“Ngại kết hôn”, “ngại sinh con” - bài toán dân số cần lời giải

An Khê
29/06/2023 - 12:25
“Ngại kết hôn”, “ngại sinh con” - bài toán dân số cần lời giải

Ảnh minh họa

Bên cạnh những địa phương có mức sinh cao thì hiện ở Việt Nam có nhiều tỉnh, thành phố có mức sinh thấp hơn mức sinh thay thế. Hiện tượng mức sinh thấp cũng là một vấn đề cần nghiên cứu và có giải pháp để đảm bảo sự ổn định của dân số, tránh những hệ lụy.

"Chỉ khi nào người dân cảm thấy muốn sinh và dám sinh…"

ThS. Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM cho rằng, hiện nay, xu hướng sinh ít con hoặc không sinh con đang diễn ra. Mức sinh thấp sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, làm cho quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh hơn, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng an sinh xã hội.

Thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM cho thấy, tỉ suất sinh của thành phố là 1,39 con/phụ nữ. Con số này tăng so với năm 2017 (1,35) nhưng lại giảm so với năm 2021 (1,48) và ở mức thấp so với mức sinh thay thế của cả nước hiện nay là 2,1 con/phụ nữ.

 TPHCM đang là 1 trong 21 tỉnh, thành có mức sinh thấp nhất cả nước, cùng với Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kiên Giang.

Góc nhìn đa chiều về xu hướng “ngại kết hôn”,  “ngại sinh con”  - Ảnh 1.

Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM Phạm Chánh Trung

Theo ông Phạm Chánh Trung, nếu tiếp cận ở góc độ dân số học thì việc sinh không đủ hai con và không sinh con sẽ dẫn đến mức sinh nằm dưới mức sinh thay thế hay có thể gọi là mức sinh thấp. 

Về lâu dài mức sinh này dẫn đến tốc độ già hóa dân số được đẩy nhanh, nguồn dân số trẻ bị thiếu hụt và dẫn đến tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động trong tương lai. Quá trình già hóa dân số nhanh sẽ dẫn đến áp lực lên hệ thống an sinh xã hội vốn chưa kịp thích ứng với đặc thù cơ cấu dân số già, về tất cả mọi mặt: y tế, kinh tế-xã hội, hạ tầng dịch vụ dành cho người cao tuổi và lại đối mặt với sự thiếu hụt trầm trọng lực lượng lao động. 

"Việc thích ứng với mức sinh thấp là một vấn đề cần có sự tham gia đóng góp ý kiến của nhiều bên liên quan mà quan trọng nhất là cần phải xuất phát từ nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của người dân cũng như sự hỗ trợ của toàn xã hội cho việc chăm sóc con cái của các cặp vợ chồng. 

Hiện nay, các giải pháp đề xuất của nhiều chuyên gia nghiên cứu là tập trung vào việc hỗ trợ toàn diện cho các cặp vợ chồng an tâm sinh con và nuôi dạy con như: Hoàn thiện hệ thống chăm sóc y tế - giáo dục, miễn giảm học phí, thay đổi hình thức - thời gian trông trẻ mầm non - mẫu giáo, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, điều chỉnh chế độ nghỉ thai sản… 

Chỉ khi nào người dân cảm thấy đồng thời muốn sinh và dám sinh thì bài toán mức sinh thấp mới được giải quyết", ThS. Phạm Chánh Trung thông tin.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM, khi xem xét xu hướng sinh ít con hoặc không sinh con, nên tiếp cận ở nhiều góc độ để có thể có những lý giải cũng như giải pháp phù hợp. 

Hiện nay, nhà nước đang đi những bước đi thận trọng trong việc điều chỉnh mức sinh dựa trên việc quan sát kinh nghiệm của các nước trên thế giới và dựa trên ý kiến đóng góp của chuyên gia, người dân phản hồi qua nhiều kênh truyền thông.

Hai "mảnh ghép" quan trọng

Chuyên gia tâm lý Bùi Thu Hiền, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ giáo dục, cho rằng, tại Việt Nam, có một số lý do khiến nhiều cặp vợ chồng không muốn sinh con hoặc chỉ sinh 1 con. 

Thứ nhất, do hệ tư tưởng thay đổi. Ngày trước, quan niệm sinh con để có thêm người lao động hoặc để nương tựa tuổi già thì ngày nay tư tưởng này đã khác.

Thứ hai là áp lực từ cuộc sống hiện tại như tài chính chưa đủ để sẵn sàng chăm con.

Thứ ba, đến từ một tổn thương trong quá khứ hoặc do đơn thuần không thích trẻ con, thấy trẻ con rất phiền nhiễu, làm ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại của mình.

Góc nhìn đa chiều về xu hướng “ngại kết hôn”,  “ngại sinh con”  - Ảnh 2.

Chuyên gia Trần Hoàng Hà

Chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này, thạc sĩ, chuyên gia Trần Hoàng Hà cho biết: "Theo tôi để kết hôn và sinh con trong thời đại này, bất cứ ai cũng cần 2 mảnh ghép quan trọng: Tâm lý vững vàng và tự chủ tài chính. 

Ở khía cạnh tâm lý, tôi nhận thấy nội dung "rác" và tiêu cực ảnh hưởng khá nhiều tới tâm lý của các bạn trẻ ngày nay. Ví dụ, những vụ đánh ghen, ngoại tình có thể khiến nhiều bạn trẻ nghi ngờ về giá trị vững bền của tình yêu và hôn nhân. 

Ngược lại, khi có 1 nội dung đăng tải hình ảnh hai cụ già nắm tay nhau ở tuổi 70, tôi thấy nhiều bạn trẻ đã tag người yêu vào bài viết để cùng đặt mục tiêu cho hôn nhân tương lai. Tôi mong rằng, trong thời gian tới, cần quản lý chặt chẽ những nội dung "rác", tiêu cực, tăng cường nội dung tích cực để các bạn trẻ có niềm tin hơn về tình yêu và hôn nhân. 

Ở khía cạnh thứ hai, khi người trẻ tự chủ về tài chính, họ sẽ tự tin gây dựng sự nghiệp và yên tâm hơn để bước vào cuộc hôn nhân. Theo tôi, bản thân mỗi người phải chuẩn bị tài chính cho mình, trước khi chờ đợi một khoản trợ cấp từ Chính phủ hay phía gia đình".

Ý kiến người trong cuộc


"Tôi không sốt ruột chuyện kết hôn"

Nguyễn Minh Trang, 27 tuổi, tại Hà Nội

Đối với tôi, lựa chọn kết hôn hay sinh con là quyết định của mỗi cá nhân, kể cả khi đã bước vào hôn nhân, nếu người vợ không muốn sinh con, thì những người xung quanh cũng cần tôn trọng quyết định của cô ấy. Việc ngại kết hôn, sinh con trong bối cảnh xã hội hiện tại cũng không có gì khó hiểu khi áp lực về chi phí sinh hoạt, nhà cửa ngày càng tăng. Các giá trị mà thế hệ trẻ bây giờ theo đuổi cũng khác xưa. Ví dụ, những thế hệ trước coi việc yên bề gia thất là tiêu chuẩn để được coi là trưởng thành, là thực hiện nghĩa vụ với gia đình thì nay nhiều người trẻ lại có quan điểm khác. Cá nhân tôi chưa từng có kế hoạch kết hôn và sinh con nên không cảm thấy sốt ruột. Mẹ tôi cũng có gợi ý vấn đề này vài lần nhưng khi đã rõ quan điểm của tôi thì mẹ lại ủng hộ lựa chọn của tôi. Mẹ nói với tôi rằng, việc có lấy chồng, sinh con hay không, không quan trọng, bởi chỉ cần tôi hạnh phúc với lựa chọn của mình, mẹ sẽ ủng hộ tôi. Mẹ luôn nhấn mạnh với tôi rằng điều quan trọng nhất là phải tự chăm sóc và yêu thương bản thân.

Chủ động lựa chọn hôn nhân không con cái

Cách đây 3 năm, chị Hồ Vân Như, một giáo viên dạy âm nhạc tại Hà Nội quyết định kết hôn với một giáo viên thể dục. Gia đình hai bên nội ngoại luôn mong ngóng "tin vui" từ vợ chồng chị. Thế nhưng đã 3 năm trôi qua, hai vợ chồng vẫn giữ nếp sống như "còn son", nghỉ hè thì đi du lịch, không mảy may sốt ruột chuyện con cái. Khi được hỏi tại sao chưa sinh con? Phải chăng có điều gì "khó nói", chị Vân Như cho biết, vợ chồng chị đã chủ động lên kế hoạch cho cuộc hôn nhân không con cái. Họ muốn một cuộc sống chỉ có hai người, cùng nhau hưởng thụ cuộc sống lứa đôi không vướng bận. Vừa lo cho bản thân vừa lo cho con cái một cách chật vật không phải là cuộc sống mà vợ chồng Vân Như lựa chọn.

"Chỉ cần con hạnh phúc"

Chị Trần Tú Quyên (Đà Nẵng)

Vợ chồng con trai tôi đã có một bé gái hơn 3 tuổi và chưa có ý định sinh thêm con. Tôi chưa từng gây áp lực với các con là phải sinh thêm con hay nhất định phải sinh con trai. Với tôi, trách nhiệm của người lớn trong gia đình đối với một đứa trẻ rất quan trọng. Người lớn phải làm gương, sống có đạo đức và có trách nhiệm với con, với xã hội, chứ không quan trọng số lượng con trong một gia đình là bao nhiêu. Chỉ cần nhìn thấy cuộc sống của các con hạnh phúc là cha mẹ mãn nguyện rồi.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm