Nghĩ mới trong Ngày gia đình Việt Nam

Hoàng Anh Tú
28/06/2023 - 08:43
Chúng ta đang sống trong năm 2023, nơi mà có Chat GPT có thể soạn cho chúng ta một vạn tám ngàn định nghĩa về gia đình. Big Data (dữ liệu lớn) có thể xuất cho chúng ta thấy hàng triệu mô hình gia đình hạnh phúc khác nhau. Thế giới đã chạm mốc 8 tỷ người và tạo ra 8 tỷ quan niệm về gia đình khác nhau.

Gia đình nay đã khác

Khái niệm gia đình hạnh phúc của thuở trước chỉ xoay quanh cơm ăn áo mặc. Là người đàn ông đi kiếm tiền để nuôi gia đình, người phụ nữ chăm lo cơm nước, con cái, nếu có thì cũng chỉ buôn thúng bán mẹt hỗ trợ tài chính. Cả đến thập niên 90 của thiên niên kỷ trước, gia đình dù đã được định danh là "tế bào của xã hội" thì vẫn chỉ giản đơn là một mái nhà thuận hòa.

Ngày 28/6 hàng năm được chọn làm Ngày Gia đình Việt Nam. Đây là ngày nhằm tôn vinh những giá trị tốt đẹp của gia đình, gìn giữ và phát huy ý nghĩa văn hóa, tinh thần đậm nét truyền thống Việt Nam.

Từ năm 2001, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định lấy ngày 28 tháng 6 hàng năm làm Ngày Gia đình Việt Nam. Trong Quyết định nêu rõ: "Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách của trẻ em. Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc là góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Nhưng chúng ta đang sống trong năm 2023, nơi mà có Chat GPT có thể soạn cho chúng ta một vạn tám ngàn định nghĩa về gia đình, Big Data có thể xuất cho chúng ta thấy hàng triệu mô hình gia đình hạnh phúc khác nhau. Thế giới đã chạm mốc 8 tỷ người và tạo ra 8 tỷ quan niệm về gia đình khác nhau. Thậm chí, đàn ông với đàn ông, phụ nữ với phụ nữ cũng đã có thể tạo thành một gia đình hạnh phúc không kém gì những gia đình khác. Ở nước ngoài, trong các mục "Chuyện lạ", có những người cưới búp bê, lập gia đình với người máy, kết hôn với sở thích hoặc những người mang giới tính thứ 4: Tự cưới chính bản thân mình, tự mình trở thành Gia Đình.

Nghĩ mới trong Ngày gia đình Việt Nam - Ảnh 1.

Gia đình đa thế hệ vẫn có chỗ đứng trong xã hội hiện đại.

Tôi nói vậy không phải là để phản bác lại định nghĩa Gia Đình trong các văn bản pháp lý truyền thống. Chỉ là để chúng ta thấy thế giới nay đã khác rồi. Việc làm sao để có một Gia Đình Hạnh Phúc không phải chỉ đàn ông đi kiếm tiền, phụ nữ làm nội trợ, con cái ngoan ngoãn nghe lời cha mẹ hay mẹ hiền- dâu thảo nữa. 

Nếu chúng ta chỉ nghĩ về Gia Đình theo cách nghĩ của các cụ, chúng ta sẽ chỉ sở hữu cái nhãn "người đã có gia đình" theo cách dán nó trên trán mình. Chúng ta sẽ không bao giờ có một Gia Đình đúng nghĩa một khi chúng ta vẫn tổ chức Gia Đình theo cách cũ: Chồng là trụ cột - Vợ là nóc nhà và Con cái là Món Nợ phải trả.

Nghĩ mới về gia đình

Trước khi viết bài này, tôi đã thử tìm kiếm trên thanh công cụ Google từ khóa "thế nào là một gia đình hạnh phúc". Tôi thấy nhiều chuyên gia xịn lẫn cả những chuyên gia tự phong nói về hạnh phúc gia đình, ai cũng giống nhau. Là hòa thuận, là lắng nghe, là chia sẻ, là tin cậy, là tôn trọng, là bảo vệ, là trách nhiệm… Đúng! Một gia đình muốn hạnh phúc quả thật cần những điều đó. Như vợ chồng hòa thuận thì mới cùng nhau "tát cạn được biển Đông". Như chồng biết lắng nghe thì vợ nào chả thích. Như hai vợ chồng chia sẻ trực tiếp được với nhau sẽ tốt hơn là chia sẻ lên mạng xã hội cho bàn dân thiên hạ đều biết. Như sự tin cậy sẽ giúp hôn nhân bền vững. Như sự tôn trọng sẽ giúp vợ chồng đồng hành với nhau lâu dài được. Nhưng tất cả đều chỉ là nói thì dễ, làm được mới khó.

Tôi thì chỉ nghĩ đơn giản rằng: gia đình là một nơi chốn để ai cũng muốn trở về sau mỗi chuyến đi, dù chỉ là rời khỏi nhà phút chốc hay chuyến công tác dài ngày. Là nơi mà người chồng không phải mang áp lực đàn ông, người vợ không bị đánh giá, phán xét về vai trò phụ nữ. Và cả những đứa trẻ của chúng ta nữa, chúng sẽ không phải tự tử hay tham gia đua xe, trở thành thủ phạm của những vụ bạo lực học đường. Một nơi chốn để trở về của mỗi thành viên trong gia đình ấy. Dù chỉ là gia đình hạt nhân hay gia đình 2 thế hệ, tam đại đồng đường hay tứ đại đồng đường. Là nơi chốn để trở về có khó lắm không?

