Doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ liêu xiêu
Vào 00h01 ngày 10/5 (theo giờ Mỹ) tức 12h01 ngày 10/5 (giờ Việt Nam), quyết định nâng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc của Mỹ bắt đầu có hiệu lực. Mức thuế mới sẽ được áp dụng với hơn 5.700 hạng mục hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vốn trước đây bị đánh thuế 10%. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cho biết ông sẽ còn nhắm vào mục tiêu 325 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc trong thời gian tới. Theo ngân hàng Citigroup, đòn mạnh tay này của ông Trump sẽ khiến chỉ số lạm phát của Mỹ tăng cao. Thuế nhập khẩu gia tăng sẽ đẩy cuộc chiến thương mại của ông Donald Trump lên một mức độ mới. Người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất do giá cả và chi phí sản xuất tăng cao.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đã mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại kéo dài 10 tháng qua. Mỹ áp thuế lên 250 tỷ USD hàng Trung Quốc. Trung Quốc cũng đáp trả với thuế tương tự lên 110 tỷ USD hàng Mỹ. Số liệu từ Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) cho hay kể từ giữa tháng 3 vừa qua, Washington đã thu về 15,6 tỉ USD thông qua thuế nhập khẩu áp đặt từ tháng 2/2018. Số liệu từ Bộ Tài chính Mỹ cũng cho thấy doanh thu thuế tại hải quan trong nửa đầu của năm tài chính hiện tại (bắt đầu từ 1/10/2018) đã tăng vọt tới 89% so với một năm trước, lên 34,7 tỉ USD.
Điều đáng nói ở đây là sự chênh lệnh giá trị nhập khẩu giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo số liệu của Cục Phân tích kinh tế (Bộ Thương mại Mỹ), năm 2017, giá trị hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc là 505 tỷ USD, cao hơn nhiều so với giá trị 130 tỷ USD hàng hóa mà Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ. Sự chênh lệch này không thay đổi đáng kể trong năm 2018.
Thế nhưng, các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, nền kinh tế Mỹ đang phải chịu tổn thất cho những đòn thuế quan mà Tổng thống Trump nhằm vào Trung Quốc. Theo một nghiên cứu mới đây của đại học Berkeley, UCLA, Columbia và Ngân hàng Thế giới, người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất khi giá cả và chi phí sản xuất tăng cao do tác động của đợt đánh thuế hồi năm 2018. Một nghiên cứu khác do các kinh tế gia của Cục Dự trữ Liên bang New York, Đại học Columbia và Đại học Princeton công bố hồi đầu năm cũng cho thấy gánh nặng của các biện pháp thuế quan của ông Trump hoàn toàn đè lên vai doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ. Cho đến cuối năm 2018, thuế đánh vào nhôm và thép từ Trung Quốc đã khiến các công ty Mỹ đã phải chi thêm 3 tỷ USD mỗi tháng cho các khoản thuế bổ sung và phải chịu thêm 1,4 tỷ USD chi phí gia tăng khác trong năm 2018.
Việc chính phủ tăng thuế nhập khẩu đã dẫn đến tăng giá máy giặt trung bình 12% tại Mỹ so với thời điểm tháng 1/2018 khi các lệnh thuế mới chưa có hiệu lực. Theo một nghiên cứu do Viện Kinh tế quốc tế Peterson tiến hành, quyết định tăng thuế nhôm và thép nhập khẩu đã làm tăng giá thép thành phẩm lên gần 9% trong năm ngoái, làm tăng chi phí lên những người sử dụng thép tới 5,6 tỉ USD.
Các nhà xuất khẩu Mỹ lo sợ nếu Trung Quốc trả đũa
Rất nhiều doanh nghiệp Mỹ đã bày tỏ lo ngại rằng tương lai xuất khẩu hàng hóa của họ sang thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới sẽ "tiêu tùng" vì đòn trả đũa của Trung Quốc. Ông Jaime Castaneda - Phó Chủ tịch Hội đồng các sản phẩm làm từ sữa của Mỹ, cho biết ngành công nghiệp này đã bị Trung Quốc "giáng đòn" thuế quan 25% từ năm ngoái khiến tổng sản lượng xuất khẩu của ngành sang Trung Quốc giảm đi 48% trong năm 2018.
“Bất cứ động thái gia tăng mức hạn chế nhập khẩu sẽ là chiếc đinh cuối cùng đóng lên quan tài dành cho các mặt hàng xuất khẩu. Nếu Tổng thống Trump lại tiếp tục tăng thuế, thì chúng tôi không thể lường trước Trung Quốc sẽ hành động ra sao. Chúng tôi hy vọng là họ sẽ không trả đũa. Nếu như họ trả đũa, thì chúng tôi rất mong là họ sẽ không đánh vào toàn bộ các sản phẩm làm từ sữa", ông Castaneda chia sẻ.
Một loạt công ty Mỹ đã thừa nhận rằng họ cảm thấy sợ hãi trước nguy cơ Trung Quốc trả đũa, và cho biết căng thẳng leo thang sẽ khiến tình hình vốn đã khó khăn càng thêm phức tạp. Bắc Kinh còn có thể gây khó dễ hơn nữa cho các công ty của Mỹ bằng cách yêu cầu người tiêu dùng hoặc các đơn vị nhập khẩu hàng hóa Mỹ ngừng mua hoặc cắt giảm lượng mua đối với một số loại hàng hóa. Trung Quốc đã ra đòn phản công bằng cách vừa trả đũa thuế vừa bỏ mua hàng của Mỹ, chẳng hạn như mặt hàng đậu nành. Điều này đã làm cho tình hình vốn khó khăn của các khu vực nông nghiệp của Mỹ càng thêm tồi tệ. “Người lao động ở các địa hạt của Đảng Cộng hòa chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của chiến tranh thương mại, một phần bởi vì các biện pháp trả đũa chủ yếu nhắm vào lĩnh vực nông nghiệp”, nghiên cứu của Đại học UCLA cho biết.
Bà Patricia Kontur - Giám đốc chương trình của Hiệp hội Việt quất Tự nhiên, một hiệp hội thương mại dành cho những người trồng và sản xuất việt quất của bang Maine, cho biết đòn trả đũa đầu tiên của Trung Quốc hồi năm ngoái đã tăng mức thuế nhập khẩu việt quất từ 40% lên 65%. Đòn đáp trả của Trung Quốc đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc xuất khẩu mặt hàng việt quất sang Trung Quốc và bà Kontur cho biết nếu có thêm bất kì gánh nặng nào thì việc giao thương đối với mặt hàng này sẽ "tiêu tùng".
Tổng lượng rượu vang Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc đã giảm gần như ngay khi Trung Quốc tuyên bố đáp trả Mỹ bằng thuế quan. Sau 2 đòn giáng hồi tháng 4 và tháng 9/2018, mặt hàng này đã phải gánh thêm 25% thuế nhập khẩu. Tổng lượng rượu vang Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc đã giảm đi 25% kể từ đó, và 90% trong số đó là từ bang California.
Sự leo thang trong cuộc chiến thương mại đang tạo ra bất ổn cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Xung đột này đã phủ bóng lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đe dọa gây ra sự suy giảm tăng trưởng trên diện rộng. Tình hình đàm phán thương mại Mỹ-Trung bất ngờ chuyển xấu đã khiến chỉ số MSCI AC World Index mất 2,1 nghìn tỷ USD vốn hóa trong tuần này. Với 4 phiên giảm liên tiếp, chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ đang tiến tới hoàn tất tuần giảm tồi tệ nhất kể từ trước Giáng sinh năm ngoái.