Chị Hiệp là con thứ trong một gia đình lao động nghèo sống tại con hẻm nhỏ trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.10 (TPHCM). Ba mất sớm, mẹ thường xuyên bệnh tật, nhà lại đông anh chị em khiến chị Hiệp phải lăn lộn, bươn chải kiếm sống từ khi còn là một đứa trẻ. Công việc bán hàng rong tại bến xe Chợ Lớn và bán nước ở con hẻm gần nhà đã giúp chị tích cóp được chút ít để “phòng hờ sau này lỡ bệnh tật”.
Chị Hiệp những ngày điêì trị trong viện (ảnh chụp tháng 3/2014)
Nhưng tai hoạ liên tiếp ập xuống gia đình, khiến những dự định của chị phút chốc tan như bọt xà phòng. Chị Hiệp tâm sự: “Mẹ tôi bệnh huyết áp cao, tim mạch, khớp… phải uống thuốc mỗi ngày. Anh Hai đang khỏe mạnh thì lâm bệnh suy thận rồi qua đời. Tôi chẳng còn nghĩ tới chuyện lập gia đình riêng, chỉ muốn ở vậy với mẹ đến hết cuộc đời. Vài năm trước, tôi thấy trong người không khỏe nên đi khám tổng quát. Bác sĩ nói tôi bị u nang buồng trứng và bệnh gì đó liên quan đến gan. Đang tính cách làm thế nào để chạy chữa thì em gái tôi lại phát hiện mắc bệnh thận, chạy chữa khắp nơi nhưng rồi cũng không qua khỏi. Đúng dịp đó, khi tôi đi kiểm tra lại sức khỏe để lên kế hoạch điều trị thì bác sĩ lại phát hiện tôi mắc bệnh thận đa nang. Nghĩ tới những người trong nhà đã mất vì căn bệnh này, tôi rất lo sợ!”.
Những căn bệnh quái ác khiến không chỉ chị Hiệp mà cả gia đình chị đều lâm vào trạng thái suy sụp hoàn toàn, bởi: “Biết chạy đâu ra tiền để chữa bệnh?”. Căn bệnh khiến sức khỏe của chị Hiệp ngày càng yếu đi, đành phải nghỉ việc buôn bán. Chị kể: “Tôi biết căn bệnh này rất nguy hiểm nhưng trước mắt, tôi không thể tìm đâu ra tiền để chữa trị. Mùng 7 Tết vừa rồi, trong người tôi xuất hiện rất nhiều triệu chứng lạ như: Sốt cao, bụng chướng, đi tiểu ra máu và nước tiểu rất đục… Tới bệnh viện khám, bác sĩ chỉ định tôi phải nhập viện điều trị vì bệnh của tôi đã ở giai đoạn quá nặng”.
Chờ phép màu!
Nằm ở chiếc giường đối diện với hướng vào nhà vệ sinh trong khoa Thận, Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, thân hình gầy đen của chị Hiệp như lọt thỏm trong những âm thanh hỗn độn và mùi cồn bốc lên nồng nặc. Chị đang miên man kể lại những câu chuyện liên quan đến căn bệnh quái ác thì 1 y tá lại gần giường chị ra hiệu đến giờ chích nước biển và lấy máu xét nghiệm. Đưa bàn tay nhăn nheo chỉ còn da bọc xương về phía mũi kim, chị Hiệp nhắm mắt, quay mặt vào bên trong mép tường, toàn thân chị gồng lên: “Tôi không sợ đau nhưng sợ nhìn thấy máu. Ngày nào cũng vậy, lọc máu chạy thận xong là vô nước biển, rồi lấy máu đi xét nghiệm, chích thuốc, uống thuốc… Tất cả đã không còn lạ lẫm gì nhưng mỗi lần y tá chọc mũi kim vào tay, dù rất cố gắng, tôi vẫn không kìm được nước mắt với rất nhiều nỗi sợ hãi”.
Ngồi ở đầu giường, chị Vũ Thị Hảo, em gái chị Hiệp, đưa một tay lên giữ chặt miếng bông gòn ở chỗ y tá vừa lấy máu trên cơ thể chị Hiệp, tay còn lại lấy miếng khăn giấy trên đầu tủ khẽ lau những giọt nước mắt đang lăn dài trên gò má chị. Từ khi chị gái phải nhập viện điều trị, chị Hảo cũng gác công việc bán bánh rong để vào bệnh viện nuôi chị. Là người thứ tư trong gia đình 5 anh chị em mang căn bệnh thận nhưng chị Hảo cũng đang phải “chờ điều kiện để chữa trị”.
Nhắc tới khoản viện phí từ khi chị Hiệp nhập viện, chị Hảo kể: “Dù đã mua bảo hiểm nhưng từ khi chị Hiệp nhập viện, gia đình tôi phải mượn nợ cả vài chục triệu. Người tốt thì cho mượn không lấy lãi, nhưng cũng có khi phải vay lãi, 1 triệu đồng mất 200.000 đồng mỗi tháng. Lãi mẹ đẻ lãi con. Căn nhà xập xệ của mấy mẹ con chắc cũng phải bán để lấy tiền trả nợ. Sao bệnh tật cứ thích dòm mấy người khó mà đổ xuống, khiến chúng tôi không gượng dậy được. Bác sĩ nói trường hợp của chị tôi là một ca khó vì nhập viện trễ, còn tôi cũng không biết có tiền để nhập viện hay không. Chỉ còn trông chờ vào phép màu!”.
Thận đa nang người lớn là một loại tổn thương của thận đặc trưng bởi sự xuất hiện của rất nhiều nang kích thước khác nhau chứa đầy dịch, bình thường những nang này chứa dịch vàng trong. Đa số các trường hợp, những nang này chỉ xuất hiện ở 2 thận, tuy nhiên có khoảng 30% bệnh nhân xuất hiện nang gan kèm theo, ngoài ra còn có thể có nang ở tụy, buồng trứng, phổi và não với tỉ lệ ít hơn. Bệnh chiếm 1/1.000 bệnh nhân nhập viện và 10% tổng số bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối. Thận đa nang có tính chất di truyền theo kiểu gene trội nằm trên nhiễm sắc thể 16. Nghĩa là chỉ cần bố hoặc mẹ mang bệnh thì xác suất con cái mang bệnh là 50%. Bệnh có tính chất xuất hiện trong cùng một gia đình. Bệnh thường được phát hiện ở lứa tuổi 30 - 40. Các triệu chứng của thận đa nang như đau vùng hông lưng với tính chất đau âm ỉ hay đau quặn dữ dội 1 hoặc 2 bên, tiểu ra máu do chảy máu trong nang, tiểu mủ khi có nhiễm trùng, tiểu đêm, xanh xao, thiếu máu và thiểu niệu, vô niệu khi bệnh đã diễn tiến đến suy thận. Bệnh có thể được phát hiện qua thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm thận, chụp X-quang hệ niệu có thuốc cản quang, CT-scan hai thận. Bệnh thường phát hiện ở giai đoạn trễ và đã có biến chứng nên việc điều trị chủ yếu là điều trị biến chứng như điều trị tăng huyết áp, kháng sinh thích hợp khi có nhiễm trùng niệu, chạy thận nhân tạo nếu đã suy thận mạn giai đoạn cuối, cần phối hợp chế độ ăn và sinh hoạt phù hợp với bệnh nhân suy thận. Phẫu thuật chọc hút nang, dẫn lưu hay cắt bỏ thận có nang là những chỉ định cá biệt. Ghép thận là chỉ định tối ưu cho bệnh nhân nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong điều kiện nước ta hiện nay. Phòng bệnh điều quan trọng là phát hiện sớm để có biện pháp kéo dài đời sống của bệnh nhân. Với những gia đình đã có người bị bệnh thận đa nang thì phải khám bệnh, chăm sóc sức khỏe cho tất cả các thành viên. Phải khám chuyên khoa thận và cho làm siêu âm, vì siêu âm phát hiện ra nang khi chưa có triệu chứng lâm sàng. Khi đã phát hiện thận đa nang thì cần được khám định kỳ nhằm phát hiện kịp thời các biến chứng như: Nhiễm khuẩn tiết niệu, sỏi, tăng huyết áp, suy thận. Bệnh nhân cần duy trì một lối sống lành mạnh như ăn uống điều độ; bỏ rượu bia, thuốc lá; tập luyện hợp lý; tránh béo phì; ăn nhạt; ít đường, mỡ, muối... |
Bác sĩ Phạm Thị Xuân Thư (Khoa Thận - Thận nhân tạo, Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương TPHCM) |