Nàng dâu thấy may mắn khi được sống chung với bố mẹ chồng

Song Nghi
02/09/2023 - 08:50
Nàng dâu thấy may mắn khi được sống chung với bố mẹ chồng

Ảnh minh họa

Thói quen tốt của mỗi người không tự nhiên mà có, phải được rèn giũa, uốn nắn, trau dồi thường xuyên mới nên. Theo chia sẻ của chị Hoàng Bích Thuỳ (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương), gia đình là cầu nối, là cơ hội để tạo nên những thói quen tốt cho các thành viên.

Chị Bích Thuỳ cho biết, gia đình chị hiện có 6 người gồm bố mẹ chồng (gần 70 tuổi, đã về hưu), vợ chồng chị và hai cô con gái (lớp 5 và lớp 8). Hiện cả gia đình sinh sống ở thành phố nhưng bố mẹ chồng chị đều xuất thân trong gia đình làm nông nghiệp, người gốc huyện Tứ Kỳ. Sau này, chồng và các con chị Thuỳ đều sinh ra và lớn lên ở thành phố, cuộc sống khá giả, văn minh, điều kiện tốt hơn ở quê nhưng bố mẹ chồng chị luôn nhắc nhở con cháu phải giữ nếp nhà.

Theo chia sẻ của chị Thuỳ, mẹ chồng chị từng là giáo viên dạy Văn nên bà rất chú ý uốn nắn con cháu từng lời ăn tiếng nói. Có lần, vợ chồng xung đột, không kiềm chế được, cả hai cùng to tiếng và rất căng thẳng với nhau. Lúc hai đứa cãi nhau, bà lẳng lặng ở trong phòng riêng của mình, không bênh người nọ, mắng người kia. Vài ngày sau, câu chuyện xích mích lắng xuống, bà mới nhẹ nhàng gọi vợ chồng chị Thuỳ cùng ngồi góp ý cái nên, cái không nên. Bà còn ngồi riêng với con dâu, phân tích cừng li từng tí về cái được ít, mất nhiều nếu như không bình tĩnh, bạ đâu nói đó lúc nóng giận.

"Lần ấy, tôi nhớ mãi lời khuyên nhủ của mẹ chồng: Ngôn ngữ có bao nhiêu từ đẹp đẽ, sao hễ cáu giận là các con cứ phải văng vào mặt nhau những câu nói sát thương mới hả dạ? Khi con rèn cho mình thói quen chỉ dùng những ngôn từ đẹp, văn minh thì dù có tranh luận hay cãi nhau, vợ chồng con cũng không bao giờ "cả giận mất khôn". Đó cũng là lý do mà mẹ chồng tôi rất ít khi cáu giận, to tiếng trong gia đình hay nói lời thô tục", chị Thuỳ kể.

Trong khi, thực tế, nhiều con dâu rất ngại ở chung với bố mẹ chồng thì chị Thuỳ lại thấy đó là một may mắn của mình. Chị Thuỳ bảo, ở cùng bố mẹ chồng, chị học được rất nhiều kinh nghiệm sống cũng như văn hoá ứng xử trong gia đình, giữa vợ chồng với nhau từ ông bà. Cả hai bố mẹ chồng đều là người yêu gia đình, có ý thức tạo dựng hạnh phúc, xây dựng nếp nhà nên ý thức này, qua mỗi ngày, cũng thấm dần vào tư tưởng, thói quen của các con, các cháu.

Được biết, trong nhà chị Thuỳ, không có kiểu phân công lao động rạch ròi, cứng nhắc mà khi đã bước chân về đến nhà thì việc nhà là việc chung của tất cả mọi thành viên. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, sức ai phù hợp với công việc gì thì làm công việc đó, không đóng đinh việc này của con dâu, việc kia của mẹ chồng. Thế nên, có lần, khách ở quê ra chơi, vô cùng ngạc nhiên khi ăn cơm trưa xong, bố chồng giục chị Thuỳ thu dọn bát đũa ra bồn rồi nghỉ ngơi dăm phút chuẩn bị đi làm kẻo muộn, cứ để bát đũa đấy, chiều ông sẽ rửa. Còn mẹ chồng chị Thuỳ thì thư thái bổ hoa quả, pha trà mời khách. Biết người ở quê không quen với điều ấy, sợ mọi người về quê nói nọ nói kia, bố chống chị giải thích ngay: Cháu nó tranh thủ chạy về nhà ăn cơm để cả nhà sum họp là quý hoá lắm rồi, 2 giờ chiều cháu có cuộc họp, phải chuẩn bị bao nhiêu thứ quan trọng, thời gian đâu mà còn dọn dẹp nữa. Tôi rửa mấy cái bát cái đũa chứ có phải làm việc khổ sai đâu. Nghe bố chị Thuỳ nói vậy, các chú, các bác ở quê chỉ còn biết gật gù, khen ông tư tưởng hiện đại, văn minh.

"Khi hình thành nên những thói quen và nếp nhà tốt, gia đình sẽ thực sự là tổ ấm, là nơi chúng ta luôn cảm thấy hạnh phúc và an toàn. Những điều vợ chồng tôi học được từ bố mẹ chồng, chúng tôi đã, đang và sẽ lan toả, truyền lại cho các con cháu sau này. Cuộc sống hiện đại nhưng mạch nguồn yêu thương từ gia đình không bao giờ thay đổi", chị Thuỳ khẳng định.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm