'Ngả mũ' trước công nghệ điều khiển đồ vật bằng ý nghĩ của người phụ nữ gốc Việt

07/02/2019 - 13:55
“Mẹ giúp tôi hình thành nhân cách từ nhỏ. Mẹ là người rất cứng rắn, đầy nghị lực và cực kỳ thương con cái, chú trọng đến việc giáo dục con cái để trở thành những người có trách nhiệm trong xã hội”.

Người phụ nữ Úc gốc Việt Lê Thị Thái Tần, nhà sáng lập và CEO của Công ty Emotiv, chuyên sản xuất thiết bị đọc sóng não, chia sẻ.

 

Dùng suy nghĩ để điều khiển đồ vật mà không cần dùng bất kỳ một động tác hay lời nói nào - đó chính là thiết bị đo điện não đồ Emotiv Insight (gọi tắt là EEG) – một phát minh công nghệ khiến cả thế giới phải “ngả mũ”. Và điều đặc biệt, thiết bị này do một người Úc gốc Việt phát minh ra – chị Lê Thị Thái Tần, hay còn gọi là Tần Lê (sinh năm 1977).

tan-le1.jpg
Người phụ nữ Úc gốc Việt Lê Thị Thái Tần, nhà sáng lập và CEO của Công ty Emotiv, chuyên sản xuất thiết bị đọc sóng não

 

Chị Tần Lê cho biết: Trong cấu trúc não bộ của con người, các tế bào thần kinh sẽ tương tác với nhau và phát triển xung điện. Thiết bị này sẽ ghi lại những thay đổi của sóng điện từ phát ra từ não bộ. Chức năng của nó giống như chiếc máy điện não đồ mà các bạn thường thấy ở bệnh viện nhưng chúng được cải tiến hơn, giúp người dùng có thể theo dõi hoạt động não bộ của mình ở mọi lúc, mọi nơi mà không cần đến những người có chuyên môn hỗ trợ.

 

Người bình thường có thể sử dụng thiết bị trong học tập, theo dõi sức khỏe tinh thần và thể chất của người thân trong gia đình. Và điều quan trọng, chúng ta có thể phân tích các tín hiệu từ não rồi diễn giải suy nghĩ của con người. “Công nghệ lúc nào cũng thú vị, tuy nhiên, nó phải có ý nghĩa với cuộc sống của con người”, chị Tần Lê nhấn mạnh.

 

Con đường thành công không trải... hoa hồng

 

Cơ duyên để Tần Lê đến với công nghệ thật tình cờ. Và con đường dẫn đến thành công của Tần Lê ngày hôm nay cũng không được trải bằng... hoa hồng. Tốt nghiệp đại học, Tần Lê trở thành luật sư ở hãng luật lớn tại Úc nhưng chị không thấy hài lòng với công việc mình đang làm.

tan-le-va-me-ben-buc-chan-dung-cua-ba.jpg
Lê Thị Thái Tần và mẹ bên bức chân dung của mẹ

 

Trên trang CNBC, bà Mai Ho, mẹ của Tần Lê, cho biết: “Khi còn nhỏ, nó luôn mơ về việc có thể di chuyển đồ vật chỉ bằng việc suy nghĩ. Lúc đó nó mới 8 hay 9 tuổi gì đó”.

 

Với suy nghĩ, công nghệ là cách thay đổi thế giới đã thôi thúc Tần Lê nghiên cứu về công nghệ, dù đây không phải là chuyên ngành chị học tại đại học.

 

Chị chia sẻ: “Tình cờ tại một buổi tiệc tối, tôi và một vài người bạn bàn luận về khả năng phi thường của não bộ con người, về khả năng tiềm tàng của bộ não trong khi con người lại hiểu biết quá ít về nó. Tôi cứ suy nghĩ mãi về cuộc nói chuyện ấy và cảm thấy được truyền cảm hứng rất nhiều. Chúng tôi quyết định thành lập một công ty nghiên cứu tiềm năng não bộ bằng phương pháp điện não đồ. Dự án của chúng tôi đã được bắt đầu như vậy”.

 

Cuối năm 2003, Tần Lê cùng 3 người bạn đến Thung lũng Silicon (Mỹ) thành lập Công ty Emotiv System với khát vọng cho ra đời những sản phẩm điều khiển mọi thứ bằng suy nghĩ và cảm xúc của con người. Sau 7 năm nghiên cứu, sản phẩm đầu tiên Emotiv EPOC đã ra đời. Hiện nay, ngoài trụ sở đặt tại Thung lũng Silicon ở San Francisco, Mỹ, Công ty Emotiv của chị còn hoạt động tại Úc, Hong Kong (Trung Quốc) và Việt Nam...

 

Nhớ lại những năm tháng khởi nghiệp đầy khó khăn, chị Tần Lê cho biết: “Chúng tôi đều là những người tiên phong trong lĩnh vực này khi mà tuổi đời còn rất trẻ. Chúng tôi không biết nên đi theo hướng nào và có nhiều câu hỏi cần phải giải đáp: Liệu chúng tôi có thể giải mã vô số các xung điện quan sát được trên bề mặt hộp sọ không? Làm sao để chế tạo ra một thiết bị với giá thành thấp hơn 100 lần so với các thiết bị có chức năng tương tự nhưng vẫn đảm bảo chất lượng? Liệu mọi người có sẵn lòng mua thiết bị của chúng tôi?...

 

Sản phẩm của Emotiv ra đời vào đúng giai đoạn khủng hoảng tài chính ở Mỹ diễn ra trên diện rộng. “Đó là một thời khắc đen tối không chỉ với chúng tôi mà còn với các công ty khác trên thế giới, nhất là những doanh nghiệp quy mô nhỏ”, chị Tần Lê nhớ lại.

 

Hoàn cảnh khó khăn từ lúc nhỏ đã giúp chị trở nên mạnh mẽ như bây giờ. “Bởi vì chưa bao giờ thực sự sống trong cảnh no đủ nên bạn cũng không bị ràng buộc lắm bởi vùng an toàn của bản thân. Do vậy, bạn cảm thấy khá thoải mái để vượt ra khỏi vùng an toàn của mình để tìm kiếm những cơ hội mới. Đó chính là yếu tố giúp tôi trở nên mạnh mẽ đến như vậy, mặc dù tôi đã trải qua giai đoạn đó cực kỳ khó khăn”.

 

Nghị lực trên đất Úc

 

Tần Lê và gia đình đến Úc năm 1981. Họ sống tại khu Midway ở Maribyrnong, vùng ngoại ô Melbourne. Khi Tần 11 tuổi, cô gặp phải sự kỳ thị của bạn bè ở trường vì sự khác biệt của mình. “Những lúc bị hắt hủi như thế, tôi hay ôm mẹ và khóc. Rồi tôi chỉ biết vùi mình vào học tập. Trong mỗi giờ giải lao hay ăn trưa, tôi sẽ chạy thật nhanh vào thư viện”, Tần Lê nhớ lại.

tan-le2.jpg
Cô gái gốc Việt ấy đã đạt kết quả học tập xuất sắc trên đất Úc, liên tục “nhảy lớp”. 16 tuổi, cô có học bổng toàn phần tại trường Đại học Monas

 

Và cô gái gốc Việt ấy đã đạt kết quả học tập xuất sắc trên đất Úc, liên tục “nhảy lớp”. 16 tuổi, cô có học bổng toàn phần tại trường Đại học Monas, rồi tốt nghiệp loại ưu ở 3 chuyên ngành: Luật, Thương mại và Kế toán.

 

Chị kể, mẹ chị là người rất cầu tiến. Đặt chân đến Úc, bà vừa lao động vất vả để kiếm tiền nuôi hai con nhỏ, chăm sóc mẹ già, vừa học thêm tiếng Anh trong các lớp buổi tối. Bà cũng là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được bầu làm Thị trưởng ở Maribyrnong, vùng ngoại ô của Melbourne. Bà quyết định học đại học khi tuổi không còn trẻ và đã học xong bằng cử nhân, thạc sĩ.

 

“Bà luôn nhắc nhở chúng tôi phải tôn trọng văn hóa, lịch sử dân tộc mình. Bà khuyến khích chúng tôi nói tiếng mẹ đẻ ở nhà. Chính thói quen ấy đã tạo nên một liên kết bền chặt giữa chúng tôi và quê hương nguồn cội”, chị Tần Lê chia sẻ.

 

Đến giờ, gia đình chị Tần Lê về Việt Nam thường xuyên hơn vì chị chọn quê hương là một trong những nơi xây dựng sự nghiệp, theo đuổi tầm nhìn. Lần nào về Việt Nam, chị và mẹ đều thích được ghé các hàng quà vặt vì quá “nghiền” món ăn Việt.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm