pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mỹ: Ngày càng nhiều phụ nữ trẻ chọn lao động chân tay
Thợ máy Emiley Filuta
Vì bằng đại học mất giá?
Với mức học phí cao tại các trường cao đẳng, nhiều người trẻ ở Mỹ đang đặt câu hỏi về giá trị của tấm bằng cử nhân và họ có xu hướng chọn lao động chân tay. Số lượng tuyển sinh vào các trường nghề tại Mỹ trong năm 2023 đã tăng 16% so với năm ngoái. Đây là mức tăng kỷ lục kể từ khi Trung tâm thanh toán sinh viên quốc gia bắt đầu ghi lại dữ liệu này.
Theo Bộ Lao động Mỹ, 11,6% số người hoàn thành chương trình học nghề tại nước này là nữ. "Đã đến lúc mọi người nhận ra rằng bạn có thể kiếm được nhiều tiền hơn, có con đường sự nghiệp tốt hơn bằng công việc tay chân", cô Victoria Carl, một người sở hữu trung tâm sửa chữa ô tô, cho biết.
Năm 21 tuổi, với 50% vốn đầu tư từ cha mẹ, Carl đã tiếp quản một cửa hàng và đặt tên là Trung tâm sửa chữa ô tô và xe tải tiên tiến ở Albany. Hiện ở tuổi 25, cô có 4 nhân viên toàn thời gian cũng như tự mình bắt tay vào làm việc. Cô hy vọng doanh số của trung tâm sẽ đạt hơn 1 triệu USD trong năm nay.
Khi theo học tại trường Trung học Voorheesville, Carl đã tham gia chương trình BOCES (Hội đồng dịch vụ giáo dục hợp tác) kéo dài 2 năm. Chương trình này cho phép cô tham gia các lớp học xe tải hạng nặng trong những năm học trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Carl cho biết, phụ nữ đang có những bước tiến lớn trong nghề. Cô tiếp tục lấy bằng liên kết về công nghệ diesel nông nghiệp tại Đại học Northwestern Ohio. Carl cũng tham gia ban cố vấn của trường đại học về ô tô ở địa phương và đã chứng kiến sự thay đổi trong cách mọi người nhìn nhận sự tham gia của phụ nữ trong ngành này.
Ngoài Victoria Carl, cô Bri Loomis (ở Chautauqua, bang New York) lái xe tải cho Sở Giao thông Vận tải của bang New York. Mới 19 tuổi, Loomis đã ngồi sau tay lái xe tải hạng nặng.
"Tôi thực sự không biết điều gì đã thúc đẩy tôi. Bố tôi luôn nói rằng tôi có thể làm bất cứ điều gì tôi muốn. Và bây giờ, khi tôi thấy những người phụ nữ khác làm việc trên đường, chúng tôi luôn vẫy tay chào nhau", Loomis nói.
Ngày qua ngày, cô Loomis làm việc trong các đội thoát nước hoặc đào mương, lái xe tải. Cô cũng tham gia rải muối và cào tuyết - một công việc quan trọng trong mùa đông khắc nghiệt ở Tây New York. Loomis đã tham gia chương trình BOCES vào năm lớp 11 và lớp 12, dành một nửa thời gian trong ngày để học cách vận hành thiết bị hạng nặng.
Loomis cho biết, công việc vận tải mang lại cho cô sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Mùa hè năm ngoái, cô đã dành 8 tuần để vận hành xe ben, xe chở đá và xe ủi đất tại công trường xây dựng.
Khuyến khích phụ nữ làm công việc phi truyền thống
Còn Emiley Filuta đã nối gót ông và cha mình làm thợ máy chuyên sửa xe tải và ô tô. Khi là học sinh năm thứ hai trung học, cô đã đăng ký vào chương trình Công nghệ ô tô kéo dài 2 năm tại Questar III BOCES. Filuta đã hoàn thành chương trình học nghề dành cho thanh thiếu niên khi còn học trung học và có được một công việc tại Rensselaer Honda.
"Tôi làm nhiều việc khác nhau, từ những việc nhỏ như thay dầu, thay lốp đến sửa chữa động cơ nhỏ. Đó là công việc yêu thích của tôi", Filuta nói.
Mùa thu năm nay, Filuta dự định theo học chương trình ô tô kéo dài 2 năm tại trường Cao đẳng Cộng đồng Hudson Valley. Cô không hối hận khi từ bỏ con đường học đại học.
"Cá nhân tôi nghĩ rằng, đối với một số người, chọn trường dạy nghề là một quyết định khôn ngoan. Bất kể điều gì xảy ra khi thời thế thay đổi, bạn sẽ luôn cần đến nghề", Filuta nhận định.
Trong khi đó, Shauna Irving là một thợ điện tại quận Queens (New York). Ở tuổi 33, Irving là chủ tịch trẻ tuổi nhất của Câu lạc bộ phụ nữ thuộc Công đoàn địa phương số 3. Hiện cô đang tuyển dụng thêm nhiều lao động nữ trẻ vào lĩnh vực này.
Irving lớn lên ở Brooklyn, nơi cha cô làm thợ gia công kim loại. Cô nghĩ mình có thể trở thành giáo viên hoặc bác sĩ nhưng cha cô gợi ý cô trở thành thợ điện - nghề mà ông mô tả là "giống như những nữ hoàng trên công trường".
Vì vậy, năm 2011, sau khi tốt nghiệp trung học, Irving đã đăng ký vào chương trình NEW (chương trình việc làm phi truyền thống dành cho phụ nữ) tại Manhattan, nơi cô đã trải qua khóa đào tạo nghề của công đoàn.
Hiện cô kiếm được 62 USD/giờ cộng với các chế độ phúc lợi. "Tôi nhận thấy ngày càng có nhiều phụ nữ làm nghề điện. Họ bắt đầu thấy được lợi ích của việc tham gia xây dựng thành phố", cô Irving chia sẻ.