Rất nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em thời gian gần đây khiến dư luận bức xúc khi việc xử lý diễn ra chậm và thiếu quyết liệt.
Nhiều đại biểu Quốc hội nêu lên những ý kiến gay gắt tại nghị trường nhưng cũng thừa nhận rằng, quá trình điều tra các hành vi dâm ô đối với trẻ em gặp không ít khó khăn do các quy định của pháp luật thiếu chặt chẽ.
ThS-bác sĩ tâm lý Nguyễn Lan Hải (TPHCM) mới đây chia sẻ câu chuyện về sự hoảng hốt của một phụ huynh phải cầu cứu đến bác sĩ khi con chị là nạn nhân của hành vi dâm ô.
Người mẹ đó kể, thỉnh thoảng vì công việc đột xuất, chị thuê một chú xe ôm quen để đón con từ trường về nhà. Con gái chị học lớp 7 về mách mẹ rằng, hôm nọ đang đi trời bỗng đổ mưa, chú xe ôm bảo con lên phía trước ngồi để 2 người che chung áo mưa khỏi ướt. Khi áo mưa đã trùm kín người, chú vòng tay quanh bụng con, kéo sát vào người mình để “giữ cháu cho chặt kẻo té”, lát sau lại kiếm cớ sờ đầu gối và đùi của con coi có bị hở ra không... Con rất ghét và sợ nhưng không biết làm sao, đành trân người chịu trận cho đến khi tới nhà.
Ở đâu đó, trong hàng vạn tình huống của cuộc sống này, vẫn diễn ra hành vi ghê tởm đáng lên án, đó là xâm hại tình dục trẻ em với nhiều hình thức khác nhau. Chị H.B (huyện Gia Lâm, Hà Nội) là người quen tác giả. Một lần hỏi nhờ tôi vài địa chỉ phòng khám của bác sĩ tâm lý uy tín để được tư vấn. Gặng hỏi mãi, chị đành kể, con gái học lớp 9 của chị trở nên trầm cảm, xa lánh tuyệt giao với mẹ, đi học về là sập cửa không chuyện trò cùng ai. Thấy bất thường, chị lo lắng nhưng không tìm được nguyên nhân. Cho đến một lần, bà trẻ của con chị đến chơi trò chuyện với cô bé thì mới biết sự thật động trời, rằng con chị bị chính người ông họ (bác ruột của mẹ) giở trò đồi bại. “Ông ta đè con tôi ra đòi sờ soạng, rất may lần đó cháu tháo chạy kịp thời. Cháu không dám hé môi với bất kỳ ai, kể cả với mẹ vì quá xấu hổ và bị ông dọa dẫm”, người mẹ này nức nở với tôi.
Luật pháp hãy đủ sức răn đe
Câu chuyện của bác sĩ Lan Hải hay chị H.B nói trên, chỉ là rất ít trong số những vụ việc dâm ô vẫn đang nằm trong bóng tối. Trong khi một số phụ huynh quá sợ hãi vì con mình bị ảnh hưởng và loay hoay không biết nên bắt đầu từ đâu, thì bản thân một số vụ việc đang trong quá trình xét xử, cho thấy nhiều bất cập.
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An - thừa nhận, khó khăn xuất phát từ việc khái niệm “dâm ô” trong luật giải thích không rõ. Theo ông, quy định về dâm ô trong luật hiện nay còn chung chung, rất khó xử lý. Đặc biệt trẻ em không thể mô tả lại được hành vi như người lớn. Khi hỏi lời khai của trẻ em phải có người giám hộ như cha, mẹ, cô giáo, hoặc tổ chức của phụ nữ, thanh niên. Đối với điều tra viên phải là người có kiến thức tâm sinh lý đối với trẻ em. “Hơn nữa, hành vi dâm ô trẻ em thường xảy ra ít người biết, chứng cứ rất ít, trong khi cơ quan điều tra muốn chứng minh tội phạm phải thu thập được chứng cứ thì mới xử lý được”, ông Cầu nhận định.
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, đang diễn ra, nhiều đại biểu cũng lên tiếng mạnh mẽ. Họ đặt vấn đề cần xem xét xử lý những đối tượng dâm ô với trẻ em với tội danh thật nghiêm khắc để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Về pháp lý, cần hướng tới sự hoàn thiện luật để bảo vệ trẻ em.
Ông Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - nhìn nhận, chính vì pháp luật quy định về hành vi dâm ô trẻ em còn nhiều “lỗ hổng” nên việc vào cuộc điều tra rất vất vả. Đơn cử, khái niệm “dâm ô” theo ông vẫn chưa được làm rõ trong Bộ luật Hình sự. “Bộ luật Hình sự quy định về hành vi dâm ô còn mờ nhạt, không cụ thể, không đưa ra khái niệm cụ thể về việc như thế nào là dâm ô. Do đó việc xử phạt tương ứng đối với tội danh đó chưa được xác lập, đang ở mức nhẹ”, ông Hạ nói.
Trước những bất cập trên, mới đây Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành dự thảo Nghị quyết hướng dẫn chi tiết việc xác định hành vi giao cấu, dâm ô trẻ em trong Bộ luật Hình sự. Theo đó, hành vi hôn vào những bộ phận, vùng nhạy cảm như bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông... trên cơ thể người dưới 16 tuổi mà không nhằm mục đích giao cấu sẽ thuộc vào tội dâm ô.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết đây là vấn đề cấp thiết để cụ thể hóa luật, cụ thể là Bộ luật Hình sự. “Lẽ ra khi xây dựng Bộ luật Hình sự, vấn đề trên được thảo luận kỹ hơn tại diễn đàn Quốc hội thì tốt. Theo kinh nghiệm của nhiều nước, ví dụ Mỹ, các nước châu Âu thì tất cả các hành vi liên quan đến dâm ô đều quy định ở ngay trong Luật hình sự chứ không phải hướng dẫn. Dự thảo này đang lấy ý kiến, trên cơ sở lắng nghe góp ý, chúng tôi sẽ hoàn thiện và sớm ban hành hướng dẫn, vì cơ bản là dự thảo đã đưa ra được nhiều gợi mở. Tuy nhiên, có những cái chưa được thuyết phục lắm, hoặc có khoảng trống còn phải bàn thêm”, ông Bình cho hay.
Người dân, trong đó có các bậc cha mẹ, mong mỏi hệ thống luật pháp sẽ ngày càng hoàn thiện hơn, để trở thành công cụ hữu hiệu, đủ sức nặng giúp họ chiến đấu với nạn ấu dâm, dâm ô trẻ em đang ngày càng nhức nhối.
* ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre): “Thời gian vừa qua xảy ra nhiều sự việc bạo hành, xâm hại tình dục học đường với trẻ em, làm cho các gia đình, con em hết sức lo lắng. Đây là vấn đề không hoàn toàn của riêng ngành giáo dục mà còn phải xem xét trách nhiệm của các bậc phụ huynh, gia đình, nhà trường và toàn xã hội, trong đó có cả trách nhiệm của chính quyền địa phương. Cá nhân tôi đề xuất Quốc hội phải có sự giám sát tối cao với vấn đề này. Bên cạnh đó, mỗi vị đại biểu Quốc hội cần phát huy, sử dụng quyền lực để giám sát chặt chẽ từng vụ việc ở nơi mình cư trú, công tác, nơi ứng cử”.
* ĐBQH Phan Nguyễn Như Khuê (Phó trưởng đoàn ĐBQH TPHCM): “Chúng tôi đã có kế hoạch giám sát chung về pháp luật để bảo vệ trẻ em. Đồng thời, chúng tôi cũng đã có văn bản đến Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Có nhiều vụ việc xâm hại trẻ em nhưng công tác thực thi pháp luật vẫn có nơi còn chưa đầy đủ. Chúng tôi sẽ kiến nghị, nếu được, Quốc hội phải có tiếng nói chung. Các đoàn ĐBQH đều lên tiếng mạnh mẽ về thực trạng xâm hại trẻ em đáng báo động, nhất là ở vùng xâu vùng xa. Thậm chí, tại khu vực đô thị có điều kiện, chất lượng cuộc sống cao vẫn có xảy ra. Đừng chờ đợi các bước điều tra hay tiếng nói của Hội Bảo vệ quyền trẻ em, thậm chí lời tố cáo của nạn nhân thì chúng ta mới vào cuộc. Quan trọng là quyết tâm thực thi pháp luật để bảo vệ trẻ em”.
* Bà Phạm Thị Minh Hiền (Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Phú Yên): “Đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu để tăng nặng hình thức xử phạt đối với những vụ việc sàm sỡ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, cơ thể của người khác nơi công cộng, đặc biệt là trẻ em. Cần có sự điều chỉnh, có thể tăng hình phạt gấp trên 10 lần hoặc nặng hơn nữa các vụ việc sàm sỡ, xâm hại tình dục. Đồng thời, cần phải làm rõ thế nào là hành vi dâm ô, hành vi tình dục khác”. |