Một ca sốt xuất huyết biến chứng viêm não

14/09/2015 - 11:43
Tưởng bị sốt virus, một sinh viên Đại học Xây dựng (Hà Nội) tự uống thuốc, nhưng bệnh của em lại là sốt xuất huyết, biến chứng viêm não.
Những tưởng sốt virus như mọi khi, Nguyễn Đình T. (23 tuổi, sinh viên Đại học Xây dựng, Hà Nội) tự uống thuốc nhưng không đỡ. Vào viện, T. được xác định sốt xuất huyết (SXH) và do điều trị không đúng cách, bệnh đã biến chứng viêm não.
Biến chứng do SXH
Ngày 2/9, T. vào khám tại Bệnh viện Xanh – pôn, Hà Nội, được chẩn đoán SXH nhưng điều trị ngoại trú. Chỉ sau đó một ngày, những cơn đau đầu tiếp diễn không ngớt, gia đình tiếp tục đưa T. vào Bệnh viện Đống Đa. Tại đây, T. được các bác sĩ truyền dịch, dùng thuốc, bệnh vẫn không đỡ.
Lo lắng cho con, một lần nữa mẹ của T. xin chuyển viện cho con sang sang Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai hồi 12h ngày 5/9. Đến 20h cùng ngày, bệnh nhân T. lên cơn co giật, mất ý thức nên được bác sĩ chỉ định chọc dịch não tuỷ. Kết quả, bệnh nhân bị viêm não - màng não do sốt xuất huyết Dengue.
TS.BS Đỗ Duy Cường, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: thời điểm này số ca mắc SXH nhập viện tăng mạnh. Tuy nhiên biến chứng gây viêm não - màng não như bệnh nhân Nguyễn Đình T. là ca bệnh rất hiếm gặp. Bệnh nhân vào khoa trong tình trạng nặng, co giật, rối loạn ý thức và phải thở oxy, nguy cơ đe dọa tính mạng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Rất may, chỉ sau 2 ngày điều trị tại đây, bệnh nhân đã hồi tỉnh.

Bệnh nhân T. phục hồi sau thời gian điều trị tích cực.


Đang chăm sóc cho con trai, bà Nguyễn Thị T., mẹ bệnh nhân T. chia sẻ: “Mới sốt đến ngày thứ 4 mà thấy con lên cơn co giật, mất ý thức, tôi sốc vô cùng. Thức trắng đêm không hề chợp mắt chỉ lo con bị làm sao. Sau vài ngày điều trị tích cực thấy con tỉnh, đòi ngồi dậy, đòi đi vệ sinh, hỏi con vài câu, thấy trả lời bình thường tôi mới thở phào nhẹ nhõm”.
Trước tình hình gia tăng bệnh nhân SXH, TS.BS Đỗ Duy Cường có lời khuyên, hiện muỗi vằn chủ yếu truyền bệnh SXH có tên khoa học là Aedes aegypti. Triệu chứng của bệnh thường là sốt cao đột ngột kéo dài 5-7 ngày, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, trường hợp nặng có thể có xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Trường hợp nặng có thể xuất huyết nội tạng, sốc giảm thể tích do hiện tượng thoát huyết tương và cô đặc máu có thể dẫn tới tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Xét nghiệm công thức máu thấy tiểu cầu hạ (thường < 100.000/mm3 ), bạch cầu hạ, hematocrite tăng (hiện tượng cô đặc máu).
SXH Dengue chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Điều trị chủ yếu là truyền dịch, bồi phụ nước và điện giải, dùng thuốc hạ sốt và theo dõi dấu hiệu xuất huyết bằng kiểm tra công thức máu hàng ngày. Do đó, người bệnh khi thấy các triệu chứng sốt cao đột ngột liên tục 39–40 độ C, kéo dài 2–7 ngày, khó hạ sốt; đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu; có thể có, phát ban, nổi hạch... thì nên đến bệnh viện khám để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận gần 30.000 trường hợp mắc SXH, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam, nơi có tập quán dự trữ nước, có nhiều khu đô thị, công trường xây dựng và khu dân cư đông đúc. Các địa phương có nhiều ca SXH là Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, Khánh Hoà, Hà Nội… Hơn 8 tháng qua, đã có 18 trường hợp tử vong do SXH tại 10 tỉnh (chủ yếu là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long).
Ông Trần Đắc Phu nhận xét, số mắc năm nay tăng hơn cùng kỳ năm ngoái nhưng thấp hơn nhiều so với giai đoạn 2009- 2013. Đến nay, cũng chưa ghi nhận trường hợp muỗi truyền bệnh SXH kháng hóa chất mà cơ quan chức năng phun phòng bệnh. Tuy nhiên, dịch SXH dễ có khả năng bùng phát trong năm nay, do chu kỳ dịch lớn thường xuất hiện từ 4 đến 5 năm một lần. Năm 2014 là năm dịch SXH có số mắc thấp nhất trong vòng 10 năm qua, vì vậy năm 2015 được nhận định dịch sẽ có khả năng diễn biến phức tạp và số mắc có thể tăng lên so với năm 2014.
Trong thời gian tới, khi thời tiết miền Bắc trở lạnh, khả năng mắc SXH cũng có thể giảm đi. Nhưng trước đó, cần quyết liệt trong các hoạt động nhằm giảm tối đa nguy cơ dịch bệnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm