinh dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường và bùng phát dịch bệnh. Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, việc sử dụng cầu tiêu áo cá mất vệ sinh vẫn còn phổ biến. Nhiều trường học, bệnh viện, nhà ga, bến xe nơi công cộng còn thiếu nhà vệ sinh hoặc chưa đạt chuẩn nên đã ảnh hưởng đến điều kiện làm việc, sức khỏe và sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do nhận thức của người dân về sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh còn thấp, nhiều lãnh đạo chưa thực sự quan tâm đến việc xây dựng và quản lý nhà vệ sinh tại các cơ quan, trường học, bệnh viện khiến các công trình xuống cấp, hư hỏng, không đảm bảo vệ sinh, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người.

Với sự hỗ trợ chặt chẽ của Bộ Y tế, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, Hội LHPN Việt Nam đẩy mạnh thực hiện phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân, tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, Tuần lễ Quốc gia Nước sạch-vệ sinh môi trường và Ngày Môi trường thế giới. Tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của phụ nữ trong sử dụng và bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường và thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân.
nha-ve-sinh2.JPG
Các đại biểu tại lễ mít tinh.

Các cấp Hội đã chủ động khai thác các dự án quốc tế, phối hợp với các ngân hàng để hỗ trợ phụ nữ vay vốn xây dựng công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh; duy trì và nhân rộng các mô hình đoạn đường phụ nữ tự quản, dòng sông tự quản, mô hình phân loại rác thải tại nhà, không sử dụng túi ni lông… Những hoạt động có ý nghĩa đó đã cùng cả nước bảo vệ môi trường, tăng tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tốt hơn cho phụ nữ, trẻ em và người dân tại cộng động.

Tại Lễ mít tinh hướng ứng Ngày Nhà vệ sinh thế giới, Phó Chủ tịch Trần Thị Hương kêu gọi mọi người hãy cùng nhau chuyển tải thông điệp sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức của toàn xã hội cũng như của mỗi người dân về tầm quan trọng của nhà vệ sinh và kêu gọi sự chung tay của mọi người trong việc mang lại điều kiện vệ sinh an toàn cho người dân, cho phụ nữ và trẻ em tại các vùng miền trong cả nước. Tiếp tục tuyên truyền, vận động để các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác chăm sóc sức khoẻ, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ tài nguyên và môi trường đến đoàn viên, hội viên và người dân tại cộng đồng. Củng cố và nhân rộng các mô hình 3 sạch thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” trong các cấp hội phụ nữ, phấn đấu thực hiện tiêu chí 17.6 trong Bộ chỉ tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh đến năm 2020 có trên 85% tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch trên cả nước.

Phó Chủ tịch cũng mong muốn các bộ/ban/ngành; các cơ quan/đoàn thể, các trường học, các cơ sở y tế, các cơ quan thông tấn báo chí, các tập thể, cá nhân hãy quan tâm đầu tư hơn nữa đầu tư xây dựng nhà vệ sinh; đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng, sử dụng, bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh. Có ý thức bảo vệ, giữ gìn nhà vệ sinh sạch, đẹp góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân và bảo vệ môi trường.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm