Nhiều nhóm nghiên cứu đang “khát” nghiên cứu sinh
Trước phản ứng của dư luận về đề án chi 12.000 tỉ để đào tạo 9.000 giảng viên đạt trình độ tiến sĩ (TS) có nguy cơ lãng phí, kém thực chất, nhà nghiên cứu Phạm Hiệp đã lên tiếng ủng hộ, trong vai trò là người trong cuộc (ông hiện là nghiên cứu sinh (NCS) tại ĐH Văn hóa Trung Hoa - Đài Loan, Trung Quốc).
Bản thân cũng là người làm khoa học, đang là nghiên cứu sinh (NCS), ông Hiệp cho rằng, các NCS trong và ngoài nước đang gặp muôn vàn khó khăn do không được nhà nước quan tâm đúng mực. Thiếu kinh phí, không chỉ người học đánh mất cơ hội làm khoa học, mà chính các nhóm nghiên cứu cũng lâm vào bế tắc khi thiếu trầm trọng một nguồn NCS cho các đề tài lớn.
“Nhìn nhận một cách công bằng thì tỉ lệ TS của nước ta còn quá thấp so với các nước xung quanh. Vì thế khi nghe thông tin NCS sẽ được hỗ trợ học bổng để chi trả tiền học, tôi cảm thấy rất vui, đồng thời không hiểu tại sao dư luận lại cấm cản, bới móc chuyện này!” - ông Hiệp cho hay.
Theo ông Phạm Hiệp, nước ta vẫn cứ “kêu” là TS chất lượng kém, nhưng nếu kêu kém thì phải đầu tư mới có chất lượng. Giờ có tiền để đóng học phí, đầu tư hơn cho NCS thì quá hợp lý và là cơ hội để nâng cao chất lượng. Ai cũng đòi hỏi nền giáo dục phải thay đổi, nhưng cứ thay đổi là “kêu”, điều này đang khiến chính người học mất ý chí.
Một điều khá quan trọng, theo ông Phạm Hiệp là nước ta đang có một thế hệ giảng viên trẻ có năng lực, nhưng không có nguồn lực nào để thu hút chính họ ở lại trong nước tham gia các nhóm nghiên cứu. Trong khi đó, các nước kế cận vì “khát” nguồn NCS nên họ sẵn sàng tiếp nhận cả các NCS trình độ khá. Nói cách khác, chính là “chảy máu chất xám” NCS.
“Bản thân tôi chứng kiến rất nhiều nhóm nghiên cứu khoa học không có kinh phí để giữ chân NCS, hiện trong tình trạng chỉ có sinh viên và PGS. Sinh viên thì không đủ trình độ, trong khi thiếu hẳn đội ngũ kế cận là NCS để trực tiếp hướng dẫn. Thế là chính các PGS đáng ra làm việc lớn thì lại đi dạy trực tiếp cho học trò cao học, đại học, trong khi việc đấy phải do NCS làm” - ông Hiệp nêu thực tế.
Hệ lụy của việc “hổng” đội ngũ NCS, theo ông Phạm Hiệp, chính là các nhóm nghiên cứu đánh mất cơ hội lựa chọn những đề tài khoa học lớn, công phu chỉ bởi không có người đủ giỏi để cùng thực hiện. “Thầy biết mình có cơ hội xin học bổng cho NCS để cùng làm thì thầy mới dám chọn những đề tài phức tạp, công phu. Chứ nếu cần NCS để thực hiện đề tài lớn nhưng lại không có tiền, các thầy đành chọn việc dễ để làm, đó là thực tế” - ông Hiệp khẳng định.
Đừng lấy lịch sử để phán xét người của tương lai!
Trước băn khoăn về chất lượng đào tạo TS đang có vấn đề khi vẫn có tình trạng TS “giấy”, ông Phạm Hiệp cho rằng, nếu lấy lịch sử để phán xét người của tương lai thì không công bằng cho các NCS.
“Chính sách nào thì “đẻ” ra con người ấy. Chính sách cũ là gì, là tiền không cấp, đầu ra thì dễ, học thì học tại chức, chất lượng NCS kém cũng là dễ hiểu. Bây giờ đã có chính sách mới với yêu cầu cao hơn cho NCS như phải có bài báo công bố quốc tế chẳng hạn, đầu ra chặt hơn, cùng với đó là được hỗ trợ kinh phí. Điều này chắc chắn sẽ củng cố chất lượng đào tạo TS!” - ông Hiệp cho hay.
Nói về những yêu cầu mới đối với đào tạo TS vừa được Bộ GD&ĐT công bố hồi tháng 4 năm nay, ông Hiệp cho rằng, đáng lẽ Bộ GD&ĐT cần công bố song song đề án này để mọi người hình dung rõ hơn về đào tạo TS.
“Phải có nhìn nhận công bằng, NCS và nhà khoa học trong nước đang gặp muôn vàn khó khăn. Tuy nhiên, số lượng và chất lượng TS đã có sự tiến bộ đáng kể trong 10 - 20 năm qua. Tất nhiên cũng có nhiều trường hợp có vấn đề nhưng rõ ràng xu hướng chung là phát triển. Cần xem đây là cơ hội và động lực để NCS phấn đấu” - ông nói.
Nhà nghiên cứu Phạm Hiệp cũng kỳ vọng vào cách làm khéo léo của Bộ GD&ĐT để đầu tư nguồn lực đúng người, đúng việc. Đó là khâu lựa chọn đầu vào thật khắt khe, có thể “đấu thầu” công khai để người giỏi nhất được chọn và xứng đáng được hưởng học bổng. Có như vậy, đề án mới đạt được thực chất và sẽ không khiến dư luận cho rằng, đó là sự lãng phí.