Mỹ: Khủng hoảng biên giới do trẻ em nhập cư

31/05/2016 - 07:00
Tình trạng bạo lực, nghèo đói của những quốc gia Trung Mỹ vô tình đã đẩy Mỹ vào một tình thế khó khăn khi phải hứng chịu làn sóng trẻ em và phụ nữ có con nhỏ đua nhau nhập cư trái phép dọc theo biên giới phía Nam của nước này.

Lối thoát duy nhất?

Một bức tường được làm bằng kim loại đã rỉ sét nằm vắt ngang sườn đồi chia tách Nogales (Mexico) với thành phố láng giềng cùng tên nhưng thuộc nước Mỹ. Nogales là nơi tập kết của những người có ý định nhập cư vào Mỹ. Mặc dù bức tường sắt cao vời vợi nhằm ngăn chặn bước chân của những người vượt biên trái phép nhưng tại địa điểm này vẫn có hàng chục người lọt vào Mỹ mỗi năm. Trong những tháng gần đây, một lượng lớn những người vượt qua bức tường biên giới này là trẻ em, trẻ vị thành niên và những bà mẹ có con nhỏ. Đại đa số những người vượt biên trái phép đến từ 3 quốc gia Trung Mỹ đầy bạo lực và nghèo đói: Guatemala, El Salvador và Honduras.

Lydia là một phụ nữ 35 tuổi có giọng nói nhỏ nhẹ, tính tình nhút nhát đến từ San Pedro Sula, Honduras. Cô và con trai 7 tuổi của mình, Lester, vừa trải qua một hành trình dài mệt mỏi, đầy nguy hiểm đang dừng chân tại Nogales, trước khi đến miền đất hứa Mỹ. 2 mẹ con Lydia đã nhảy tàu chở hàng, sau đó đi xe buýt và cuối cùng là đi bộ.

“Đi tàu thật khổ sở vì phải đứng suốt trong không khí lạnh, luôn cố gắng tỉnh táo mà không dám chợp mắt. Có thời điểm chúng tôi không có thực phẩm để ăn. Chúng tôi chỉ ăn xoài trên đường”, Lydia nói.

Lester, một cậu bé với đôi mắt to màu nâu, luôn giữ chặt lấy tay của mẹ. Lydia lý giải tại sao cô ấy phải đến Mỹ: “Bởi vì ở nước tôi không có công ăn việc làm, rất nhiều tội phạm. Các băng nhóm không để chúng tôi sống hòa bình, chúng thậm chí cướp mất ngôi nhà của chúng tôi. Điều tồi tệ nhất sống ở Honduras là khi thức dậy, những đứa trẻ khóc vì đói mà không  tìm được gì cho chúng ăn. Đó là những gì khiến bạn muốn đến Mỹ”.

Câu chuyện của Lester không còn là một điều gì đó xa lạ nữa mà đã quá quen thuộc vì hàng ngàn người vượt biên vào Mỹ bất hợp pháp mỗi năm với hy vọng tìm được một cuộc sống tốt hơn.

 

 

Bất chấp nguy hiểm

Ở các thị trấn biên giới Mexico và những khu nhà ổ chuột ở Trung Mỹ, người di cư truyền tai nhau về một điều khoản trong luật pháp Mỹ mà họ tin rằng sẽ cho phép họ ở lại vô thời hạn: Cơ quan Tuần tra biên giới và Di trú - Thị thực hải quan của Mỹ không thể trục xuất ngay lập tức những người nhập cư đến từ các quốc gia không có chung đường biên giới với Mỹ. Vì vậy, trẻ vị thành niên và phụ nữ có con từ các nước Trung Mỹ thường được phép ở lại Mỹ trong khi chờ phán quyết của tòa án di trú cho những trường hợp của họ. Và quá trình này có thể mất vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm.

Những đứa trẻ ở các quốc gia El Salvador, Honduras và Guatemala đa phần chạy trốn bạo lực ma túy và băng đảng. Chúng đi xe buýt đến biên giới Mỹ - Mexixo, sau đó nhập cư vào Mỹ cùng với gia đình hoặc một nhóm trẻ khác, thậm chí là một mình. Nhiều bà mẹ liều mạng “gửi” con mình cho những kẻ chuyên đưa người vượt biên trái phép vào Mỹ hay còn gọi là “sói” để được lọt vào Mỹ. Chi phí của những chuyến đi đầy rủi ro đó chẳng rẻ chút nào. Một phụ nữ tiết lộ, đã phải trả 15.000 USD cho bọn “sói” để chúng dẫn hai đứa con mình vượt biên vào Mỹ còn mình thì tự tìm đường sang Mỹ ngay sau đó.

Làn sóng nhập cư ồ ạt vào Mỹ khiến những nơi trú ẩn tạm thời dọc biên giới bị quá tải. Mặc dù giới truyền thông bị “cấm cửa” nhưng nhiều hình ảnh về một nhà trú ẩn thuộc biên giới Nogales, bang Arizona bị rò rỉ, cho thấy, điều kiện sống tại đó hết sức kham khổ khi không đủ thức ăn, không đủ giường chiếu, thậm chí thiếu cả nhà vệ sinh. Nó giống như trại tị nạn của những khu vực đang bị chiến tranh tàn phá hơn chứ không phải là “nhà”. Không phải ngẫu nhiên mà những tệ nạn như lạm dụng tình dục, đe dọa bạo lực xảy ra như cơm bữa tại những nơi trú ẩn chật chội, thiếu an toàn như vậy.

Hồi giữa tháng 6 vừa qua, những nhóm nhân quyền cáo buộc rằng, những trẻ em nhập cư đang bị giam giữ trong độ tuổi từ 5 đến 17 phải đối mặt với tình trạng lạm dụng thể chất và tình dục, tình trạng quá tải, thiếu nước uống và thực phẩm. Một báo cáo dày 25 trang thu thập thông tin của 116 đứa trẻ cho biết, có một thiếu niên bị một sĩ quan Hải quan hãm hiếp. Một nửa trong số đó bị thiếu sự chăm sóc y tế, trong đó có 2 bà mẹ trẻ có trẻ sơ sinh bị bệnh nặng bị nhốt trong những phòng giam lạnh cóng, một số thậm chí phải uống nước trong nhà vệ sinh.

Những báo cáo về tình trạng lạm dụng như vậy đã được ghi nhận từ ít nhất một thập kỷ qua nhưng chính quyền dường như không thực hiện bất kỳ biện pháp cải cách nào. Theo tờ Guardian của Anh, một báo cáo gần đây của các nhà hoạt động nhân quyền thực hiện từ tháng 1/2009 đến tháng 1/2012 cho thấy: 97% trong số 809 trường hợp khiếu nại lạm dụng có đến 60% trong số đó liên quan đến lạm dụng trẻ em nhập cư.

 

 

Giải pháp nào?

Chính quyền Obama đã công bố kế hoạch chi hàng triệu USD để ngăn chặn làn sống trẻ em không có giấy tờ nhập cư qua biên giới Mỹ - Mexico. Nhà Trắng cho biết, Mỹ đã hỗ trợ 40 triệu USD cho Guatemala, 25 triệu cho El Salvador và 18,5 triệu USD cho Honduras. Các gói viện trợ này nhằm giúp người nhập cư trái phép vào Mỹ bị trục xuất tái hòa nhập và sinh sống ổn định tại quốc gia của mình, đồng thời hỗ trợ chính quyền các quốc gia nói trên ngăn chặn tình trạng bạo lực, bất ổn tại đất nước mình.

Mặc dù chính quyền Mỹ đã có những bước tiến hành để nhanh chóng trục xuất những người trưởng thành vượt biên trái phép. Song, các quan chức cho biết, họ không thể áp dụng những thủ tục tương tự cho phần lớn những trẻ em nhập mà không có cha mẹ đi cùng. Trước mắt, chính quyền Obama đã yêu cầu một khoản bổ sung 1,4 tỷ USD để đáp ứng chi phí gia tăng nhu cầu về nhà ở, vận tải, thực phẩm và giáo dục cho những trẻ em đang bị giam giữ tại Mỹ.

 

Năm  2013, Lực lượng Tuần tra biên giới Mỹ đã bắt giữ 38.833 trẻ vị thành niên định vào nước này, tăng 59% so với năm trước đó và 142% so với năm 2011. Theo các số liệu của Chính phủ, tính đến thời điểm hiện tại của năm 2014, đã có 47.000 trường hợp bị bắt giữ và con số này được cho là sẽ tăng lên hơn 60.000.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm