Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết: Bước sang năm thứ 17 tổ chức, Ngày Thơ Việt Nam sẽ lần đầu tiên được kéo dài suốt 4 ngày, từ 12 đến 15 tháng Giêng (tức 27/2 đến 2/3/2018). Với chủ đề Văn học đồng hành cùng đất nước, Ngày Thơ Việt Nam 2018 sẽ có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng.
Ngày Thơ Việt Nam 2018 sẽ được bắt đầu với hội thảo Những vấn đề của thơ Việt Nam hiện nay tại Hội trường Hội Nhà văn Việt Nam do nhà thơ Trần Đăng Khoa chủ trì. Ngày 28/2 sẽ có cuộc hội thảo về tiểu thuyết với chủ đề Đổi mới tư duy tiểu thuyết tại Hội trường Hội Nhà văn Việt Nam nhằm hưởng ứng cuộc thi tiểu thuyết 2017 - 2020 của Hội Nhà văn Việt Nam, do nhà văn Nguyễn Trí Huân chủ trì. Đây là lần đầu tiên trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam diễn ra cùng lúc 2 hội thảo quan trọng. Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, Hội Nhà văn Việt Nam muốn hướng tới Ngày Thơ không chỉ dừng lại ở "hội hè" vui chơi mà còn chú trọng đến học thuật, chuyên môn.
Sáng ngày 1/3, tức ngày 14 tháng Giêng năm Mậu Tuất, sẽ diễn ra các hoạt động thi, trình diễn thơ, biểu diễn nghệ thuật của các câu lạc bộ thơ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Sáng ngày 2/3, đúng ngày Rằm tháng Giêng, tại đây sẽ diễn ra Lễ khai mạc Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 17.
Năm nay cũng là năm đầu tiên, Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức hai sân thơ: Sân thơ Truyền thống và Sân thơ Trẻ. Có 4 nhà thơ tiêu biểu đến từ Hội Nhà thơ Nhật Bản sẽ gặp gỡ, giao lưu với công chúng yêu thơ Việt Nam ở 2 sân thơ.
Đặc biệt, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ có một không gian thống nhất, liên thông giữa hồ Ngân và hồ Văn trong Ngày Thơ Việt Nam. Do đó, ngoài 2 sân thơ, còn có sự tham gia của 60 câu lạc bộ thơ với các hoạt động trình diễn, giới thiệu thơ...
Trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam, BTC sẽ tiến hành triển lãm chân dung, hình ảnh các nhà văn Việt Nam đã tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh, các hoạt động trên là bước chuẩn bị quan trọng để tiến tới việc đưa Ngày Thơ Việt Nam dần trở thành Ngày Văn học Việt Nam, góp phần tôn vinh thơ, văn xuôi, lý luận phê bình và tiếp cận của công chúng với văn chương.