Mỹ: Những đứa con trưởng thành vẫn cần hỗ trợ tài chính từ cha mẹ

Kim Ngọc
27/02/2024 - 09:21
Mỹ: Những đứa con trưởng thành vẫn cần hỗ trợ tài chính từ cha mẹ

Ảnh minh họa

Theo báo cáo mới nhất tập trung vào người trưởng thành dưới 35 tuổi của Trung tâm Nghiên cứu Pew, trong năm 2023, khoảng 59% các bậc cha mẹ ở Mỹ vẫn hỗ trợ tài chính cho con cái trưởng thành. Báo cáo này cũng cho thấy, nhiều người trẻ đang sống với cha mẹ hơn trước đây.

Các nhà kinh tế và nhà nghiên cứu xã hội cho biết, nhiều cha mẹ vẫn tiếp tục hỗ trợ con cái ở giai đoạn sau tuổi trưởng thành vì người trẻ giờ đây mất nhiều thời gian và tiền bạc hơn để đạt được những cột mốc quan trọng trong cuộc đời. Khoảng cách giàu nghèo giữa người lớn tuổi và thế hệ trẻ cũng khiến một số bậc cha mẹ có thêm phương tiện và lý do để giúp đỡ con cái. 

Trưởng thành không còn có nghĩa là một người phải tự chủ về kinh tế và không dựa vào hỗ trợ tài chính từ cha mẹ nữa. Sarah Behr, nhà sáng lập công ty Đơn giản hóa Kế hoạch Tài chính ở San Francisco (Mỹ), cho biết: "Vì nhiều lý do, quá trình chuyển đổi đó ngày càng diễn ra muộn hơn. Bây giờ là 25-30, thậm chí là 35-40 tuổi".

Như trường hợp của Kami Loukipoudis, Giám đốc thiết kế 39 tuổi và chồng là Adam Stojanik, một giáo viên trung học cùng tuổi. Stojanik cho biết, nếu không có sự giúp đỡ từ gia đình, hai vợ chồng sẽ phải chật vật để trang trải chi phí trả trước cho việc mua nhà. 

"Chúng tôi có thể trả khoản thế chấp hàng tháng nhưng khoản tiền trả trước đó thực sự quá sức với chúng tôi. Với ý tưởng cố gắng tự tiết kiệm và vẫn trả tiền thuê nhà ở New York, không chừng phải mất đến 300 năm chúng tôi mới có được số tiền đó", anh cho biết.

Mỹ: Những đứa con trưởng thành vẫn cần hỗ trợ tài chính từ cha mẹ- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Bố mẹ là "phao cứu sinh"…

Người trẻ trưởng thành hiện nay có thể không nhận những khoản tiền lớn hơn từ cha mẹ nhưng họ phụ thuộc vào hỗ trợ tài chính của cha mẹ trong thời gian lâu hơn so với các thế hệ trước. Marla Ripoll, giáo sư kinh tế tại Đại học Pittsburgh, đã nghiên cứu xu hướng này trong khoảng 20 năm và phát hiện, trong khi 14% con cái trưởng thành nhận tiền từ cha mẹ hàng năm, thì khoảng một nửa cần hỗ trợ về tài chính ở một thời điểm nào đó trong 20 năm. 

Sự trợ giúp kéo dài này có thể là lực cản đối với khả năng dịch chuyển xã hội vì những người đến từ các gia đình có thu nhập thấp khó bắt kịp bạn bè đồng trang lứa hơn, các nhà nghiên cứu cho biết.

Theo khảo sát của Pew, trong số những thanh thiếu niên nhận được hỗ trợ tài chính từ cha mẹ trong năm qua, hầu hết đều cho biết họ dành số tiền đó để chi tiêu hàng ngày trong gia đình, thanh toán hóa đơn điện thoại và đăng ký các dịch vụ phát trực tuyến như Netflix.

Mỹ: Những đứa con trưởng thành vẫn cần hỗ trợ tài chính từ cha mẹ- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Heather McAfee, nhà trị liệu vật lý 33 tuổi ở Austin (Texas, Mỹ), cho biết, cô sống chung nhà với cha mẹ từ năm 2019 đến năm 2021. Nếu không làm vậy, MaAfee sẽ không thể trả được khoản vay sinh viên trong khi giá thuê nhà ở khu vực vẫn rất cao. Và kế hoạch đã thành công khi số nợ của cô giảm từ 83.000 USD xuống còn 15.000 USD. 

"Điều đó giúp ích cho tôi rất nhiều. Tôi không phải vay thêm tiền để trả chi phí sống ở căn hộ hay thứ gì tương tự. Sự căng thẳng đó đã biến mất", cô nói.

Việc cha mẹ hỗ trợ khoản tiền trả trước, đặc biệt đối với những người mua nhà lần đầu, đã trở nên phổ biến hơn do giá nhà tăng và lãi suất thế chấp cao hơn. Đặc biệt, các gia đình giàu có không chỉ hỗ trợ con cái khoản tiền trả trước mà còn trở thành người cho vay. Điều này có nghĩa là cha mẹ cho con cái vay tiền để mua nhà và con cái sẽ trả khoản vay này theo thời gian.

