pnvnonline@phunuvietnam.vn
Muốn tiết kiệm tiền mà vẫn sống thoải mái, 6 điều cần nhớ khi lập ngân sách
Ngân sách của bạn có thực tế không?
Chúng ta dễ hào hứng với việc lập ngân sách và nhanh chóng đưa ra những con số thiếu thực tế với mình. Bạn có thể đặt ra số tiền đi chợ mỗi tuần quá thấp với lối sống hiện tại hoặc áng chừng quá thấp lượng xăng tiêu thụ mỗi tháng. Việc đặt ra ngân sách không thực tế có thể khiến bạn thất bại ngay từ đầu.
Để lập ra kế hoạch bám sát thực tế, hãy đảm bảo bạn đã tính toán các chi phí chính hàng tháng như tiền thuê nhà, hóa đơn điện nước, trả nợ vay, đi chợ cũng như các chi phí tùy ý như chi tiêu liên quan đến giải trí. Bằng cách này, bạn có thể hình thành cái nhìn thực tế về số tiền bạn thực sự chi tiêu mỗi tháng.
Bạn đã cắt bỏ mọi niềm vui khỏi ngân sách?
Nếu bạn đã cắt giảm tất cả các danh mục chi tiêu liên quan đến giải trí trong ngân sách với suy nghĩ bản thân sẽ tiết kiệm nhanh chóng hơn, bạn có thể đã chuẩn bị cho mình thất bại. Chúng ta đều cần đến hoạt động giải trí.
Bạn có thể giới hạn số tiền này ở mức thấp nếu ngân sách của bạn thực sự eo hẹp. Số tiền tuy nhỏ đó có thể giúp bạn tránh được việc sớm từ bỏ ngân sách. Điều này có thể khiến ai đó nghi ngờ song thực tế là số tiền vui vẻ này có thể khiến bạn không cảm thấy thiếu thốn (dẫn đến bội chi).
Bạn có thể kiểm soát bản thân?
Thiếu khả năng tự kiểm soát là một trong những nguyên nhân khiến bạn không thể bám sát ngân sách đã đặt ra, tiết kiệm không hiệu quả. Nếu bạn là người thích mua sắm, vung tiền vào những bữa ăn ngon hoặc nuông chiều bản thân, bạn có thể sẽ gặp khó khăn hơn trong việc bám theo ngân sách.
Hãy thử viết ra các mục tiêu tài chính của bạn và luôn mang theo chúng trong ví hoặc túi xách. Mỗi khi định rút tiền mặt hoặc thẻ ra thanh toán, việc nhìn thấy các mục tiêu đó có thể gợi nhớ bạn về lý do đặt ra ngân sách. Hãy chắc chắn rằng bạn không mua những thứ bạn không dùng hoặc không cần đến. Lên danh sách cụ thể những thứ bạn cần mua với số lượng đi kèm trước khi ra khỏi nhà. Điều này giúp bạn mua sắm có chủ đích hơn thay vì đi mà không biết mình cần gì.
Các mục tiêu tài chính của bạn quá khó để đạt được?
Nếu bạn đang làm việc để thoát khỏi nợ nần và biết rằng bản thân phải mất nhiều năm để thực hiện điều đó, bạn có thể khó kiên trì với kế hoạch. Thay vào đó, hãy chia nhỏ kế hoạch thành các cột mốc trong quá trình thực hiện. Điều này giúp bạn có động lực hơn để bám sát ngân sách.
Mỗi khi đạt được mục tiêu nhỏ, hãy tự thưởng cho mình. Đó có thể là một chiếc áo mới, một bữa ăn tối ngoài hàng… Những phần thưởng nhỏ này sẽ khích lệ bạn tốt hơn. Nhớ đảm bảo phần tự thưởng đó không khiến bạn mắc nợ hoặc phá vỡ ngân sách.
Vợ chồng bạn có mâu thuẫn về ngân sách không?
Khi hai bạn không đạt được thống nhất chung, bạn đời có thể chi tiêu quá đà hoặc không nỗ lực để hướng tới các mục tiêu tài chính chung của bạn như mua nhà mới, trả nợ hoặc tiết kiệm cho hưu trí. Trong giải quyết vấn đề tài chính gia đình, điều quan trọng là đôi bên phải làm việc cùng nhau để đi đến thống nhất, tìm ngân sách phù hợp với cả hai người.
Bạn có quên bất kỳ điều gì trong ngân sách của mình không?
Để có thể bám sát ngân sách và tiết kiệm tiền hiệu quả, hãy đảm bảo rằng bạn đã cân nhắc đến các khoản chi phí hàng năm như kỳ nghỉ cho gia đình, trại hè cho con hoặc chi phí y tế. Bạn có thể lập một quỹ chìm cho những chi phí này và một danh mục cho những khoản chi tiêu không thường xuyên như tiền mừng đám cưới, thăm đẻ... Những chi phí bất ngờ này có thể không được tính là trường hợp khẩn cấp nhưng điều quan trọng là bạn phải lập kế hoạch cho chúng để đảm bảo không chệch hướng khỏi ngân sách.