Nạn nhân bạo lực gia đình luôn đơn độc

24/10/2016 - 10:15
BLGĐ vẫn phổ biến, trong khi bạo lực xã hội ngày càng man rợ, ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng: Đây là hậu quả của một nền giáo dục chỉ chú trọng đến dạy kiến thức, quên mất việc giáo dục làm người!

Hãy cùng PNVN lật lại tâm sự của những người trong cuộc, những lý giải của chuyên gia thông qua Chuyên đề "BẠO LỰC GIA ĐÌNH - VÌ SAO CHÚNG TA ĐANG THẤT BẠI?" để biết vì sao nạn nhân bị đơn độc trong hành trình gian nan bảo vệ mình chính ở nơi hy vọng được bình yên nhất! 

Theo ông Đặng Như Lợi “Tiên học lễ, hậu học văn” nhưng hiện chúng ta quên mất điều quan trọng đầu tiên là “học lễ” - tức học làm người. Việc giáo dục làm người ngày càng sa sút và hiện nay nó bộc lộ qua những hành vi bạo lực. Một hành động thể hiện phần con đã lấn át mất phần người.

photo-1-1476318218632.jpg
Ông Đặng như Lợi: "Khi con người không được chăm lo giáo dục nhân cách, đạo đức thì sẽ rất nguy hiểm!"

Theo ông Lợi, khi phần người bị phần con lất át thì dù pháp luật có nhiều bao nhiêu cũng không đủ, bao nhiêu biện pháp cũng không thể mang lại hiệu quả! “Vấn đề của chúng ta hiện nay không chỉ là BLGĐ mà đó là bạo lực của xã hội đang phát triển một cách kinh khủng. Con người với con người, chồng với vợ, cha với con có thể chém giết nhau không thương tiếc".

img_20160722_171110_134.jpg
Bạo lực đang diễn ra thể hiện rằng, cách giáo dục làm người chúng ta đang có vấn đề! Trong hình là bà Hoàng Thị Hoản ở Phù Cừ (Hưng Yên) đang nghẹn ngào thừa nhận về việc con trai mình thi thoảng to tiếng với vợ, có lúc cũng bạt tai vợ... rồi 1 lần vợ chồng con xô xát, án mạng đã xảy ra!

“Chúng ta bây giờ vẫn nhan nhản khẩu hiệu như: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tiến lên chỗ nọ, tiến đến chỗ kia, hoàn thành vượt mức... Chúng ta mới đang nói hay nhưng làm thì dở. Phòng chống BLGĐ cũng thế, nói nhiều nhưng làm ít. Điều đó dẫn tới việc, giữa pháp luật và cách thực thi pháp luật có một khoảng cách quá xa. Lỗi này thuộc về trách nhiệm của quản lý Nhà nước, không thể thuộc về người dân được. Hô hào phòng chống nhưng cả 2 chẳng làm đến đâu cả, như thế lấy đâu hiệu quả” - ông Lợi nói.

Cũng theo ông Lợi, nếu muốn giảm tình trạng BLGĐ thì việc làm trước mắt là tăng cường vai trò của chính quyền địa phương, của mặt trận, các đoàn thể. Tại sao có rất nhiều tổ chức nhưng lại không thực hiện được, không thực hiện nghiêm, thậm chí là né tránh? Nếu thực hiện tốt những điều pháp luật quy định chắc chắn sẽ đầy lùi BLGĐ, loại trừ được kẻ xấu. Về lâu dài thì phải tập trung vấn đề giáo dục làm người. Ông Lợi cho biết, ở một số nước văn minh, họ xử rất nghiêm với những hành vi mà chúng ta cho là nhỏ như vứt rác bừa bãi, tè bậy... Những chuyện rất nhỏ nhưng xử nghiêm minh như vậy thì tính giáo dục mới cao. Ở Việt Nam, vẫn nặng về việc hô khẩu hiệu theo kiểu đao to búa lớn.

“Chúng ta chỉ giỏi nói quá, nói dối, ví dụ 1 đứa bé đi hát vài bài đã đưa lên tận mây xanh kiểu như thế giới này không còn ai cả. Vài cầu thủ đá bóng lau nhau chẳng đâu đến đâu cũng khen bằng các mỹ từ đẹp nhất có thể... Trong khi đó, bao nhiêu cái hay, cái đẹp, cái đáng để khen lại bỏ qua. Nếu khen đúng chỉ giúp con người giữ bằng cái cũ, nếu phê đúng, chỉ ra những khiếm khuyết thì người ta bước đi rất tốt. Chúng ta đang tạo thành một thói quen thích khen và nịnh nhau mà cái đó được xem như là “đắc nhân tâm”, sống thế mới biết làm người, điều đó thật nguy hiểm”, ông Lợi thẳng thắn chia sẻ.

Bài cuối:  Thư Amsterdam: Sự trì hoãn và sự hy vọng!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm