Mùa "mía đắng" xứ Mường

05/01/2016 - 12:01
Hàng nghìn ha mía của tím của tỉnh Hòa Bình - vựa mía tím lớn nhất cả nước - rơi vào tình trạng ế ẩm. Bà con trồng mía như ngồi trên đống lửa vì đến ngày thu hoạch giá mía lại rớt thảm.
Trái với cảnh mua bán tấp nập ở các vườn cam, vườn bưởi vào dịp đầu năm, những người trồng mía tím lại đứng ngồi không yên. Những vườn mía xanh mướt, trải dài ngút tầm mắt của xứ Mường vẫn "án binh bất động". Các hộ nông dân cũng chẳng buồn đi bóc bẹ mía nữa vì năm nay trồng mía không có công. 

Mía tím Tân Lạc nổi tiếng là ngọt, mềm, nhưng năm nay rất khó bán



Gia đình ông Triệu Văn Quý, xóm Đồng Chụa, xã Thống Nhất, thành phố Hòa Bình có 3,5ha đất. Mấy ngày hôm nay chị Chiều, vợ ông Quý đứng ngồi không yên. Chị than thở, tầm này năm ngoái, tôi bán vườn mía được 150 triệu đồng, với giá 5-6.000đ/1 cây mía. Năm nay, giá mía hạ xuống 3.000đ/1 cây, mà chẳng thấy ai vào mua. 

Theo tính toán của người trồng mía, đầu tư trồng một ha mía hết khoảng 60 triệu đồng. Nếu bán được 3000đ/1 cây mía bà con không có công. Mía tím đã đến kì thu hoạch, nếu để quá ngày mía sẽ bị "bốc" - cây bị hỏng dần. Nhiều người tiếc của đã chặt mía cho trâu, bò ăn. 

Bà con người Mường năm nay mất Tết vì giá mía xuống quá thấp

 

Tại vùng trọng điểm trồng mía của xứ Mường như Tân Lạc, Yên Thủy, Lạc Sơn... bà con nông dân cũng khó tiêu thụ mía. Hầu hết những người trồng mía là các hộ nông dân khó khăn. Họ không có tiền đầu tư trồng cây dài hạn như cam, bưởi. Thường thì 1ha mía, cho thu 150-180 triệu đồng, trừ chi phí, bà con có lãi khoảng 60 triệu đồng. Cách đây 3 năm, vùng mía tím của xứ Mường từng rơi vào tình trạng đình đốn vì mía đến kì thu hoạch, không có người đến mua. Bà con nông dân rơi vào cảnh khó khăn chồng chất. Vụ mía năm nay bà con gặp khó khăn kép vì giá phân bón trong thời gian qua liên tục tăng, trong khi giá mía lại giảm. Nhiều gia đình phải đi vay ngân hàng đầu tư trồng mía. Anh Đinh Văn Nam, người dân tộc ở xã Phong Phú, huyện Tân Lạc than thở, cái kim, sợi chỉ của gia đình trông cả vào vườn mía. Niềm hy vọng đó của gia đình năm nay đã bị phá sản. 

Thêm một mùa mía "đắng" đã đẩy nhiều hộ gia đình xứ Mường rơi vào cảnh khốn đốn


Anh Bùi Văn Niên, người trồng và cũng là người thu mua mía ở xóm Ngay, xã Mỹ Hòa, huyện Tân Lạc từng giàu có lên nhờ cây mía tím. Anh xây được nhà, sắm được xe cũng nhờ tài buôn mía. Vậy mà 2 tháng gần đây, cả nhà anh "ngôi chơi xơi nước" suốt. Anh Niên cho rằng, thà chơi còn hơn đi buôn mía giai đoạn này. Buôn chuyến nào là lỗ chuyến đó, vì mía chở ra đường bán, chẳng có "ma" nào hỏi. Anh Niên chia sẻ, thời điểm này năm ngoái, ngày nào anh cũng cho thợ vào vườn chặt và chở mía đi bán, kể cả những vườn mía xấu, cây còi cọc cũng bán được hết, giá vẫn cao, từ 6.000 đồng /cây. Năm nay giá cao nhất chỉ có 3.000 đồng /cây với loại mía đẹp và mua chọn, còn mía bình thường giá chỉ giao động từ 2.000 - 2.5000 đồng /cây.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình, tỉnh có khoảng 3.000ha mía. Nguyên nhân mía khó tiêu thụ là do nhiệt độ xuống thấp, ít người ăn mía. Hơn nữa, trong những năm quá việc phát triển diện tích mía quá nhanh, sản lượng tăng nhanh mà mía tím không đưa vào sản xuất công nghiệp được.  


Từ nhiều năm nay, việc tiêu thụ mía của cả tỉnh Hòa Bình phụ thuộc hoàn toàn vào các thương lái ở các nơi đến lấy. Đến giờ chính quyền địa phương nơi đây cũng chưa đưa ra được một giải pháp gì giúp bà con bán mía. Do vậy bà con nông dân trồng mía "tự bơi" là chính. Năm nào thời tiết nắng ấm, người trồng mía còn có chút thu nhập. Vụ nào thời tiết mưa nhiều và rét, người trồng mía lại chịu cảnh hẩm hiu. Niềm hy vọng và là giải pháp cứu cách cho người trồng mía nơi đây là mong trời ấm lên. 



Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm