Suốt những năm yêu nhau, cô không hề biết nhà anh giàu có đến vậy. Bởi anh không bao giờ kể mà cô cũng chẳng hỏi. 2 năm sau khi ra trường, có công việc ổn định, cô mới chính thức “ra mắt” bố mẹ anh.
Gặp cô, quan sát cách ứng xử của cô, nhất là khi biết công việc mà cô đang làm khá ổn, mẹ anh rất hài lòng. Song, bà lập tức tỏ thái độ lạnh nhạt với cô lúc nghe kể rằng bố mẹ cô làm nghề nông, gia cảnh còn rất khó khăn. Anh phải kiên trì thuyết phục bố mẹ thì tình yêu của họ mới đi đến đám cưới. Vậy mà…
Cách ngày cưới đúng 2 tuần, mẹ anh gọi điện cho cô bảo là bà sẽ đưa cô đi mua nữ trang, gọi là quà của bố mẹ chồng tặng con dâu vào ngày cưới. Vốn mặc cảm mình là con nhà nghèo, bố mẹ sẽ không có chút của hồi môn nào cho con mang về nhà chồng nên cô đã khéo léo từ chối mẹ chồng tương lai. Nhưng rồi bà gắt lên, nói chả nhẽ cô muốn nhà bà phải bẽ mặt với họ hàng? Cả chồng tương lai cũng động viên cô hãy làm theo ý mẹ. Rồi bà dẫn cô vào một cửa hàng nữ trang to nhất trong một trung tâm thương mại hoành tráng, bảo cô muốn chọn gì tùy thích, những đồ nữ trang như lắc đeo tay, bông tai, dây chuyền… để diện trong ngày cưới.
Cô hoa cả mắt, lúng túng chẳng biết chọn gì. Một hồi lâu, cô đành thú thật cảm giác đó với mẹ chồng. Nghe vậy, bà cười khích lệ cô: “Cứ chọn những gì mà con thấy thích nhất là được”. Tâm trạng cô thoải mái hơn, cô như mê đi giữa thế giới đồ nữ trang. Cuối cùng, cô cũng chọn được một bộ gồm dây chuyền, nhẫn và bông tai mà cô thích nhất, trong lòng dạt dào cảm giác sung sướng, mãn nguyện. Mẹ chồng tương lai của cô cũng cười tươi. Mặt bà chỉ trở nên lầm lì khi nhận lại tấm thẻ visa card và tờ hóa đơn ghi số tiền đã thanh toán. Về đến nhà, cô mới được bà thông báo món quà nữ trang mà bà cho cô tự chọn trị giá 3.500 USD (hơn 73 triệu đồng).
Cô nói với Thanh Tâm rằng lúc đó cô rất choáng váng. Cô thực sự không biết giá vì hàng chỉ ghi ký hiệu mã số. Sau đó, cô đã xin bà được đem trả lại mấy món đồ nữ trang đó nhưng chồng sắp cưới của cô gạt đi, nói là mẹ đã cho chọn theo ý thích rồi thì không phải băn khoăn. Nhưng 2 ngày sau, cô đã nghe được những lời rất không hay của mẹ chồng tương lai do một người trong họ nói lại. Bà chê cô là con nhà nghèo mà lại thích sài sang. Ai lại dám tự chọn cho mình món quà trị giá hơn bảy chục triệu đồng. Bà còn nói một câu đầy sự khinh miệt, rằng bà lo “loại con dâu kiểu ếch nhái được lên làm người” như cô về nhà bà sẽ ăn tàn phá hại thì thật vô phúc.
Bất hạnh thay, bố cô ở quê cũng biết chuyện. Bởi hôm bà oang oang nói những lời khinh miệt cô với người chị họ thì em trai cô cũng ở đó.
Không khí gia đình cô giờ vô cùng nặng nề. Bố cô nhất quyết bảo hủy đám cưới. Nếu không, ông sẽ coi cô như người xa lạ và không bao giờ quan hệ với nhà thông gia hợm tiền, miệt thị người khác như vậy. Bản thân cô cũng ớn lạnh khi nghĩ rồi cô sẽ sống ra sao đây với người mẹ chồng đã khinh miệt cô như vậy chỉ vì một món quà tặng?
Cô đau đớn nói với chồng chưa cưới có lẽ mình nên chia tay và anh đã khóc. Anh yêu cầu cô không được nản lòng mà cả 2 phải hợp sức để giải quyết chuyện quá khó này. Anh sẽ về quê xin bố cô tha thứ để rồi vẫn tác thành cho con cái.
Song, cô chia sẻ với Thanh Tâm rằng giờ cô ngại về làm dâu nhà ấy lắm. Cô ước giá mà người yêu mình không phải là con duy nhất, cưới rồi sẽ được bố mẹ chồng cho ra ở riêng thì cô còn dám cố gắng.
Thanh Tâm nghĩ, trước mắt, 2 bên thông gia sẽ khó mà hòa giải ngay được, trừ khi mẹ anh thấy mình đã sai và chủ động xin lỗi. Cô cũng nên cùng anh gặp mẹ trả lại món quà đó vì giờ đây nó chỉ gợi nỗi buồn đau cho cô mà thôi. Nếu họ vẫn nỗ lực bảo vệ tình yêu của mình và quyết tâm gây dựng hạnh phúc thì qua thời gian, hy vọng cách sống, cách ứng xử chân tình của cô sẽ khiến mẹ chồng thay đổi suy nghĩ.