Ông Vũ Anh Tuấn, Trưởng phòng dự báo khí tượng ngắn hạn, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, một bộ phận không khí lạnh mạnh đang di chuyển xuống phía Nam. Dự báo, khoảng chiều và đêm mai (23/3), bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc bộ (trong đó có Hà Nội) sau đó ảnh hưởng đến phía Tây Bắc bộ và các tỉnh ven biển Trung bộ.
Ở các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ từ ngày 24/3 trời chuyển rét. Gió mùa về sẽ chấm dứt tình trạng ẩm ướt, nồm kéo dài những ngày qua. Trong khi đó, khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ tiếp tục xảy ra nắng nóng trên diện rộng với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 – 37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Đợt nắng nóng ngày có khả năng kéo dài đến ngày 24/3.
Suốt gần 3 tuần qua, độ ẩm trong không khí khá cao, vượt mức 95%, không khí chứa đầy hơi nước khiến mọi vật trong gia đình ẩm ướt, nhà cửa có cảm giác không khô. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều dịch bệnh xuất hiện.
Trời nồm trẻ em nhập viện tăng cao |
Suốt gần 3 tuần qua, độ ẩm trong không khí khá cao, vượt mức 95%, không khí chứa đầy hơi nước khiến mọi vật trong gia đình ẩm ướt, nhà cửa có cảm giác không khô. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều dịch bệnh xuất hiện.
Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, thời tiết ẩm là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều bệnh, đặc biệt các mầm bệnh lây qua đường hô hấp dễ mắc hơn như cúm, cảm (do coronavirus, rhinovirus, myxovirus), sởi, thủy đậu… Ngay tại bệnh viện, số bệnh nhân nhập viện do cúm có dấu hiệu tăng. Hầu hết dạng bệnh mãn tính, bệnh liên quan đến đường hô hấp đều dễ trở nặng trong điều kiện thời tiết này, nhất là hen, viêm mũi dị ứng... nếu bệnh nhân lơ là, không kiểm soát bệnh tốt.
"Thời tiết nồm ẩm không chỉ khiến trẻ nhỏ dễ ốm, sức khỏe người lớn cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Các bệnh mãn tính như viêm mũi dị ứng, hen, lupus ban đỏ... chịu tác động của nhiều yếu tố trong đó có điều kiện môi trường. Việc tiếp xúc với độ ẩm cao khiến tình trạng viêm đang ủ trong người bị kích thích, bùng lên. Nếu bệnh nhân có sức đề kháng không tốt, không tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ trong việc kiểm soát bệnh thì tình trạng dễ diễn biến xấu thêm” Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp cho hay.
Đường phố ướt sũng do trời nồm |
Tại Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho hay, thời điểm này lượng trẻ em nhập viện vì các bệnh viêm đường hô hấp tăng cao so với bình thường, khoảng 15-20% (từ 150-180 trẻ khám mỗi ngày). Đây là “bệnh” đến hẹn lại lên mỗi khi thời tiết vào xuân, tuy nhiên khá nguy hiểm nếu gia đình không chăm sóc tốt cho trẻ.