Mỹ và Triều Tiên cần xây dựng thêm lòng tin sau Thượng đỉnh lần 2

01/03/2019 - 10:16
Vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên đã kéo dài nhiều thập kỷ nay; vì vậy, khó có thể được giải quyết trong chỉ một đến hai cuộc gặp thượng đỉnh. Trong bối cảnh hiện nay, cả Washington và Bình Nhưỡng cần tăng cường xây dựng lòng tin để có thể đạt được những kết quả tích cực.
Lý giải những mâu thuẫn nội tại
 
trump-kim-2.JPG
Cuộc đàm phán trong thượng đình Mỹ-Triều lần 2 ngày 28/2

  

Đó là nhận định của TS. Phạm Cao Cường - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam- khi đánh giá về kết quả hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều tại Hà Nội ngày 27 và 28/2. Theo ông Cường, hai bên không đạt đồng thuận trong các vấn đề lớn như giải giáp vũ khí hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên cũng như việc Mỹ dỡ bỏ cấm vận đối với Triều Tiên đến từ nhiều lý do: Nội bộ Mỹ thực sự chưa đạt đồng thuận lớn đối với vấn đề Triều Tiên. Trong khi đó, Triều Tiên cũng chưa nhất trí với các đòi hòi của phía Mỹ.
 
ts-pham-cao-cuong.jpg
TS. Phạm Cao Cường - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

  

Phó Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc tế thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Vladimir Dzhabarov thì cho rằng, Bình Nhưỡng sẽ không đồng ý tiêu hủy toàn bộ kho vũ khí hạt nhân theo yêu cầu của Mỹ vì đây là nhân tố đảm bảo an ninh và chủ quyền của Triều Tiên. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Thượng viện Nga Mikhail Kozlov nhận định, Mỹ đã không nhượng bộ Triều Tiên về vấn đề phi hạt nhân và đây là lý do khiến 2 bên không đi đến được tuyên bố chung.
 
Theo TS. Yuan Sha - Chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, đây là một kết quả rất đáng tiếc bởi lãnh đạo hai nước đã có cơ hội rất quý giá cho một thỏa thuận lịch sử ở Hà Nội. TS. Yuan nhận định, kết quả của hội nghị thượng đỉnh lần hai cho thấy Mỹ và Triều Tiên vẫn còn tồn tại những khác biệt sâu sắc và sự thiếu tin tưởng lẫn nhau, đặc biệt là trong nhận thức về "phi hạt nhân hóa".
 
Còn theo ông Hứa Lợi Bình - Chuyên gia về các vấn đề quốc tế Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, mặc dù đàm phán khó khăn, song những căng thẳng kéo dài hàng thập kỷ sẽ không thể giải quyết trong một cuộc gặp và viễn cảnh là khá xán lạn. Điều này là có cơ sở khi không chỉ những nước liên quan, cả các bên cũng đang nỗ lực cho mục tiêu này. Ông Hứa cho biết: "Trước hết, phi hạt nhân hóa cần xây dựng một cơ chế. Thứ hai là cần giám sát cơ chế này. Còn một điều hết sức then chốt là khi Triều Tiên đưa ra các điều kiện nếu phải trình báo các cơ sở hạt nhân thì liệu Mỹ có đồng ý không? Hiện nay, hai bên đều đang trong quá trình đấu tranh lâu dài. Vì vậy, xu thế tương lai là phi hạt nhân hóa nhưng quá trình này sẽ rất khúc khuỷu và lâu dài".
 
vladimir-dzhabarov.jpg
Phó Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc tế thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Vladimir Dzhabarov

 

Giáo sư Alexander L. Vuvin thuộc Trung tâm nghiên cứu An ninh châu Á- Thái Bình Dương thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định, ở tầm chiến lược hơn, quan trọng là Mỹ và Triều Tiên phải tạo được một mối quan hệ. Sau nhiều thập niên thù địch, chiến tranh về lý thuyết vẫn còn, thế thì làm sao có thể xây dựng quan hệ bình thường sau một cuộc nói chuyện và những cái bắt tay? Việc cả hai bên đều đã kiềm chế các hành động gây thù địch, đây đã có thể coi là thành tựu rồi, nhất là khi hai nhà lãnh đạo cũng phải đối mặt với nhiều sức ép từ bên trong và bên ngoài.
 
Còn chuyên gia phân tích Richard Johnson thuộc Tổ chức Sáng kiến đe dọa hạt nhân ở Mỹ cho biết: “Sức ép ở đây là rất lớn vì vấn đề hạt nhân Triều Tiên là một vấn đề chưa được giải quyết trong vòng nhiều thập kỷ qua. Cả Triều Tiên và Mỹ hiện vẫn đang trong tình trạng chiến tranh kể từ những năm 1950; vì vậy, đây có thể là một trong những tranh cãi lớn nhất của cuộc Chiến tranh Lạnh do đó mà hai bên đều chịu sức ép lớn”.
 
akira-kawasaki-ican.jpg
Ông Akira Kawasaki, thành viên Chương trình vận động quốc tế hủy bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN)

  

Ông Akira Kawasaki, thành viên Chương trình vận động quốc tế hủy bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) cho biết: “Không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy cuộc đàm phán lần này không đạt kết quả. Chúng ta cần một kế hoạch thực sự, bắt nguồn từ sự hợp tác của cộng đồng quốc tế và thúc đẩy những Hiệp ước như Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân mà Triều Tiên có thể gia nhập cũng như bắt đầu tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân một cách hợp pháp”.
 
“Thỏa thuận hoà bình sẽ không còn xa vời”
 
Dù không đạt được thỏa thuận, hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 vẫn là một thành công, vẫn đạt được những bước tiến. Phó Giáo sư Justin V Hastings, khoa Chính phủ và Quan hệ Quốc tế, Đại học Sydney nhận định: “Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai có thể coi là thành công vì đã một lần nữa đưa vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm và Nhà lãnh đạo Triều Tiên gặp gỡ và cùng ngồi vào bàn đàm phán. Điều này thể hiện nỗ lực "cho đi và nhận lại" rất lớn từ cả hai phía. Nếu Washington và Bình Nhưỡng tiếp tục duy trì đối thoại, tôi nghĩ rằng một thỏa thuận hoà bình sẽ không còn xa vời”.
 
trump-kim.jpg
Hai bên Mỹ, Triều cần tăng cường lòng tin vào nhau

 

Bàn về triển vọng quan hệ Mỹ - Triều trong thời gian tới, TS. Phạm Cao Cường cho rằng, mối quan hệ này vẫn sẽ tiếp tục theo hướng hợp tác, đối thoại với nhau. Triều Tiên nhiều khả năng sẽ không tiếp tục tiến hành các vụ thử tên lửa và hạt nhân, gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh hiện nay, cả Washington và Bình Nhưỡng cần tăng cường xây dựng lòng tin để có thể đạt được những kết quả tích cực.
 
Ghi nhận sự cố gắng của tất cả các bên nhưng TS. Trần Việt Thái - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao (Bộ Ngoại giao) chia sẻ, cần nhiều nỗ lực hơn nữa từ hai phía trước khi đi đến những cuộc gặp quan trọng như thế này. Dự đoán về tiến trình hòa bình và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, ông cho rằng, sau hội nghị này, chắc chắn Mỹ và Triều Tiên sẽ có những đánh giá cụ thể hơn để tiếp tục thu hẹp khoảng cách.
 
Chuyên gia Harry Kazianis - Giám đốc Chương trình nghiên cứu Triều Tiên thuộc Trung tâm lợi ích quốc gia Mỹ đã bày tỏ lạc quan và dự báo về một số kết quả tích cực đạt được tại hội nghị lần này. Theo ông Kazianis, một thỏa thuận tồi đó chính là sự vội vã và không làm gì để giảm bớt mối đe dọa từ Triều Tiên đối với nước Mỹ, các đồng minh của Washington và điều đó sẽ là một sai lầm lịch sử. Chuyên gia Kazianis đồng thời thừa nhận rằng, không có nhiều người từng nói việc đạt được thỏa thuận giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ dễ dàng. Việc Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đồng ý gặp lại nhau tại Hà Nội sau cuộc gặp lịch sử đầu tiên lại Singapore tháng 6/2018 đã là một thành công.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm