pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mong nhiều bác sĩ về tuyến huyện hơn
Bác sĩ Đặng Thị Hằng - Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu – Gây mê phẫu thuật – Thận nhân tạo Trung tâm Y tế huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đang thăm khám cho bệnh nhân
Bác sĩ Đặng Thị Hằng hiện là Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu – Gây mê phẫu thuật – Thận nhân tạo Trung tâm Y tế huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Những ngày tháng chiến đấu vì sức khỏe của người bệnh đôi lúc khiến những nữ bác sĩ có con nhỏ như chị kiệt sức, nhưng cũng giúp chị trưởng thành hơn trong nghề và từ đó, gắn bó hơn với công việc trao cho người bệnh cơ hội sống.
Dù có 2 con nhỏ mới 3 tuổi và 8 tuổi, nhưng bác sĩ Hằng đã tham gia 2 lần chống dịch tuyến đầu. Tháng 5/2021, khi Bắc Ninh là điểm nóng về dịch Covid-19, chị đã tham gia tuyến đầu suốt 2 tháng ròng. Con nhỏ phải nhờ ông bà nội trông nom, chăm sóc. Sau khi trở về từ tuyến đầu chưa được 2 tháng, chị lại tiếp tục khăn gói lên đường đến “chiến trường” miền Nam. Chuyến đi này cũng ngót hai tháng nữa… Tưởng rằng khi dịch lắng xuống, được trở về với công việc chuyên môn thường ngày, nhưng sau Tết, số lượng F0 tăng lên khủng khiếp, chị lại vừa làm việc tại khoa, vừa tham gia vào công việc tư vấn điều trị F0 tại nhà.
"Ăn cũng điện thoại, ngủ cũng điện thoại, đi trực cũng có điện thoại, lúc mệt mỏi, đau ốm cũng nghe điện thoại. Thời gian chăm sóc con cái cũng không còn được bao nhiêu. Nhưng tôi thấy đó là công việc có ích cho người bệnh điều trị tại nhà nên vẫn sắp xếp thời gian để giúp đỡ mọi người", bác sĩ Hằng chia sẻ.
Bác sĩ Hằng tốt nghiệp Đại học Y Hải Phòng và học Chuyên khoa I tại Đại học Y Hà Nội. Sau một thời gian làm việc tại Khoa Nội, chị được đầu quân về Khoa Hồi sức cấp cứu – Thận nhân tạo của Trung tâm Y tế huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ở mỗi vị trí đều có những đặc thù riêng và đều cần thiết cho công việc chăm sóc sức khỏe của bệnh nhân. Bác sĩ Hằng cho biết, công việc ở Khoa Hồi sức cấp cứu giúp chị có thêm nhiều kinh nghiệm, chuyên môn, kỹ năng xử lý bệnh nhân cũng được nâng cao. Đứng trước những bệnh nhân nặng, chuyên môn và tâm lý bác sĩ lại càng đòi hỏi vững vàng hơn.
"Tôi rất yêu công việc này và gắn bó với Khoa Hồi sức cấp cứu. Nhưng nếu đơn vị cần thì vị trí nào tôi cũng có thể làm, miễn sao có thể cống hiến hết kinh nghiệm, chuyên môn và kỹ năng của mình để cứu, chữa cho người bệnh", bác sĩ Hằng khẳng định.
Cũng như nhiều y, bác sĩ làm trong nghề, những kỷ niệm vui buồn luôn là hành trang quý giá. Chia sẻ về ca cấp cứu gần nhất vào sáng ngày 24/2 vừa qua, chị Hằng cho biết: "Bệnh nhân được đưa vào bệnh viên trong trạng thái ngừng tuần hoàn, hôn mê sâu, ngừng tim, thở ngáp cá. SpO2 60% không sốt. Sau khi kíp trực cấp cứu, bệnh nhân đã có nhịp tim trở lại, sau đó tri giác cũng khá hơn. SpO2 tăng nên 92% khi thở oxy. Lúc đó chúng tôi có test Covid cho bệnh nhân thì thấy dương tính. Cả kíp trực bất ngờ nhưng cũng may mọi người có trang bị phòng hộ theo quy định. Sau đó, tình trạng bệnh nhân đã khá hơn và được chuyển tuyến điều trị tiếp".
Không chỉ làm tốt công việc chuyên môn, bác sĩ Hằng còn đảm nhận vị trí Phó Trưởng khoa nên chị còn phải thực hiện công việc hỗ trợ quản lý khoa, phòng, các kế hoạch kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo quân số trong khoa sao cho lực lượng y, bác sĩ không bị nhiễm bệnh để phục vụ bệnh nhân.
Cũng như nhiều y, bác sĩ tuyến cơ sở, mặc dù lương không cao, nuôi con cũng đủ, nhưng nuôi đầy đủ thì khó, thời gian cho gia đình càng hiếm hoi hơn. Thế nhưng các chị chưa bao giờ giảm nhiệt huyết với nghề. Có lẽ, kể từ khi bước chân vào trường Y, chị Hằng đã xác định tình yêu với công việc mà chị đang làm.
Những năm qua, ngành Y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc đưa bác sĩ về công tác tại tuyến huyện. Song, đa phần các bác sĩ có trình độ cao đều mong muốn về công tác tại các bệnh viện tuyến tỉnh để có môi trường rèn luyện và phát triển kinh nghiệm của bản thân. Do đó, các đơn vị y tế tuyến huyện luôn trong tình trạng thiếu bác sĩ, nhất là bác sĩ chuyên khoa sâu, có trình độ tay nghề cao.
Bác sĩ Hằng cũng mong mỏi hơn sẽ có nhiều bác sĩ giỏi về với tuyến huyện. Cơ sở vật chất y tế cũng được đầu tư tốt hơn, có điều kiện chữa trị cho những bệnh nhân nặng để họ yên tâm điều trị tại địa phương. Việc chuyển tuyến cũng gây ra nhiều vấn đề phức tạp cho gia đình bệnh nhân và gây áp lực cho tuyến trên.