Nếu không thống nhất được vấn đề học phí, phụ huynh có thể kiện trường quốc tế ra tòa

Trường Hùng
13/05/2020 - 06:46
Nếu không thống nhất được vấn đề học phí, phụ huynh có thể kiện trường quốc tế ra tòa
Chia sẻ về việc Trường Quốc tế Singapore (quận Ba Đình, Hà Nội) thu học phí trực tuyến trong thời gian nghỉ phòng dịch Covid-19, ThS, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp (Hà Nội) cho biết, sau khi đã gửi đơn khiếu nại đến thanh tra giáo dục mà vụ việc vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng, phụ huynh có thể khởi kiện nhà trường ra toà.

Cách tính học phí phải được thống nhất giữa nhà trường và phụ huynh

Nhìn nhận về vấn đề thu học phí, luật sư Cường cho biết, hiện nay việc thu học phí được thực hiện theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ, quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm 2015-2016 đến năm học 2020-2021.

Cụ thể, tại Khoản 3, Điều 3 Nghị định quy định về nguyên tắc xác định học phí thì cơ sở giáo dục ngoài công lập tự quyết định mức thu học phí. Như vậy, về cơ bản, các trường tư thục, trường quốc tế có quyền tự quyết định mức thu học phí. Theo đó thì việc thu học phí sẽ được thực hiện theo thỏa thuận của nhà trường với phụ huynh học sinh, được thông báo công khai ngay từ đầu năm học, khóa học cho từng năm và cả lộ trình.

Nếu không thống nhất được vấn đề học phí, phụ huynh có thể kiện trường quốc tế ra tòa - Ảnh 1.

ThS, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp (Ảnh: Viettimes)

Tuy nhiên, Nghị định cũng quy định các đối tượng được giảm học phí và trường hợp không thu học phí có thời hạn. Cụ thể, khi xảy ra thiên tai, tùy theo mức độ và phạm vi thiệt hại, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định không thu học phí trong thời hạn nhất định đối với trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông thuộc vùng bị thiên tai. Nhà nước thực hiện cấp bù học phí trực tiếp cho các cơ sở giáo dục công lập và cấp bù học phí cho các đối tượng được hưởng chính sách không thu học phí học tại cơ sở giáo dục ngoài công lập khi xảy ra thiên tai theo mức học phí của chương trình đại trà tại các trường công lập trên cùng địa bàn.

Đối với những tác động của dịch bệnh covid-19, học sinh đã nghỉ học một thời gian dài. Do đó, dư luận đặt câu hỏi rằng liệu việc thu học phí của những trường tư thục, trường quốc tế sẽ được thực hiện ra sao và có nên có những thay đổi nhất định, phù hợp với tình hình thực tế? 

"Theo quy định thì học phí tại các trường tư thục, trường quốc tế là do thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh và hiện nay dịch bệnh cũng không phải là trường hợp quy định không thu học phí. Do đó, về nguyên tắc đối với các trường ngoài công lập không có nội dung trong quy chế, nội quy hay thỏa thuận, cam kết về việc hoàn trả học phí khi học sinh nghỉ học thì phụ huynh học sinh có thể vẫn phải đóng học phí như bình thường.", luật sư Cường chia sẻ.

Nếu không thống nhất được vấn đề học phí, phụ huynh có thể kiện trường quốc tế ra tòa - Ảnh 2.

Phụ huynh tập trung giơ tờ rơi trước cổng Trường Quốc tế Singapore (quận Ba Đình, Hà Nội), yêu cầu cơ sở giáo dục này trả lại tiền học phí trong thời gian con em họ nghỉ dịch Covid-19

Đối với các trường ngoài công lập mà giữa nhà trường và phụ huynh có thỏa thuận rõ ràng về học phí dựa trên số ngày thực tế đi học của học sinh (trừ lễ, tết) thì khi học sinh nghỉ học, nhà trường vẫn chỉ được thu học phí ở mức đã thỏa thuận giữ hai bên hoặc miễn, giảm học phí cho học sinh theo thỏa thuận. Song theo luật sư Cường, các cơ sở giáo dục ngoài công lập cần thỏa thuận với phụ huynh các khoản thu phát sinh phù hợp tình hình thực tế, đảm bảo tính công khai và được sự đồng thuận của phụ huynh.

Đối với chương trình học online và dịch vụ hỗ trợ hướng dẫn học trong thời gian nghỉ dịch thì đây là dịch vụ phát sinh ngoài chương trình chính khóa, thường thì phụ huynh và nhà trường sẽ tự thỏa thuận về chương trình hỗ trợ này và mức thu học phí thêm nếu có. Nhà trường phải căn cứ nội dung, khối lượng công việc để xây dựng tính toán mức thu hợp lý, thu đủ bù chi cho các dịch vụ hỗ trợ và công khai khoản thu thêm này.

Bởi, hiện nay chúng ta chỉ quy định việc thu học phí các chương trình đào tạo chính khóa. Đối với các chương trình bổ trợ khác như củng cố kiến thức qua online..., thì việc quy định mức thu cho các loại hình bổ trợ này là thỏa thuận tham gia và đóng chi phí giữa nhà trường và gia đình học sinh. Do đây là dịch vụ thỏa thuận, nên việc thu hay không tùy thuộc vào các trường và phụ huynh thỏa thuận với nhau, trên cơ sở có chi phí hợp lý nhất để triển khai các dịch vụ này, tránh tình trạng học sinh nghỉ học quá dài không được cập nhật, củng cố kiến thức. Và các trường phải có nghĩa vụ thông báo công khai và thỏa thuận với phụ huynh học sinh trước khi triển khai. Nếu như nhà trường tự ý thu học phí học trực tuyến mà không có sự thỏa thuận với phụ huynh về học phí online, cũng không có sự giải thích về khoản tiền học phí đã đóng trong thời gian học sinh nghỉ dịch thì không phù hợp, dễ nhận các phản ứng trái chiều.