Nghĩ mới trong Ngày gia đình Việt Nam - Ảnh 2.

Xuất hiện những hình thức gia đình mới như gia đình của cộng đồng LGBT

Tôi cũng nghĩ về trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi thành viên trong gia đình đó. Sẽ không ai là "trụ cột" hay "nóc nhà" theo cách mà các bạn trẻ bây giờ thích ví von. Bởi là "trụ cột" thì gánh nặng trĩu vai, là "nóc nhà" thì mưa nắng bạc mặt. Tôi muốn chúng ta nghĩ về việc cùng nhau như vậy. Là người chồng có thể kiếm tiền ít hơn vợ nhưng anh ta vẫn được coi là người đàn ông của gia đình, nơi vững chắc để vợ con dựa cậy. Là người vợ có thể chẳng bao giờ xuống bếp nhưng ngôi nhà vẫn cứ là Mái Ấm. Mẹ chồng cũng vậy, sao cứ phải bắt "yêu con dâu như con đẻ" thì mới được coi là mẹ chồng tốt? Đối xử với nhau như 2 người phụ nữ có được không? Nhất là 2 người phụ nữ đều đang cùng một tình yêu với người đàn ông chung của họ. Hay con cái cũng vậy, sao cứ phải nghe lời cha mẹ thì mới là con ngoan? Những đứa trẻ cũng có suy nghĩ và chính kiến riêng của chúng chứ, đúng không? Trách nhiệm chia đều tới mỗi người, nghĩa vụ của ai người nấy làm cho tốt đi. Là chúng ta sẽ cùng nhau chung tay với Gia Đình này thay vì thiên lệch cho cha hay nghiêng hẳn về phía mẹ.

Tôi vẫn nói với bạn đọc của tôi rằng: Vất vả không làm nên yêu thương. Dù chúng ta đều hay nói với nhau rằng không có đâu những thứ gọi là việc nhẹ lương cao cũng như nuôi con đương nhiên là vất vả, kiếm tiền đương nhiên là vất vả, làm vợ để hài lòng mẹ chồng đương nhiên là vất vả, làm chồng để nhận được nụ cười mãn nguyện của vợ đương nhiên là vất vả. Nhưng vất vả không làm nên yêu thương. Bạn không thể đem sự vất vả của mình ra để bắt con cái phải yêu cha mẹ được. Bạn càng không thể lấy sự vất vả của mình ra để bắt bạn đời của mình phải hiểu và thông cảm cho mình được. Nó giống như một cuộc đổi chác vậy. Kiểu tôi đã hy sinh thế này thì đối phương phải thế kia. Gia Đình không phải được tạo nên từ sự vất vả của bất cứ ai cả. Gia Đình là nơi mà mọi vất vả đều không còn nữa khi mọi thành viên trở về bên nhau. Hiểu được lý lẽ đó, tôi tin, chúng ta mới thực sự đang có một Gia Đình.

Nghĩ mới trong Ngày gia đình Việt Nam - Ảnh 3.

Làm mẹ đơn thân cũng là hình thức gia đình có những phụ nữ lựa chọn

 

Gia đình Việt Nam cần thêm điều gì?

Bắt đầu từ năm 2001, ngày 28/6 hằng năm đã trở thành Ngày Gia Đình Việt Nam. 22 năm qua, chúng ta vẫn tổ chức ngày đó theo cái cách quen thuộc: Đề cao giá trị Gia Đình. Đó thực sự là những điều nên làm, cần làm. Vì chúng ta cần một ngày trong năm để tôn vinh và nhắc nhở nhau. Nhưng giá như nó đừng chỉ dừng lại ở 1 ngày. Giá như nó sẽ chỉ là ngày để chúng ta tổng kết lại chặng đường từ 29/6 năm trước đến 27/6 năm nay, Gia Đình chúng ta đã làm được thêm những điều tốt đẹp gì? Là chúng ta cần sửa chữa lại điều gì để Gia Đình chúng ta được tốt hơn vào năm kế tiếp?

Tôi vẫn nghĩ rằng, việc chúng ta tổ chức thế nào cho Gia Đình của chính mình mới là thứ chúng ta đau đáu. Là mỗi ngày chúng ta đều muốn mang về Gia Đình mình một người chồng tốt hơn hôm qua, một người vợ tốt hơn hôm qua, những người con tốt hơn hôm qua. Cuộc sống chỉ có những điều tốt hơn chứ không có điều tốt nhất mà, đúng không? Là mỗi chúng ta đều biến ý nghĩ về Gia Đình thường trực trong đầu. Để không cần cố gắng trở thành người cha biết tuốt hay người mẹ hoàn hảo, "anh chồng quốc dân" hay "cô vợ tuyệt vời" mà chúng ta chỉ cần đem những thứ tốt đẹp trong chính mình đóng góp vào Gia Đình nhỏ này. Để con học từ cha, từ mẹ điều tốt đẹp. Để cháu học từ ông, bà điều tử tế. Để chính chúng ta học từ những điều tốt đẹp mà chúng ta nghĩ về nhau.

Chỉ cần là như thế, tôi tin, Gia Đình của chúng ta sẽ trở thành nơi hội tụ của tất thảy những điều tốt đẹp nhất trên thế gian này. Đúng không?

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm