Người mẹ có con nguy kịch trong BV Bạch Mai: “My ơi, con có nghe mẹ nói không?”

Chị Nguyễn Thị Hảo (39 tuổi, trú thôn Triều Lai, xã Thuận Thành, huyện Phổ Yên, Thái Nguyên) đã gần một tuần nay trực 24/24 ở Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) để theo dõi tình hình sức khỏe của con. Con chị tên đầy đủ là Phạm Huyền My (học sinh lớp 12A1, Trường THPT Phổ Yên), bị viêm cơ tim cấp, hiện bệnh tình của em đang ngàn cân treo sợi tóc. Những ngày này, các y bác sỹ đang nỗ lực hết mình để đem lại sự sống cho em.

Hành trình đầy nghị lực của mẹ đơn thân chăm con bệnh nặng

Đồng hành với các y bác sỹ trong cuộc chiến này, những ngày này chị Hảo không dám thuê trọ ở đâu, ngoài những lúc được vào thăm con. Thời gian còn lại, chị đều ở ngoài hành lang Khoa để nắm bắt bệnh tình của con, hoặc hễ như tình trạng của con nếu có chuyển biến xấu, bác sỹ cần chị có mặt để ký cam kết can thiệp cứu con thì chị sẽ có mặt ngay.

Bởi vậy khi đêm đến, dẫu hành lang bệnh viện lạnh, rất lạnh, chị Hảo cũng như bao người khác có người thân đang nguy kịch trong kia đều trải áo mưa ra hành lang bệnh viện nằm. Đôi mắt trũng sâu và đầy mệt mỏi của chị được nghỉ ngơi một lát. Ngày mai hoặc những giây phút tới đây... mọi sự có thể xảy đến, chị cần có sức khỏe để làm chỗ dựa cho con.

Chồng chị Hảo mất khi My đang còn trong bụng mẹ. Cũng như biết bao người phụ nữ khác khi chỗ dựa của mình mất đi, chị Hảo cũng suy sụp nhưng vì trong bụng chị giờ là máu mủ của anh. Anh mất, chị cần tiếp tục sống để làm chỗ dựa cho con.

Vì vậy suốt gần 18 năm qua, với đồng lương công nhân, chị đã cố gắng nuôi chị em My trưởng thành. Chia sẻ hành về hành trình này, chị Hảo tâm sự, mặc dù có những lúc ốm đau nhưng bản thân vẫn cố gắng gượng dậy ăn cơm. Nếu chị ốm phải nghỉ một ngày thì ngày đó không có lương, mà không có lương thì lấy tiền đâu để nuôi con.

Đáp lại tình thương của mẹ, My nhiều năm liền là học sinh giỏi. Tuy còn nhỏ nhưng em rất hiểu chuyện. Càng thương mẹ bao nhiêu, em càng dồn sức vào việc học bấy nhiêu. Em luôn cố gắng để mẹ được tự hào, để không ai nói mẹ không biết dạy em vì bố em đã mất. Cũng vì vậy mà, khác so với các bạn trong lớp, My rất ít đi học thêm. Em chủ yếu là tự học online trên mạng, vì đi học thêm nhiều sẽ tạo thêm gánh nặng cho mẹ.

Chia sẻ về học trò Phạm Huyền My, cô Nguyễn Thị Nga, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1 Trường THPT Phổ Yên, cho biết, "My là một học sinh rất tích cực trong các phong trào của lớp, của trường, phong trào Đoàn. My học rất giỏi, chăm chỉ, ngoan ngoãn, lúc nào em cũng đứng top 5 của lớp. vV là lớp chọn của trường nên My học giỏi cũng gần như là top 5 của trường. Trung bình phẩy của My năm nào cũng trên 8,8".

Ngày 8/3 của người mẹ đang có con nguy kịch trong Bạch Mai: “My ơi, con có nghe mẹ nói không?” - Ảnh 2.

Em Phạm Huyền My (phải) khi còn khỏe mạnh - ảnh chụp vào dịp Tết Canh Tý 2020

Trước khi lâm bệnh, My cũng đã từng chia sẻ với mẹ dự định của mình, "Con muốn học ngành marketing, truyền thông và quan hệ công chúng mẹ ạ!". Mọi dự định của em có lẽ chỉ vài tháng nữa sẽ thành hiện thực nếu như em không đột ngột bị viêm cơ tim cấp.

Chị Hảo nhớ như in những phút giây định mệnh. Tối 28/2 (tức thứ Sáu), My có biểu hiện sốt và đau đầu, chị cho My uống hai viên thuốc giảm đau và khuyên em đi ngủ. Sáng hôm sau, chị đưa My lên trung tâm y tế gần nhà khám bệnh, các bác sỹ khuyên chị nên chuyển em lên Bệnh viện C Thái Nguyên để tiếp tục khám chữa. 14h cùng ngày, My được mẹ đưa đến Viện C, các bác sỹ chẩn đoán rất nhanh, đến 16h30 đã có kết quả, Bác sỹ Tâm chẩn đoán My bị viêm cơ tim cấp và đề nghị gia đình chuyển My nhanh chóng xuống Bệnh viện Bạch Mai để cứu em.

"Bác sỹ chia sẻ với tôi, bệnh này tỷ lệ tử vong rất cao, nếu chạy bằng công nghệ ECMO thì sẽ có khả năng cứu con nhưng tỷ lệ tử vong cũng có, nhưng nếu không cho con chạy ECMO thì gần như tỷ lệ tử vong là 100%. Hiện nay, Bệnh viện Bạch Mai có công nghệ này, nhưng vì đây là công nghệ cao nên chi phí rất tốn kém, khuyên tôi nên bàn bạc kỹ với gia đình trước để lo kinh phí cho con, hãy cố cứu lấy con vì con còn rất trẻ", chị Hảo nhớ lại.

Lời nói của bác sỹ, như tiếng sét đánh ngang tai, chị Hảo dường như không tin vào hiện thực, bởi trước đó My rất khỏe mạnh. Từ bé đến lớn, em chưa phải đi viện bao giờ. Vậy mà giờ đây em lại mắc phải căn bệnh nguy hiểm với tỷ lệ tử vong gần 100% này. Với đồng lương công nhân, nếu không xảy ra sự việc này, dù vất vả thế nào chị Hảo cũng có thể nuôi hai chị em My trưởng thành. Nhưng sự cố bất ngờ xảy đến, xóa đi những hy vọng vào một tương lai tốt đẹp của một người phụ nữ đã từng chịu nhiều nỗi đau, bất hạnh.

Chị Hảo nước mắt lưng tròng, "Cháu học rất giỏi, rất ngoan, nên tương lai của cháu rất rộng mở. Tôi muốn cứu sống cháu để cho cháu tiếp tục cuộc sống, để cháu thực hiện những ước mơ và hoài bão còn dang dở. Nhưng mà đúng thật, cái bệnh nó không từ bất kỳ một ai, cái bệnh hiểm nghèo đến với cháu, thành ra quá vất vả đối với tôi, một người mẹ đơn thân".

Ngày 8/3 của người mẹ đang có con nguy kịch trong Bạch Mai: “My ơi, con có nghe mẹ nói không?” - Ảnh 3.

"Không ai thương con bằng mẹ", càng lâm vào nghịch cảnh thì tình thương ấy càng lớn mạnh, nó đem lại cho người mẹ sức mạnh để trấn an và bình tĩnh. Chị Hảo quyết định chữa trị cho con đến cùng, dù cho có phải cầm cố sổ đỏ, thậm chí phải bán căn nhà đi - nếu vẫn không đủ tiền chữa trị cho con.

Đến 18h15 phút, My nhanh chóng được chuyển xuống Bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu, lúc này em rất mệt mỏi nhưng vẫn còn tỉnh. Nhưng đến tầm 19h45 phút, bệnh tình của em chuyển biển xấu, em bị sốc tim, tim dần ngừng đập. Các bác sỹ ngay sau đó liền nhanh chóng tiến hành hội chẩn để xem có thể tiếp nhận ca bệnh của em hay không. Hội chẩn xong, bác sỹ Cường nói với chị Hảo: "Bây giờ, nếu sang Khoa hồi sức tích cực, một là chi phí rất lớn, hai là tỷ lệ tử vong của em rất cao. Nếu gia đình đồng ý chữa trị cho em thì Khoa sẽ tiếp nhận ca này và chuyển sang để chạy ECMO cho em".

Sự việc quá bất ngờ, mặc dù chị Hảo không mang đủ tiền trong người (một quả tim nhân tạo giá 120 triệu đồng), nhưng do tình hình của cháu My rất phức tạp, các bác sỹ đều thông cảm và nhanh chóng chuyển My vào Khoa để tiến hành phẫu thuật.

My phẫu thuật trong khoảng thời gian gần 4 tiếng, từ 21h - 1h sáng hôm sau. Trong suốt khoảng thời gian này, chị Hảo đứng ngoài hành lang run rẩy. Không thể làm gì khác, trong tâm linh của chị chỉ biết khấn bố em nếu có sống khôn chết thiêng hãy phù hộ cho em vượt qua thời gian nguy hiểm này. Không chỉ hôm nay, mà nhiều năm đã qua, mỗi khi đi làm hoặc trên đường về, vào lúc đến đoạn đường qua khu mộ của anh, chị cũng đều nhìn sang và nhẩm thầm trong đầu: "Thôi bây giờ anh chẳng có duyên có phận nào với em, thì anh cố gắng phù hộ độ trì cho em mạnh khỏe để em đi làm nuôi các con".

Trong những phút trầm tư ấy, mỗi lần nghe tiếng bác sỹ gọi tên mình là chị Hảo lạnh hết cả người, "Tình hình của bệnh nhân cực kỳ xấu, nhịp tim rối loạn, cơ tim gần như không co bóp. Bình thường những ca khác, tỷ lệ sống của người ta là 50/50, nhưng mà ca này đã chạy ECMO rồi mà vẫn chỉ có một chín một mười, gia đình phải xác định là đã cực kỳ xấu. 

Bây giờ chúng tôi sẽ đặt máy tạo nhịp tim cho cháu, gia đình có đồng ý không, nếu đồng ý gia đình hãy ký vào biên bản", bác sỹ trao đổi nhanh với chị Hảo sau ca phẫu thuật. Chị Hảo chia sẻ: "Bình thường, tôi viết chữ không xấu, nhưng nghe bác sỹ nói như vậy, tay tôi run quá nhấc mãi không lên được". Lúc đấy, tôi chỉ biết nói với bác sỹ rằng: "Bác sỹ cố gắng cứu cháu, chi phí bao nhiêu gia đình sẽ cố gắng lo".

Ngày 8/3 của người mẹ đang có con nguy kịch trong Bạch Mai: “My ơi, con có nghe mẹ nói không?” - Ảnh 4.

Dường như không phụ lòng mẹ và những nỗ lực của các bác sỹ, những ngày gần đây, sức khỏe của My có chuyển biến tốt hơn, khi cơ tim của em được các bác sỹ dự đoán có hy vọng phục hồi nhưng vẫn chưa nói trước được gì hơn vì căn bệnh mà em mắc phải rất nặng.

Bó hoa giấy tặng mẹ nhân dịp 8/3

Vào ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay, chị Hảo vẫn chưa được nhận bó hoa giấy từ My, em vẫn đang nằm nuôi tim ở buồng 605, nhà Q, Bệnh viện Bạch Mai. Xung quanh em là những máy móc hiện đại, những dây ống chi chít từ khắp mọi phía đi vào người em. Nhìn em nằm trong đó, chị Hảo bỗng nhớ, vào dịp này hàng năm, My vẫn thường có món quà nhỏ tặng mẹ là bó hoa giấy tự tay em làm.

Clip chị Hảo kể về con gái

Mỉm cười nhẹ, chị vẫn nhớ như in vào hồi My lên lớp 6, My có mua tờ giấy sun sun để gói hoa giấy, em tự học trên mạng và làm giấu mẹ. Đến 8/3, khi mẹ đi làm về thì em chạy ra tặng để cho mẹ bất ngờ. Nhận được món quà này chị Hảo rất cảm động: "Lúc đấy tôi nghĩ, đúng là mình nuôi con nhưng con không phụ lòng mình, mặc dù con còn rất nhỏ nhưng người con biết nghĩ đầu tiên là mẹ".

Là một người phụ nữ, vào dịp mùng 8/3, chị Hảo cũng như bao người khác cũng có nhiều mong ước, nhưng hiện tại chị Hảo chỉ mong rằng: "Mong sao có một phép màu để con tôi được cứu sống, chứ không có một ước mong gì khác nữa cả".

Cùng với nỗi lo bệnh tình của con đang rất nguy kịch, chị Hảo lại có nỗi lo lấy đâu ra kinh phí để chữa trị tiếp cho con. Bởi theo bác sỹ dự tính, do bệnh tình của em rất nặng nên có thể chạy tim nhân tạo một lần là tim em hồi phục, nhưng cũng có thể chạy đến 10 lần và lọc máu nhiều lần, với kinh phí dự tính trung bình hết khoảng 800 triệu - 1 tỷ. Số kinh phí đó hiện tại đã quá sức đối với hoàn cảnh gia đình chị Hảo – mẹ đơn thân, nuôi hai con và chăm sóc mẹ già.

Ngày 8/3 của người mẹ có con nguy kịch trong BV Bạch Mai: “My ơi, con có nghe mẹ nói không?” - Ảnh 5.

Trước đó, chị Hảo đã vay mượn chi trả được 215 triệu chi phí điều trị ban đầu. Chị cũng đã báo với gia đình cầm cố sổ đỏ, hoặc thậm chí tính đến phương án bán nhà nếu không đủ tiền chữa trị cho con. Thương My, mẹ chị Hảo vốn có 2 sào ruộng để dành bèn nói với con: "Con không phải lo, nếu thiếu lắm thì mẹ bán cả ruộng đi để cứu cháu".

Xác nhận về hoàn cảnh trên, ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch xã Thuận Thành (huyện Phổ Yên, Thái Nguyên) và bà Phạm Thị Thu, Chủ tịch Hội LHPN xã Thuận Thành, cho biết: "Gia đình chị Hảo kinh tế khó khăn, con chị Hảo lại đột xuất bị bệnh nặng. Chị Hảo làm công nhân, mẹ đơn thân, hiện phải nuôi hai con với một mẹ già. Chúng tôi rất mong các nhà hảo tâm nếu có điều kiện xin hãy giúp đỡ gia đình chị Hảo qua thời điểm khó khăn này. Địa phương xin chân thành cám ơn".

Bài, ảnh: Trường Hùng

Mẹ con chị Nguyễn Thị Hảo mong nhận được sự hỗ trợ của các tấm lòng hảo tâm. Mọi sự ủng hộ dành cho nhân vật xin liên hệ tới số điện thoại của chị Hảo: 0982.223.186, số tài khoản: 3160205039131, Ngân hàng Agribank chi nhánh Sóc Sơn, chủ tài khoản: Nguyễn Thị Hảo.