Phụ huynh có thể khởi kiện trường ra tòa nếu không được giải quyết thỏa đáng

Bên cạnh đó thì ngày 11/5, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước về việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực GD-ĐT năm học 2019-2020, 2020-2021 và chỉ đạo điều hành giá. Theo Bộ GD-ĐT, trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19, việc thực hiện các khoản thu đối với năm học 2019-2020 phải bảo đảm các nguyên tắc, công khai, minh bạch và thoả thuận thu trên cơ sở triển khai thực tế công tác dạy học.

Đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, trong thời gian học sinh, sinh viên nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh, nếu không tổ chức học trực tuyến thì sẽ không được thu học phí và các khoản thu hộ, chi hộ. Nếu đã thu, sẽ thực hiện thanh toán bù trừ khi học sinh đi học trở lại và thanh quyết toán vào cuối năm học với phụ huynh học sinh. Nếu tổ chức học trực tuyến, các cơ sở căn cứ vào tình hình thực tế triển khai, các khoản chi phí phát sinh cần thiết để triển khai các hoạt động tổ chức dạy, thời gian thực tế học trực tuyến, các nội dung truyền tải qua dạy học trực tuyến, tỉ lệ hoàn thành chương trình học… để xác định mức thu hợp lý.

Nếu không thống nhất được vấn đề học phí, phụ huynh có thể kiện trường quốc tế ra tòa - Ảnh 3.

Trường Quốc tế Singapore đơn phương ra thông báo thu học phí trong thời gian học sinh nghỉ dịch, khi chưa trao đổi, thống nhất với phụ huynh học sinh vào ngày 8/5/2020

Mức thu sẽ trên nguyên tắc chia sẻ khó khăn chung giữa cơ sở giáo dục và phụ huynh học sinh, nhưng không được vượt quá mức thu, tổng thu cả năm học đã được cam kết, công khai từ đầu năm học. Đồng thời có chính sách giảm mức thu phù hợp với điều kiện của học sinh, sinh viên. Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các khoản thu, chi trong cơ sở giáo dục trên địa bàn; xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục trên địa bàn để xảy ra tình trạng thu sai quy định, lạm thu.

Đối với các trường ngoài công lập mà phụ huynh không đồng ý với mức thu học phí của nhà trường thời gian nghỉ dịch thì có thể có ý kiến, văn bản đề nghị, kiến nghị với Nhà trường làm rõ các khoản thu chi và công khai mức thu phù hợp với tình hình, điều kiện học tập của học sinh. Từ đó, hai bên có thể thỏa thuận một mức thu học phí hợp lý trong bối cảnh dịch bệnh. Nếu hai bên không thỏa thuận được thì phụ huynh có thể gửi đơn khiếu nại đến thanh tra giáo dục. Nếu việc giải quyết chưa thỏa đáng thì phụ huynh có thể khởi kiện nhà trường ra tòa án.

Nếu không thống nhất được vấn đề học phí, phụ huynh có thể kiện trường quốc tế ra tòa - Ảnh 4.

Phụ huynh học sinh bức xúc chia sẻ với báo chí việc Trường Quốc tế Singapore thông báo thu học phí trực tuyến

Vì mức thu học phí của trường ngoài công lập là trên nguyên tắc thỏa thuận với phụ huynh, do đó, khi thụ lý đơn khởi kiện thì Tòa án sẽ căn cứ vào các văn bản thỏa thuận về khóa học giữa hai bên và thỏa thuận về mức thu học phí cũng như thỏa thuận về miễn, giảm, hoàn trả học phí trong trường hợp bất khả kháng hoặc trường hợp đặc biệt khác,.. cũng xem xét đến quyền, nghĩa vụ cụ thể của hai bên.

Trường hợp hai bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì Tòa án sẽ yêu cầu nhà trường giải trình tổng chi phí bao gồm tiền lương trả cho giáo viên, cán bộ nhân viên; tài liệu; phần mềm; chi phí duy trì hoạt động tối thiểu về cơ sở vật chất như thuê mặt bằng, điện, nước, đường truyền và các chi phí hợp lý khác... chia trên số học sinh để có mức phí phù hợp nhất.

"Trước khi sự việc đi quá xa, thiết nghĩ Nhà trường và phụ huynh nên thiện chí phối hợp thỏa thuận về mức thu học phí thời gian nghỉ dịch của học sinh để hai bên đi đến sự thống nhất, hài hòa quyền lợi của đôi bên.", luật sư Cường bày tỏ quan điểm về vụ việc.

Trước đó, ngày 11/5, gần 10 phụ huynh bất bình vì việc Trường Quốc tế Singapore (quận Ba Đình, Hà Nội) ra thông báo thu học phí trực tuyến trong thời gian con em họ nghỉ phòng dịch Covid-19 và không hồi đáp những câu hỏi của họ qua thư điện tử và qua số điện thoại đường dây nóng của nhà trường trong thời gian qua, nên đã tập trung trước cổng trường yêu cầu cơ sở giáo dục này gặp mặt, tổ chức đối thoại làm rõ vấn đề này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm