Đây là thông tin được bà Carol Mortensen, Giám đốc Hagar Quốc tế tại Việt Nam, chia sẻ tại diễn đàn “Hàn gắn cộng đồng qua cách hỗ trợ dựa trên hiểu biết và sang chấn” được tổ chức tại TP.HCM mới đây.
Theo bà Carol Mortensen, trong thời gian từ năm 2011-2017 theo báo cáo, tại Việt Nam xảy ra khoảng 3.000 vụ mua bán người với gần 6.000 nạn nhân. Số liệu nạn nhân mua bán người thấp hơn nhiều so với thực tế do nhiều nạn nhân không trình báo vì sợ sự kỳ thị của cộng đồng.
Một khảo sát quốc gia năm 2010 về bạo lực gia đình cũng cho thấy rằng, có gần 58,5% phụ nữ từng kết hôn trải qua ít nhất một dạng bạo lực. Bên cạnh đó, có hàng ngàn trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục trong giai đoạn từ 2011-2015.
Nạn nhân mua bán người, phụ nữ bị bạo hành, trẻ bị xâm hại tình dục… rất dễ bị sang chấn tâm lý, khiến cuộc sống bị ảnh hưởng. Trải qua sang chấn tâm lý có thể khiến cho việc ứng phó với một sự việc thông thường hàng ngày trở nên khó khăn.
Theo TS Nguyễn Thị Thanh Tú, khoa Tâm lý học - ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), sang chấn tâm lý là sự cố gây thương tổn, gây mất niềm tin vào bản thân, vào người khác và thế giới. Về mặt cảm xúc, sang chấn dẫn đến trầm cảm, lo âu, bất lực, thịnh nộ, không thể tin tưởng người khác…
Theo TS Tú, sang chấn tâm lý ở trẻ em gây ra nhiều ảnh hưởng, trước hết là mất niềm tin trong cuộc sống. Một đứa trẻ lớn lên trong sợ hãi sẽ khiến cho các sáng kiến bị giết chết.
Tuy nhiên, bà Carol Mortensen nhấn mạnh rằng, tất cả nạn nhân bị sang chấn tâm lý đều có thể được phục hồi. Họ được quyền lựa chọn cách thức phục hồi sau sang chấn và điều này giúp cho khả năng phục hồi tốt hơn.
Trong đó, sự hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn sẽ tạo cơ hội cho những người bị sang chấn tâm lý tái thiết lại khả năng tự kiểm soát, tự tin và tự chủ. Cách tiếp cận này tập trung vào sự an toàn thể chất, tâm lý và xã hội. Qua đó, có thể thay đổi cuộc sống và nâng cao sức mạnh cho những cá nhân bị sang chấn để họ có thể sống một cuộc sống tự do và bình an.