Mỹ coi Huawei là mối đe dọa quốc gia
Tại tòa án ngày 29/1, Thẩm phán William Ehrcke đã đồng ý về yêu cầu thay đổi người chịu trách nhiệm tài chính cho việc bảo lãnh giám đốc tài chính Huawei được chính bà Mạnh Vãn Châu đưa ra.
Bà Mạnh Vãn Châu bị Canada bắt giữ ngày 1/12/2018 theo yêu cầu của Mỹ. Tới ngày 12/12/2018, một tòa án ở Vancouver (Canada) để bà Mạnh tại ngoại với một số yêu cầu đi kèm.
Trong một tuyên bố mới đây, Bộ trưởng Tư pháp Canada David Lametti xác nhận Mỹ đã đưa ra yêu cầu chính thức về việc dẫn độ bà Mạnh. Theo dự kiến trước đó, bà Mạnh sẽ ra tòa vào ngày 6/2 tới. Tuy nhiên, Thẩm phán Ehrcke đã quyết định hoãn phiên tòa này tới ngày 6/3 sau khi Canada trả lời yêu cầu dẫn độ của Mỹ.
Bộ Tư pháp Mỹ đã công bố 2 bản cáo trạng với 23 tội danh cáo buộc bà Mạnh cùng tập đoàn Huawei và 2 công ty con là Skycom Tech và Huawei Device USA vi phạm lệnh trừng phạt Mỹ áp đặt với Iran khi thực hiện các hành vi lừa dối ngân hàng và nhà chức trách Mỹ, lén lút giao dịch với Tehran.
Bộ Tư pháp Mỹ còn gọi Huawei và bà Mạnh là mối đe dọa quốc gia, tuyên bố đã truy tố công ty Huawei, giám đốc điều hành, hai công ty liên kết với 10 tội danh lừa đảo ngân hàng và cáo buộc Huawei phạm tội đánh cắp sở hữu trí tuệ.
"Quân cờ trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Theo đó, Huawei đã vi phạm các thỏa thuận bảo mật và không tiết lộ với T-Mobile vào năm 2012 khi nhân viên Huawei chụp ảnh, thu thập các số liệu và thậm chí lấy đi một mảnh robot thử nghiệm của T-Mobile với tên gọi "Tappy". Thông tin mật sau đó được gửi về Huawei thông qua địa chỉ email được mã hóa. Khi T-Mobile phát hiện rằng bí mật thương mại của công ty đã bị xâm phạm, Huawei lên tiếng khẳng định nhân viên trong vụ trộm là "kẻ giả mạo".
Huawei được cho là quân cờ quan trọng trong chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Chính quyền Mỹ cũng bày tỏ lo ngại với việc công ty Huawei đang hợp tác với chính phủ Trung Quốc để làm tổn hại doanh nghiệp Mỹ. Huawei đã phủ nhận các cáo buộc nói trên.
Huawei cho biết, các cáo buộc trong bản cáo trạng của Washington nằm trong một vụ kiện dân sự và đã được các bên giải quyết, sau khi bồi thẩm đoàn thành phố Seattle (Mỹ) không thấy bên nguyên có thiệt hại nào, cũng như hành vi cố ý và tác hại đối với cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại. Huawei phủ nhận việc cả tập đoàn lẫn công ty con hoặc chi nhánh từng có hành vi nào vi phạm luật pháp Mỹ được nêu trong các các trạng. Tập đoàn cũng không thấy bà Mạnh có hành vi nào sai trái và tin rằng cuối cùng tòa án Mỹ sẽ đưa ra kết luận tương tự.
Không chỉ có Huawei, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) tăng số lượng các cuộc điều tra về gián điệp kinh tế gấp đôi trong 3-4 năm qua và phần lớn đều liên quan đến doanh nghiệp Trung Quốc.
Xuất phát từ việc xem xét nguy cơ mất an toàn công nghệ, Liên minh châu Âu (EU) cũng đang tìm cách tăng cường thẩm tra và đảm bảo về an ninh đối với các công ty công nghệ Trung Quốc. Các hãng viễn thông lớn nhất của Anh và Pháp đều đã tuyên bố không sử dụng công nghệ 5G của Huawei; các nước Đức, Ba Lan, Na Uy sắp tới cũng có thể không cho phép Huawei tham gia xây dựng mạng 5G ở nước họ.