Tử vong do không tiêm phòng Sởi
Trong khi dịch sởi bùng phát tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TPHCM, Yên Bái, Sơn La và Lào Cai, với trên 600 người mắc bệnh. Thì có đến 80% số bệnh nhân này không tiêm đủ mũi hoặc chưa tiêm vaccine phòng sởi. Trong số những bệnh nhân nhập viện, có cả người lớn, nhiều trường hợp bị biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, trong đó có 2 trẻ đã tử vong. GS, TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết, điểm bất thường của dịch sởi năm nay là nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi (chưa đến tuổi tiêm phòng sởi mũi 1), thậm chí có trẻ mới 2,5 tháng tuổi đã mắc bệnh.
Ảnh 1: Sởi là bệnh rất dễ lây, người nào nếu sức đề kháng kém và chưa có miễn dịch với bệnh thì rất dễ mắc sởi.
Để phòng bệnh, mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ, nên đi tiêm vaccine theo lịch của ngành y tế. Bên cạnh đó, để phòng lây bệnh, cần cách li, hạn chế tiếp xúc với người sốt phát ban, tăng sức đề kháng cơ thể bằng ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và khoáng chất; tránh tối đa việc chùi tay lên mắt, mũi, miệng, thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hằng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường.
Cảnh giác bệnh đường hô hấp, viêm màng não
Cùng với sởi, do thời tiết ẩm thấp cho các bệnh về đường hô hấp phát triển như: Viêm mũi, họng, viêm VA, viêm amidan, viêm xoang, hen phế quản... dễ tấn công mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, trẻ em cũng dễ mắc bệnh tiêu chảy. Viêm màng não mủ là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Bệnh do vi khuẩn gây ra. Khi vi khuẩn xâm nhập vào đường hô hấp sẽ khiến người bệnh có những triệu chứng giống mắc cúm như sốt, ho nhẹ và nghẹt mũi. 2-3 ngày sau, các vi khuẩn xâm nhập vào máu, phá hoại các tế bào máu của cơ thể, gây nhiễm trùng máu. Viêm màng não có thể ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung khu. Nếu như không chữa trị kịp thời, có thể dẫn tới suy kiệt hệ tuần hoàn và hệ hô hấp, rồi tử vong.
Ảnh 2: Khi trẻ nhỏ có những dấu hiệu nổi mụn nước, tiêu chảy kéo dài phụ huynh cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi thấy người thân có những biểu hiện như sốt cao, thở gấp, đau đầu, nổi mụn nước, trẻ nhỏ bỏ bú, tiêu chảy kéo dài... cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời; không tự ý dùng thuốc, tránh nguy hiểm đến tính mạng. Để phòng bệnh, đối với trẻ nhỏ, cần tiêm vaccine theo khuyến cáo; cha mẹ cần cung cấp đủ chất dinh dưỡng, tăng cường các loại quả chứa nhiều vitamin C như cam, chanh, xoài và giữ ấm cho trẻ; hạn chế tối đa để trẻ tiếp xúc với người bệnh.
TS Trần Đắc Phu (Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế)
“Sởi là bệnh lành tính, đa phần diễn biến nhẹ nhưng người dân không nên chủ quan. Bởi nếu bị biến chứng, có thể dẫn đến viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc; thậm chí có thể viêm não và dẫn đến tử vong. Vì thế, nếu trẻ có biểu hiện sốt, phát ban dạng sởi, bắt đầu từ mặt, sau đó lan dần xuống dưới chân, tay, kèm viêm kết mạc và đường hô hấp thì cha mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế để được khám và điều trị”.
|