Mei Chao, một bà nội trợ 41 tuổi và chồng, William Chao, chuyên gia công nghệ thông tin 44 tuổi, mua căn nhà đầu tiên vào năm 2017. Nhờ được hai chị gái và mẹ của William giúp đỡ, cặp đôi mới có thể rút ngắn thời gian mua nhà. Trong khi chờ bán một căn hộ ở Manhattan, họ đã dùng tiền của gia đình để mua căn nhà mới ở Queens. 

Sau khi bán căn hộ ở Manhattan, Mei và chồng có thể trả hết nợ các chị gái nhưng không còn đủ tiền để trả cho mẹ. Vì vậy, cặp đôi vẫn giữ tên bà trên giấy tờ mua nhà, một điều mà cả hai bên đều rất vui vẻ. "Cuối cùng thì mọi chuyện cũng đã ổn thỏa. Tôi rất vui vì mẹ chồng đã hỗ trợ chúng tôi. Nếu không có sự giúp đỡ của bà, chúng tôi sẽ không mua được căn nhà này", Mei nói.

… hay đặt gánh nặng lên vai cha mẹ?

Hơn một nửa các bậc cha mẹ được khảo sát cho biết, việc con cái trưởng thành sống chung nhà giúp họ xích lại gần nhau hơn hoặc góp phần cải thiện mối quan hệ gia đình. Tuy nhiên, gần 20% số cha mẹ được hỏi cho biết, điều đó làm ảnh hưởng đến tài chính cá nhân. 

Trong khi nhiều người thuộc thế hệ trước có được sự độc lập tài chính vào đầu những năm 20 tuổi thì người trẻ ngày nay thường gặp khó khăn để đạt được các cột mốc tương tự, chẳng hạn như sống một mình hoặc mua căn nhà đầu tiên, nếu không có nguồn lực tài chính lớn hơn.

Kori Shafer, một người làm về bảo hiểm và sống cùng hai con tuổi 20 ở Craig (Colorado), cho biết, cô và chồng muốn hỗ trợ các con trong quá trình bước sang tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, chính cô cũng tự hỏi, hoàn cảnh sống chung nhà với nhau này sẽ kéo dài bao lâu. Con trai cô lấy lý do ở chung nhà với mẹ để tiết kiệm tiền mua nhà nhưng lại tiêu 900 USD một tháng cho chiếc xe thể thao và bảo hiểm. 

"Chuyện đã đến mức khiến tôi muốn dọn ra ngoài sống. Chúng tôi vẫn muốn giúp đỡ con nhưng cũng cần phải đẩy chúng đi để chúng trưởng thành", người mẹ 49 tuổi chia sẻ.

Theo nhà tâm lý học lâm sàng kiêm tác giả sách Mark McConville, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi dòng thời gian điển hình của quá trình trưởng thành. Sự thay đổi này dẫn đến mức độ phụ thuộc kéo dài của người trẻ và trong thời điểm chi phí sinh hoạt tăng cao, nó đang đặt gánh nặng tài chính lên các bậc cha mẹ.

Angela Trice-Bari, một giáo viên 52 tuổi ở Oak Park (Michigan), nói: "Tôi nghĩ, vào thời điểm này, các con tôi sẽ có công việc tốt nhưng tôi liên tục sử dụng tiền tiết kiệm của mình để giúp đỡ chúng". Ban đầu Trice-Bari đã nghĩ rằng, khi để các con, những người hiện hơn 20 tuổi, sống chung nhà trong thời gian học đại học và sau đại học, các con sẽ có đủ tiền để mua nhà ở tuổi 28 giống như bà. 

Tuy nhiên với tình hình thực tế, người mẹ này nhận ra rằng, mục tiêu đó hầu như là ngoài tầm với. Để hỗ trợ việc học hành, thực phẩm, đi lại của các con, Trice-Bari đã cạn tiền tiết kiệm và sử dụng quỹ tiền hưu, đặc biệt là khi con trai bà đang thất nghiệp. 

Giống như nhiều bậc cha mẹ khác, Trice-Bari mong đợi, một ngày nào đó con cái sẽ giúp lại mình. Con út của bà dự định sẽ đóng góp tài chính cho gia đình sau khi tốt nghiệp trường luật vào năm tới.

Cố vấn tài chính Mitchell Kraus đến từ Capital Intelligence Associates ở Santa Monica (California, Mỹ) cho biết: "Đôi khi giúp đỡ con cái chính là đầu tư cho tương lai của bạn để chúng có thể hỗ trợ bạn sau này". Với một số người, điều đó được coi như một loại kế hoạch nghỉ hưu mặc dù không có sự đảm bảo nào.

Người trẻ từ 18 đến 24 tuổi tại Mỹ có khả năng cao phải sống dựa vào hỗ trợ tài chính của người thân nhất, với hơn một nửa phụ thuộc cha mẹ để trang trải các chi phí cơ bản trong gia đình. Tuy nhiên, một tỷ lệ đáng kể người từ 30 đến 34 tuổi cũng cần được hỗ trợ, với gần 1/5 số người được hỏi cho biết, cha mẹ là người trả tiền cho các hóa đơn của gia đình. Ngoài ra, khoảng 57% người Mỹ trong độ tuổi từ 18 đến 24 đang sống với cha mẹ, so với 53% vào năm 1993.
Nguồn: Wall Street Journal, Bloomberg, CBS
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm