Chị Thanh Phương, chuyên viên kinh doanh tại một công ty ở quận 3, TPHCM, vào chợ Bến Thành để “săn” quần áo cho đứa con nhỏ với chiếc máy tính bảng trên tay. Sau một hồi “trượt, chạm”, chị tiến thẳng đến gian hàng quần áo trẻ em và nhanh chóng “vơ” khoảng chục bộ. Việc mua bán diễn ra rất nhanh và thuận lợi. Vừa khoe giỏ hàng đầy ắp, chị vừa kể: “Tiện lắm cơ! Mình chỉ cần vào website của chợ để tìm mặt hàng, sau đó so sánh chất lượng, chủng loại, giá cả giữa các sạp là có thể chọn được những món hàng phù hợp nhất, rẻ nhất tại một sạp hàng nào đó. Bởi tất cả mọi thông tin về sản phẩm giá cả đều được cập nhật trên website này hết”.
Được biết, ngay sau kỷ niệm sinh nhật 100 tuổi, Ban quản lý chợ Bến Thành đã quyết định xây dựng website của chợ và đưa vào hoạt động từ giữa tháng 5/2014. Theo cơ chế hoạt động của wesite này, toàn bộ 1.446 sạp hàng đang kinh doanh tại chợ đều được cấp tài khoản trên trang điện tử để giới thiệu sản phẩm hàng hóa, giá cả, hình thức mua bán… Tiểu thương tự quản lý và chịu trách nhiệm về thông tin của sạp mình trên đó. Khách hàng, du khách có thể tìm hiểu sản phẩm, giá cả từng sạp hàng lựa chọn trước khi đến chợ.
Khách hàng, du khách có thể tìm hiểu sản phẩm, giá cả từng sạp hàng lựa chọn trước khi đến chợ
Bến Thành. Ảnh minh họa: internet
Trước đây, chợ Bến Thành từng “nổi tiếng” với tệ cân gian, nói thách, khiến không ít khách hàng cảm thấy “ngại” mỗi khi đến đây mua sắm, mặc dù chất lượng hàng hóa, bao gồm cả hàng tiêu dùng và thực phẩm, ở chợ này được nhiều người dân TPHCM “tin” là tốt, ngon. Bây giờ, với việc đưa website vào hoạt động, mọi thông tin cơ bản về các sạp kinh doanh, các mặt hàng và giá cả đều được “công khai, minh bạch”, khách hàng có thể dễ dàng so sánh và lựa chọn một cách chính xác.
“Cũng không loại trừ việc một số tiểu thương đưa thông tin không chính xác lên web, nhưng việc kiểm chứng không khó. Và chính những sạp có biểu hiện gian dối sẽ bị phát giác và bị tẩy chay. Do đó, hình thức bán hàng với sự hỗ trợ của website này được coi là rất hiệu quả, là một biểu hiện rõ rệt của tính văn minh trong hoạt động thương mại ở một ngôi chợ truyền thống”, chị Thanh Phương nhận xét.
Chợ Bến Thành là chợ truyền thống đầu tiên trên cả nước áp dụng mô hình bán hàng trực tuyến. Cùng với việc đưa website đi vào hoạt động, toàn bộ khu vực chợ Bến Thành cũng đã được phủ sóng wifi miễn phí. Ban quản lý chợ cũng sẽ trang bị 4 màn hình vi tính lớn tại bốn mặt của chợ để khách hàng và du khách dễ dàng truy cập thông tin từ website của chợ.
Trước sự “bành trướng” của các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các chợ lẻ ở TPHCM đang loay hoay tìm cách để tồn tại. Theo nhiều người nội trợ, những hạn chế của mô hình chợ truyền thống so với các siêu thị, cửa hàng tiện lợi chính là sự không rõ ràng về chất lượng, giá cả giữa các sạp chênh lệch nhau, tồn tại nhiều biểu hiện gian dối trong kinh doanh. Tuy nhiên, bên cạnh đó thì những ưu thế của chợ truyền thống như sự đa dạng về mặt hàng, phù hợp với tập quán tiêu dùng và thói quen mua sắm của nhiều người, vẫn đảm bảo cho mô hình thương mại lâu đời này có một vị trí xứng đáng trong một bộ phận lớn người tiêu dùng, kể cả tại các thành phố lớn. Do đó, nếu có được những hình thức tổ chức, quản lý phù hợp thì chợ truyền thống không những không “chết”, mà vẫn có cơ hội để phát triển.