pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mùa tuyển sinh đại học 2022: Đổi mới nhưng đừng thêm gánh nặng cho thí sinh
Thí sinh lo lắng khi nhiều trường giảm chỉ tiêu xét kết quả tốt nghiệp THPT. Ảnh: H.C
Hoang mang trước "mê trận" tuyển sinh
Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, năm 2021, số lượng các trường ĐH xét kết quả thi tốt nghiệp THPT là hơn 92%. Còn số lượng các trường sử dụng kết quả học tập bậc THPT (học bạ) để tuyển sinh là hơn 77%. Tuy nhiên, năm 2022, nhiều trường ĐH đã công bố điều chỉnh tỷ lệ xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT, cách thức tuyển sinh. Theo đó, chỉ tiêu xét tuyển kết quả thi THPT của nhiều trường ĐH giảm mạnh. Thậm chí, nhiều trường "nói không" với việc xét học bạ.
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dành 10%-15% chỉ tiêu xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT và chỉ xét học bạ với đối tượng là học sinh trường chuyên trọng điểm quốc gia, có kết quả thi tốt nghiệp THPT đối với bất kỳ tổ hợp xét tuyển nào của trường đạt từ 20 điểm trở lên.
Dự kiến tuyển sinh 2022 của trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải mới công bố bổ sung phương thức xét kết quả đánh giá năng lực của trường ĐH Quốc gia Hà Nội và kết quả đánh giá tư duy của trường ĐH Bách khoa Hà Nội bên cạnh phương thức xét tuyển thẳng, xét kết quả thi tốt nghiệp và xét kết quả học bạ. Năm trước, trường này dành tới 40% chỉ tiêu cho việc xét kết quả học bạ và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Năm nay, chỉ tiêu này giảm còn 20%-30%. Số chỉ tiêu còn lại dành cho phương thức xét kết quả đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.
Trở tay không kịp
Thời gian gần đây, chủ đề được đề cập đến nhiều nhất ở gia đình chị Bùi Lan Phương (Mỹ Đức, Hà Nội) là chuyện thi vào ĐH của con. Theo chị Phương, con chị học khá. Nếu như những năm trước, các trường ĐH dành nhiều chỉ tiêu cho việc xét kết quả thi tốt nghiệp THPT thì vợ chồng chị sẽ không quá lo. Nhưng năm nay, nhiều trường giảm chỉ tiêu xét kết quả tốt nghiệp THPT nên vợ chồng chị khá lo lắng. "Gia đình tôi chỉ có một con nên kỳ vọng vào con nhiều. Những đứa trẻ sinh năm 2004 quá vất vả vì có 3 năm học THPT thì có gần 2 năm phải học online, lượng kiến thức thu được qua học trực tuyến sẽ không thể bằng học trực tiếp được. Vì thế, thi cử sẽ vất vả hơn so với khi trẻ được học trực tiếp. Giờ lại kéo theo việc các trường ĐH giảm chỉ tiêu xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ".
Năm nay, trước kỳ thi chỉ vài tháng, các trường giảm chỉ tiêu xét kết quả tốt nghiệp THPT, xét học bạ khiến học sinh trở tay không kịp. Đành rằng các trường thay đổi cách xét tuyển để có đầu vào chất lượng hơn nhưng trong bối cảnh bị tác động bởi dịch Covid-19, học sinh khổ sở vì học online kéo dài thì việc này chẳng khác gì tăng thêm gánh nặng cho học sinh. Bộ GD&ĐT cần yêu cầu các trường công bố mẫu đề, phạm vi kiến thức để học sinh còn ôn luyện. Thiết nghĩ, mục tiêu cải cách là để tránh lãng phí nguồn lực xã hội, tạo sự thuận lợi cho thí sinh và công bằng giữa các vùng miền".
Chị Trần Thị Loan (Hà Nam)
Lê Minh Hải, học sinh lớp 12, ở Ninh Bình, chia sẻ, chỉ còn vài tháng nữa là kết thúc năm học lớp 12. Hiện tại, Hải đang phải gồng mình tham gia các khóa luyện thi. "Em ôm máy tính cả ngày nên nhiều lúc cũng cảm thấy rất mệt mỏi và đau đầu. Vừa phải ôn thi tốt nghiệp THPT vừa tìm kiếm cơ hội bằng cách luyện thi đánh giá năng lực, tư duy khiến em cảm thấy quá tải. Giá như các trường công bố phương thức tuyển sinh sớm để học sinh chủ động học tập, ôn luyện thì sẽ không căng thẳng như hiện tại".
Chị Trần Thị Loan (Hà Nam), một phụ huynh có con thi đại học năm 2022, cho biết, thời gian này trẻ cần được ổn định tâm lý để tập trung học, ôn thi tốt nghiệp THPT thì lại bị phân tâm vì quá nhiều phương thức xét tuyển được các trường ĐH công bố. Lẽ ra, các thay đổi liên quan đến tuyển sinh ĐH phải được Bộ GD&ĐT công bố sớm, ít nhất là cuối năm học lớp 11 hoặc trước năm học lớp 12 kèm theo các hướng dẫn cụ thể để nhà trường tổ chức dạy học. Còn phụ huynh cũng có định hướng phù hợp cho con, thay vì để "nước đến chân mới nhảy" làm xáo trộn tâm lý trẻ và phụ huynh.