Mỹ phẩm thuộc mặt hàng bị "nhái" nhiều nhất

16/02/2016 - 10:35
Mỹ phẩm, hàng dệt may, giày dép, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, rượu bia, nước giải khát, bột giặt, vật tư nông nghiệp, dây cáp điện, vật liệu xây dựng… là những mặt hàng bị làm giả, làm nhái nhiều nhất tại Việt Nam.

Đại tá Hoàng Văn Trực, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) cho biết tất cả các mặt hàng tại Việt Nam đều bị làm giả. “Từ mặt hàng đơn giản là tăm tre cho đến những mặt hàng đòi hỏi công nghệ cao như phụ tùng ô tô, mỹ phẩm…”, ông Trực nói.

Cấp độ làm hàng giả, hàng nhái hầu như phủ khắp tất cả các loại sản phẩm từ bình dân đến cao cấp…từ các thương hiệu lớn.

Trước đây, một sản phẩm bị làm giả thường phải mất 6 -7 tháng, thì hiện nay thời gian làm giả chỉ mất khoảng 1 tháng, thậm chí chỉ 1, 2 tuần.

Ngoài ra, kỹ thuật, thủ thuật làm giả cũng ngày càng tinh vi, làm giả không chỉ ở trong nước mà còn đặt hàng ở nước ngoài rồi chuyển về Việt Nam tiêu thụ…”

Sự tinh vi và nhanh đến chóng mặt của hàng giả, hàng nhái đặt người tiêu dùng và các cơ quan quản lý vào tình thế khó khăn. Người tiêu dùng khó phân biệt được hàng giả, hàng thật khi mua bán, còn cơ quan quản lý Nhà nước phải vất vả hơn nhiều trong việc quản lý và bắt giữ, xử lý vấn nạn này.

Mộ cơ sở sản xuất mỹ phẩm giả bị cơ quan chức năng phát hiện


Nêu vấn đề khó khăn trong việc giám định các mặt hàng vì nhiều doanh nghiệp không hợp tác và không cung cấp mẫu hàng cũng như một số mặt hàng của nước ngoài, ông Trực cũng thông tin thêm, để giám định được rượu ngoại là không hề đơn giản và hiện rượu ngoại nhái, giả đang tràn lan tại Việt Nam,Tội phạm về hàng giả thì nhiều nhưng không có cơ quan nào chuyên trách. Do vậy, đã có nhiều vụ việc gây ra tranh cãi do sự bất nhất ý kiến của các cơ quan liên quan (như quản lý thị trường, hải quan, bộ đội biên phòng, thanh tra chuyên ngành). Các quy phạm pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ còn chồng chéo, trùng lặp.

Một mặt hàng nổi lên về những vi phạm hàng giả, hàng nhái là xe đạp điện.

Các cơ sở kinh doanh hàng giả thường nhập khẩu và nhập lậu mặt hàng xe đạp điện, xe máy điện giả, nhái các nhãn hiệu nổi tiếng như HONDA, YAMAHA, BRIDGESTONE.Kết quả bước đầu cho thấy, vi phạm chủ yếu là xe đạp điện nhập lậu và giả mạo nhãn hiệu.

Đấu tranh ngăn chặn và xử lý tình trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam là vô cùng khó khăn.

 Hàng giả đang lưu thông tràn lan từ các Thành phố trung tâm về chợ lẻ, đến các vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, hàng giả bày bán hầu như công khai tại các chợ, không chỉ ở các chợ vùng quê nhỏ lẻ mà  còn ngang nhiên bày bán công khai tại các siêu thị, trung tâm thương mại…

Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp chỉ tập trung vào sản xuất, tiêu thụ chứ chưa chú trọng hỗ trợ các lực lượng chức năng cũng như người tiêu dùng trong việc phân biệt hàng thật, hàng giả, và quan trọng hơn, chế tài xử lý vi phạm về hàng giả, hàng nhái còn nhẹ, nên tình trạng vi phạm sản xuất, vận chuyển hàng giả ngày càng gia tăng và chưa được kiểm soát.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm