Nàng dâu không muốn đánh mất tuổi xuân ở nhà chồng

03/08/2018 - 09:44
“Gia đình chồng tôi như một vũng nước sâu, chồng tôi là cành cây duy nhất để tôi bấu víu không bị chìm. Vậy mà giờ gãy rắc một cái, cành cây chỉ còn lủng lẳng, sắp rơi. Nhìn 2 con ngủ, tôi khóc như mưa. Tôi không thể tiếp tục cuộc sống địa ngục này được nữa”.
Những giọt nước mắt của người phụ nữ vừa bước qua tuổi 30 ở huyện Ba Vì (Hà Nội) vẫn ám ảnh vị Thẩm phán trong gần 30 năm làm nghề này, dù vụ án xét xử kéo dài 6 tháng nay chưa kết thúc.
 
Lần nào đến toà án huyện Ba Vì, chị Nguyễn Thị Tư cũng với gương mặt thất thần, mỏi mệt. Bản lĩnh của người phụ nữ đơn thân trước đây biến mất, sự cứng cỏi, chịu nhịn dường như không còn ở trong chị. Có lẽ vì mọi sự việc đã vượt quá sức chịu đựng của chị.
 
Chị nghẹn ngào: “Tôi từng là mẹ đơn thân. Khi con tôi được gần 5 tuổi thì cháu mất vì bệnh nặng. Sau đó khoảng 2 năm, tôi lấy chồng, chồng hơn tôi 1 tuổi, là trai tân. Tôi có bầu trước khi cưới nhưng bị mẹ chồng phản đối kịch liệt. Anh vẫn nắm tay tôi vượt qua tất cả. Đám cưới diễn ra, chúng tôi trở thành vợ chồng thực sự.
 
Sau đó tôi sinh một bé trai, bỏ qua mọi sự hạnh hoẹ, lạnh nhạt của mẹ chồng. Bà thậm chí chưa bao giờ coi tôi là người trong nhà dù tôi đã cố làm tốt trách nhiệm của người vợ, người mẹ, con dâu trong gia đình. Tôi nghĩ chỉ cần có anh là đủ”.
 
“Hồi mới sống chung với bố mẹ chồng, anh luôn động viên tôi nhịn mẹ chồng. Cho dù chồng có hay đi chơi, nhậu nhẹt say khướt mới mò về nhà lúc quá nửa đêm hay gần sáng nhưng tôi không hề cảm thấy buồn chán hay muốn buông bỏ như lúc này”. Khẽ nuốt lặng giây lát, chị Tư kể: “Con tôi được 3 tháng tuổi thì chồng phản bội tôi.
ngoai-tinh.jpg
Ảnh minh họa
 
Tim tôi thêm một vết sẹo đau nhói. Con tôi 1 tuổi thì bố chồng tôi mất. Ngoài chồng thì ông là người còn lại coi tôi là người trong nhà. Ông nghiện rượu, ít nói, cũng khá thương tôi ; vì vậy, tôi vẫn cố nín lặng sống tiếp vì con”.
 
Nếu trước đây bố mẹ chồng cãi nhau, thi thoảng bà lôi chị ra chửi thì sau khi ông mất, tất cả bà trút hết lên người chị. Khi sinh con thứ 2, chị biết mình không thể ở trong cái nhà này lâu được nữa. Chồng chị thay đổi hẳn tính nết, tình cảm đối với vợ con, thêm nữa là công việc của anh không ổn định. Anh còn đi vay nặng lãi, cờ bạc hết...
 
Sau 5 năm lấy chồng lần thứ 2, từ con người năng động, hay cười, hay nói, chị trở nên lầm lì. Chị làm bất cứ việc gì, bà cũng soi xét từng tí một, nào là nhà bẩn, quần áo không sạch, cái loại con dâu lười biếng, rồi bà đem so sánh với con dâu nhà khác. Có khi bà sai chị đi chặt củi đúng giữa trưa trời nắng oi bức hoặc bà sai chị đi gánh phân tưới chỗ này, cây kia, không cho chị nghỉ trưa.
 
Có lần chị giải thích với bà tưới cây lúc nắng, cây có thể bị chết, bà lại bảo đồ con dâu lười nhác, chỉ muốn cãi lại, không chịu làm lụng. “Nếu tôi có ốm đau, bà cũng chỉ cho là tôi giả vờ để trốn việc nhà”, chị Tư thở dài ngao ngán nhớ lại.
 
Chị may mắn xin được vào làm ở một xưởng giấy nhỏ, lương khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng nhưng mẹ chồng không muốn trông con thứ 2 còn nhỏ để giúp chị đi làm. “Cuối cùng, tôi phải nói trong số tiền lương kiếm được, tôi trả bà 1 triệu đồng/tháng, bà mới đồng ý trông con giúp tôi”, chị Tư cho biết.
 
Một chiều chị đi làm về, cậu con lớn đòi ăn vải nhưng mấy hôm đó trời mưa, không ai bán, chị ghé qua chợ mua ít quả chôm chôm cho con ăn. Không may sáng hôm sau, cu bé bị sốt, đi ngoài. Bà chửi ầm ĩ chị là cái loại không biết tiết kiệm, thấy cái gì cũng nhét vào mồm con. “Gần 4 giờ sáng, chồng tôi mới mò về nhà, bà còn đang ngái ngủ cũng vội mách tội với chồng tôi chuyện tôi cho con ăn chôm chôm.
9.jpg
Ảnh minh họa
 
Anh ta lao vào phòng ngủ của mấy mẹ con bật điện sáng trưng lên rồi chửi: Tao chịu cái loại chúng mày cái gì cũng ăn, sao không cầm luôn cứt cho vào mồm ăn đi...”, chị Tư nghẹn ngào nhớ lại.
 
Chị nhận ra, chị chẳng là gì trong cái nhà này, dù chồng chị có như thế nào thì chưa bao giờ anh ta quát mắng chị. Còn bây giờ thì anh bỗng dưng không còn coi chị là con người? “Không biết vì tính cách hiền lành hay tại anh ta coi như tôi không còn tồn tại. Tôi không thể tiếp tục cuộc sống địa ngục này được nữa. Xin tòa hãy sớm xử cho tôi được ly hôn”, chị Tư khẩn khoản nói.
 
“Trước khi đánh mất tuổi xuân, nhất định tôi phải rời khỏi cái nhà này, dù không biết lúc này là sớm hay đã muộn. Tôi phải mang được cả 2 con bé bỏng của tôi đi khỏi đây dù biết là rất khó khăn”. Dẫu đã xét xử hàng nghìn vụ án ly hôn nhưng vị Thẩm phán vẫn thấy nghẹn đắng cổ họng khi nhìn theo bóng dáng tiều tuỵ, liêu xiêu của chị Tư rời khỏi cổng tòa.
 
Trong hoàn cảnh của chị, việc để tâm nguyện của chị thành hiện thực không dễ dàng bởi phía bên bị đơn là chồng chị vẫn muốn tranh giành con, giữ lại con và luôn tỏ ra thái độ bất hợp tác khi không đến toà, không muốn ly hôn vợ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm