Nếu nhìn bề ngoài, ai cũng thấy đôi ấy cực kỳ hạnh phúc. Ở chốn đông người, họ dính như sam, chồng đâu vợ đó, nói cười ríu rít thân mật và luôn có thái độ quan tâm với nhau. Mỗi lần nói về vợ/chồng, họ không ngừng ca ngợi “nửa kia” bằng những lời tốt đẹp. Tuy nhiên... phía sau hạnh phúc ấy, chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu. Họ có những nỗi niềm khó sẻ chia, tâm sự với bạn bè để tìm cách giải quyết vấn đề theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Chị bạn tôi, trước đây bất chấp lời khuyên can của gia đình, người thân, chị quyết đi theo “tiếng gọi của trái tim”, phải cưới anh ấy cho bằng được. Nhưng rồi, đến khi chung sống, chị mới biết đã mắc phải sai lầm khó có cơ hội sửa chữa.
Người đầu gối tay ấp ấy không như chị tưởng, bởi hễ có chút men là anh biến thành người khác. Anh ta thô lỗ, dễ dàng nổi nóng và luôn thể hiện “bản lĩnh đàn ông” bằng cách cho vợ “knock out” như võ sĩ trên võ đài. Bây giờ phải thú nhận sai lầm, kể lể với người thân ư? Như thế khác nào tự bôi xấu mặt mình. Vì vậy, chị chọn cách... khoe: “Chồng tớ là số 1. Anh ấy chăm sóc vợ con kỹ lắm. Này nhá, vợ ốm, con đau một chút, chỉ mới nhức đầu sổ mũi là đã ảnh quýnh quáng cả lên. Mọi thứ sắm sửa trong nhà cũng một tay anh ấy lo liệu”.
Nói vậy nhưng ai biết những vết bầm, vết xước do chồng gây ra đang nhói đau, hành hạ chị mỗi ngày? Một khi đã “đóng kịch” đang sống trong hoàn cảnh “trên cả tuyệt vời” thì người ta khó có thể giải tỏa được những uẩn ức, buồn chán, đau khổ chất chứa trong lòng từ ngày nay qua tháng nọ. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, sự chịu đựng lặng lẽ, cam chịu ấy dần dần sẽ dẫn đến thay đổi tiêu cực về tâm lý.
Phải cười gượng, phải che dấu đi tâm sự thực của mình sẽ khiến cho bản thân mệt mỏi (Ảnh minh họa)
Thật không thể ngờ, ngày nọ cả khu phố của tôi nhốn nháo, ai nấy kinh ngạc khi hay tin chị Xuân - một người lâu nay có tiếng hiền lành, nết na, chịu thương chịu khó, xởi lởi điềm đạm với bà con chòm xóm - lại có thể cắt phéng “cậu nhỏ” của chồng. Lúc ra tòa, chị mới sụt sùi kể rõ sự tình. Thiên hạ ồ lên vì hóa ra, lâu nay, chị đã chịu đựng quá nhiều thói hư tật xấu của chồng. Sự việc tệ hại này, có thể đã không xảy ra nếu trước đó chị Xuân tâm tình với bạn bè, anh chị em và tìm cách tháo gỡ!
Anh Dũng, bạn tôi, sau nhiều năm “gà trống nuôi con”, ai cũng mừng cho anh đã có được người đẹp. Điều này thì rõ ràng rồi, bởi cô chân dài, môi mọng. Đã thế, cô còn là giám đốc, chủ doanh nghiệp đang ăn nên làm ra.
Anh hãnh diện giới thiệu với bạn bè và luôn tỏ ra đắc ý. Bẵng đi một thời gian dài, mọi người ngạc nhiên khi hay tin anh nợ nần tứ tung, thậm chí còn trốn nợ, lánh mặt bạn bè. Sau này, Dũng kể do vợ mê cờ bạc quá cỡ thợ mộc. Mà đã nhiều lần khen ngợi, nói tốt về vợ như một cách “làm sang” cho mình nên trước tình huống đó, anh giấu biệt, “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Cũng có trường hợp chưa đến nỗi “bi đát” đến thế nhưng rồi, cưới một người vợ có sở thích ham chưng diện, mua sắm vô tội vạ cũng là nổi khổ. Lương tháng ba cọc ba đồng, không đủ chi tiêu trong nhà nhưng lúc cao hứng lên, cô vợ có thể mua về cái váy, cái túi xách hàng hiệu; hoặc thỉnh thoảng đòi vào nhà hàng, đi nghỉ mát ở resort khiến chồng hoa cả mắt. Ngược lại, cũng có những đàn ông ném tiền vô tội vạ trong các cuộc bù khú, cung phụng “mèo mỡ”, dù chi tiêu gia đình vẫn đang “thiếu trước hụt sau”.
Thật ra, trong đời sống vợ chồng, có những chuyện tự mình không thể giải quyết mà cần sự “trợ giúp” từ người thân, bạn bè. Những tiếng nói khách quan ấy, tác động ít nhiều, có thể “xoay chuyển tình thế”. Muốn vậy, không việc gì phải xấu hổ khi tâm tình, chia sẻ sự việc đang diễn ra như vốn có. Những thông tin xác thực này khiến người ngoài có thể nhận định rõ ràng và đưa ra lời khuyên cần thiết. Bằng không, tự mình cứ loay hoay trong sự rối rắm, bùng nhùng khó có thể tháo gỡ.
Chung sống với nhau là cả một chuỗi ngày lâu dài, do đó, sự vui sống, tin cậy, thật sự hài lòng về nhau là điều cực kỳ quan trọng. Nếu gặp sự việc không ưng ý mà chọn cách “ngậm bồ hòn” là tự mình chuốc lấy nỗi khổ tâm. Cách ấy, chỉ có tính nhất thời và không phải là “chìa khóa” giải quyết rắc rối.