pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ngăn chặn nguy cơ dịch chồng dịch
Nhân viên Trạm Y tế xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng, Hà Nội) tư vấn chăm sóc sức khỏe, phòng, chống sốt xuất huyết cho người dân. Ảnh: Nguyễn Thơ
Những con số báo động
Ngày 18/7/2024, ông Bùi Văn Trội (SN 1957), trú ở cụm 1 Đoài Khê, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Nội), bị sốt không rõ nguyên nhân. Ngày 19/7, trường hợp này được đội xung kích phòng, chống sốt xuất huyết của thôn phát hiện, ghi nhận, báo cho Trạm y tế xã để tư vấn sức khỏe.
Ngày 23/7, tiểu cầu của ông Trội ghi nhận giảm ở mức gần đông đặc máu. Ông Trội bị sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo và được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Đây là một trong những trường hợp may mắn được cấp cứu y tế sớm.
Nói về mức độ nguy hiểm của bệnh, bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết, vừa qua, bệnh viện ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Đó là một sinh viên có biểu hiện sốt cao 3-4 ngày, điều trị tại nhà và có bạn chăm sóc. Sau khi bệnh nhân hạ sốt, người chăm sóc đi học thì bệnh nhân ở nhà xuất hiện tình trạng sốc. Lúc phát hiện, đưa đi viện thì đã quá muộn.
Theo Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết trong 2 tuần đầu tháng 7/2024 trên địa bàn thành phố tăng so với tháng 6. Nếu như trong tháng 6/2024, trung bình mỗi tuần Hà Nội ghi nhận 30-80 ca thì đến đầu tháng 7 tăng lên 100-120 ca/tuần; từ 1-2 ổ dịch/tuần, nay số ổ dịch mới tăng lên nhanh chóng.
Riêng trong tuần đầu tháng 7 đã có thêm 11 ổ dịch sốt xuất huyết tại 7 quận, huyện, gồm: Đan Phượng, Hà Đông, Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai, Nam Từ Liêm và Thạch Thất. Cùng đó, bệnh ho gà tiếp tục gia tăng, chủ yếu là ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc chưa được tiêm đầy đủ.
Trong 2 tuần đầu tháng 7/2024, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 23 ca mắc ho gà, nâng số ca mắc từ đầu năm 2024 đến nay lên 173 ca, trong khi cùng kỳ năm trước không có ca bệnh.
Tại TPHCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thông tin, từ ngày 15 đến 21/7/2024, Thành phố ghi nhận thêm 167 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Trong đó, các quận, huyện có số ca mắc cao nhất gồm: Quận 1, thành phố Thủ Đức và Quận 7.
Như vậy, tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 21/7 tại TPHCM là 4.599 ca. Hiện TPHCM đang vào mùa mưa, muỗi vằn sẽ phát triển mạnh và bệnh sốt xuất huyết gia tăng.
Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), sốt xuất huyết có nguy cơ lan rộng vào tháng cao điểm. Ở Hà Nội và miền Bắc, muỗi phát triển từ tháng 4 đến tháng 11-12. Mùa mưa tháng 7-8 là đỉnh điểm của sốt xuất huyết, có nóng, có mưa nhiều. Sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh.
"Sốt xuất huyết gia tăng không còn theo chu kỳ 3-5 năm như trước nữa. Xuất phát từ việc đô thị hoá, nhiều vật liệu thải không được dọn dẹp, sự đi lại giữa miền Nam, miền Bắc dễ dàng, dịch cũng dễ bùng phát từ tỉnh này sang tỉnh khác. Năm nay, có thể tăng cao vào các tháng 7, 8, 9 khi mùa mưa tới", ông Trần Đắc Phu cho biết.
PGS.TS. Trần Đắc Phu cho biết thêm, thời gian gần đây, xuất hiện bệnh ho gà ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp như vùng sâu, vùng xa. Còn ở thành phố và nông thôn xuất hiện ca bệnh do trẻ không được tiêm chủng hoặc một số trẻ mắc trước 2 tháng tuổi do mẹ không có miễn dịch truyền kháng thể cho con khi sinh (do mẹ chưa bị nhiễm ho gà hoặc mẹ không tiêm chủng phòng bệnh ho gà).
"Vấn đề ở đây chủ yếu là trẻ không được tiêm chủng đúng lịch, không tiêm chủng đầy đủ, không tiêm mũi nhắc lại theo lịch của Bộ Y tế đề ra. Với sốt xuất huyết vào mùa, nếu chúng ta không quyết liệt thì sẽ có nguy cơ lan rộng vào tháng cao điểm. Lúc đó, do các dịch bệnh xảy ra cùng một lúc sẽ khiến quá tải cho những người làm công tác phòng bệnh, cơ sở y tế điều trị", ông Trần Đắc Phu lo ngại.
Chủ động tiêm vaccine phòng dịch
Các chuyên gia y tế cảnh báo, điều lo ngại nhất ở bệnh nhân mắc sốt xuất huyết là tình trạng sốc. Nếu bệnh nhân được can thiệp tốt ngay từ khi có dấu hiệu cảnh báo chưa sốc thì phục hồi nhanh. Nếu không phát hiện sớm, để diễn biến sang dạng sốc thì tình trạng vô cùng xấu, tỷ lệ cứu sống không cao.
Theo bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, tại bệnh viện này mỗi ngày có khoảng 10-20 ca sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo được đưa vào viện. Lứa tuổi phổ biến là 5-15 tuổi, trường hợp nặng thường rơi vào độ tuổi 35-50 do đáp ứng miễn dịch có xu hướng phức tạp hơn.
Bên cạnh các biện pháp hạn chế lây lan dịch trong cộng đồng, bác sĩ Lê Văn Thiệu cho biết thêm, mới đây, vaccine sốt xuất huyết được Bộ Y tế phê duyệt để gia tăng biện pháp tiên tiến trong phòng ngừa sốt xuất huyết.
Tuy nhiên, người dân nên chủ động cùng với chính quyền phòng dịch để phòng sốt xuất huyết. Còn với bệnh ho gà thì cần thực hiện tiêm chủng và tiêm nhắc lại.
"Ho gà là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella gây ra, thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp với người mang vi khuẩn ho gà ở đường hô hấp dù có hay không có triệu chứng. Mọi lứa tuổi, giới, dân tộc, vùng địa lý đều có thể mắc bệnh. Trẻ càng nhỏ tuổi bệnh diễn biến càng nặng và có nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm", bác sĩ Lê Văn Thiệu lưu ý.
Tất cả người trưởng thành chưa từng tiêm vaccine có thành phần ho gà đều nên tiêm chủng, đặc biệt là các đối tượng người cao tuổi, người có bệnh nền, người chăm sóc chính hoặc tiếp xúc trực tiếp thường xuyên với trẻ chưa được tiêm chủng, nhân viên y tế... Nên tiêm nhắc lại 10 năm một lần để tăng cường khả năng miễn dịch.
+ Lưu ý của bệnh sốt xuất huyết: Theo bác sĩ Lê Văn Thiệu (Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương), có 5 dấu hiệu cảnh báo trở nặng cần đến ngay bệnh viện. Đó là:
- Cảm giác tự nhiên bồn chồn, kích thích vật vã hoặc li bì;
- Cảm giác buồn nôn tăng;
- Bỗng nhiên đau bụng hoặc tăng cảm giác đau;
- Đi tiểu ít, số lần đi ít hơn, số lượng giảm hơn;
- Chảy máu bất kỳ chỗ nào, từ chân răng đến chảy máu cam...
Khi đến bệnh viện, bác sĩ sẽ đánh giá thêm 3 dấu hiệu nữa, gồm: phù nề, tràn dịch; gan to; tiểu cầu giảm để thực hiện cứu chữa.
+ Lưu ý của bệnh ho gà:
Trẻ em thực hiện tiêm chủng bắt buộc theo lịch của Chương trình tiêm chủng mở rộng vào thời điểm trẻ 2-3-4 tháng tuổi và tiêm nhắc lại lúc trẻ 18 tháng.
Đối với trẻ vị thành niên, nên thực hiện tiêm chủng 1 mũi nhắc khi trẻ được 11-12 tuổi hoặc 10 năm kể từ liều tiêm cuối cùng của vaccine có thành phần ho gà để tăng cường khả năng miễn dịch.
Phụ nữ mang thai nên tiêm vaccine trong giai đoạn đầu của tam cá nguyệt thứ 3 của mỗi lần mang thai. Việc truyền kháng thể ho gà từ mẹ sang con qua nhau thai giúp bảo vệ chống lại bệnh ho gà trong giai đoạn đầu đời, trước khi trẻ sơ sinh đến tuổi tiêm chủng mũi cơ bản, bắt đầu từ 2 tháng tuổi.