Nhà trường đang “ăn cắp” kỳ nghỉ hè của con trẻ!
- Anh vừa có những chia sẻ gây chú trên trang cá nhân là nên dẹp ngày khai giảng vì nó không còn ý nghĩa nữa. Tại sao anh lại có suy nghĩ đó?
Ngày khai giảng là ngày đầu tiên trẻ đến trường sau một kỳ nghỉ hè dài, với tất cả sự háo hức chờ đợi được gặp lại thầy cô, bạn bè. Nhưng bây giờ, với việc tựu trường sớm, học sinh học sớm trước cả tháng thì sự háo hức đó không còn. Trong nhiều năm qua, tổ chức khai giảng ngày càng rình rang, hình thức, sáo rỗng. Ngày khai giảng vì thế không còn ý nghĩa như xưa, như thời bọn tôi đi học.
Nhiều phụ huynh bảo với tôi rằng, khai giảng chỉ khổ con họ, kéo dài lê thê cả sáng, trẻ con đội nắng, thậm chí còn phải tập khai giảng. Trong khi khai giảng đáng lẽ sẽ là ngày vui, khơi gợi cho trẻ sự ham học, yêu trường yêu lớp… thì bây giờ, nhà trường “ăn cắp” luôn kỳ nghỉ hè của trẻ, nói là 3 tháng hè nhưng thực chất chỉ chưa đầy 2 tháng.
- Học trước khai giảng đã diễn ra từ nhiều năm nay, có vẻ như anh chưa cập nhật tình hình giáo dục nước nhà?
Khi tôi nói ra suy nghĩ của mình, nhiều người đã hỏi tôi là không hiểu gì về chương trình giáo dục (GD) nước nhà à, vì từ bao lâu nay trẻ luôn học theo một lịch trình như vậy. Người ta dùng nhiều lý lẽ như học sớm để ôn luyện chương trình, làm quen thầy cô, thích nghi môi trường mới…
Tôi không phải là nhà GD nhưng là một công dân, tôi có quyền hỏi là: Trong suốt 30 năm qua, ngành GD tiến hành cải cách GD rất nhiều lần, “ngốn” không ít tiền của ngân sách, nhưng tại sao chương trình học của các con càng ngày càng nặng thêm?
Trong năm học, các con đã học nhiều rồi mà bây giờ lại còn lấn thêm vào kỳ nghỉ hè, biến ngày khai giảng thành một ngày lễ mang tính hình thức. Nếu như vậy, ngày khai giảng có còn ý nghĩa như chúng ta từng hi vọng hay không? Nếu không còn ý nghĩa thì hoặc là bỏ nó đi, hoặc là “nhập” vào ngày tựu trường đầu tháng 8 và chỉ nên gọi là ngày tựu trường mà thôi!
Đừng đọc diễn văn, thả bóng bay
- Từng nhiều năm sinh sống ở các nước phương Tây, đặc biệt là ở Italy, anh thấy ngày khai giảng của học sinh các nước diễn ra như thế nào?
Có lẽ Việt Nam là nước ngoại lệ vẫn còn tổ chức lễ khai giảng sau khi học sinh đã đến trường cả tháng trời. Ở nhiều nước trên thế giới, khai giảng đơn thuần là ngày đầu tiên đi học, không lẫn vào kỳ nghỉ hè của học sinh. Nghỉ hè là nghỉ hè, học là học.
Ở Ý, trẻ không có ngày khai giảng, chỉ đơn giản là quay lại trường sau kỳ nghỉ hè. Trước khi nghỉ hè, cha mẹ biết trước lịch học năm tiếp theo của con rất cụ thể, ngày đi học đầu tiên là ngày nào, được nghỉ trong bao lâu. Bố mẹ có thể nhìn thấy rõ để sắp xếp kỳ nghỉ của gia đình phù hợp với kỳ nghỉ của con.
Tôi là một ông bố mà con không có ngày khai giảng. Con tôi học hệ thống trường công ở Ý, khi về Việt Nam thì không học trường công. Ngày đầu tiên của con đi học không có diễn văn, lễ lạt hay văn nghệ. Trẻ con được gặp lại sau kỳ nghỉ thì vui sướng lắm, còn phụ huynh thì gặp nhau trò chuyện.
Hôm đó, Hiệu trưởng đến và nói dăm ba điều rằng, hôm nay các con trở lại trường. Mùa hè rồi, các con hẳn là có kỳ nghỉ thật tuyệt và sẽ có nhiều chuyện để kể cho cô và bạn cùng nghe… Sau lưng thầy là các giáo viên chủ nhiệm của năm học mới, sau đó thầy lần lượt xướng tên học sinh, cô giáo đón từng học sinh đi vào lớp, cho đến cháu cuối cùng. Sau đó, buổi học bắt đầu.
Một điều mà tôi để ý là các con tôi đều rất yêu trường lớp, rất hào hứng đến trường. Tư duy của giáo dục tiên tiến là làm thế nào để kích thích trẻ bằng sự sáng tạo, hoạt động ngoại khóa, thể thao. Các con tôi được học rất nhiều thứ nhưng không có môn nào là môn chính, môn nào cũng quan trọng, và đặc biệt học nhiều môn liên quan đến nghệ thuật nhằm kích thích sự sáng tạo.
- Theo như anh nói, khai giảng ở Việt Nam đang đi ngược những cách làm của tư duy giáo dục hiện đại?
Tư duy của giáo dục Việt Nam, theo tôi là có ngày khai giảng hoành tráng để kích thích tinh thần của trẻ con trong năm học mới. Nhưng thực tế, đây chỉ là tư duy của người lớn, tổ chức khai giảng vì người lớn muốn như vậy!
Chưa một thầy cô nào hỏi học sinh của mình rằng, các con muốn chúng ta làm gì trong ngày khai giảng, có muốn hát không, muốn vui chơi không? Khai giảng nặng nề vì người lớn làm những điều mà họ muốn chứ không phải làm điều trẻ con muốn.
Ở phương Tây, lãnh đạo cấp cao chỉ đến trường nào đó, lớp nào đó trong trường hợp khu vực ấy có điều tệ hại xảy ra như động đất bão lũ, cần sự động viên kịp thời. Còn lại, những ngày đầu tiên của năm học, các VIP không đến bất cứ trường nào.
- Dù sao, Việt Nam vẫn có lễ khai giảng vào 5/9 hàng năm. Theo anh cần có thay đổi như thế nào để học trò có ngày khai giảng thực sự ý nghĩa?
Đầu tiên có thể gọi đây là ngày khai giảng nhưng đừng coi nó là lễ, đừng tổ chức rình rang, đừng đọc diễn văn, đừng thả bóng bay. Đừng làm gì to tát, không tập tành gì hết! Hãy làm một điều gì đó vô cùng giản dị, càng đơn giản ngắn gọn càng tốt vì làm rình ràng, không chỉ mất thời gian mà còn tốn kém nữa.
Hãy nghĩ đến việc trong cả năm học sinh học như thế nào, làm thế nào để khuyến khích các con học hành. Nếu tổ chức một lễ khai giảng hoành tráng mà các con trải qua một năm học đầy khổ sở thì khai giảng hoành tráng để làm gì?
Một điều quan trọng nữa, theo tôi nhà trường cần tôn trọng kỳ nghỉ hè của học sinh, phải cho các con được chơi, được tái tạo năng lượng, kích thích niềm hứng khởi đến trường. Đã đến lúc cần điều chỉnh lại, trẻ sẽ học tất cả trong năm học và không bị lấn vào thời gian nghỉ hè.