pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nghệ sĩ và khán giả hụt hẫng khi sân khấu xiếc vắng bóng thú hoang dã
Tiết mục biểu diễn xiếc dê thay cho xiếc thú hoang dã
Đó là những chia sẻ của NSND Tống Toàn Thắng (Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam) sau hơn 1 năm kể từ ngày Liên đoàn xiếc chuyển giao 4 cá thể gấu cho Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc), cam kết không sử dụng động vật hoang dã trong biểu diễn xiếc.
Trải lòng của nghệ sĩ khi sân khấu xiếc vắng bóng thú hoang dã
Thú là "bạn diễn"
Gắn bó với nghề xiếc đã ngót 40 năm, trong đó có hơn 30 năm biểu diễn xiếc trăn đạt nhiều giải thưởng trong nước và Quốc tế, NSND Tống Toàn Thắng cho biết, khởi nguồn xiếc Việt là một gánh xiếc thú của cố NSND Tạ Duy Hiển - người đã đặt nền móng đầu tiên cho nghệ thuật xiếc Việt Nam. Bằng tài năng và tình yêu vô bờ với động vật, ông đã thuần hóa và huấn luyện được nhiều loại thú từ voi, ngựa, gấu đến hổ, báo, sư tử…
Có thể nói, xiếc thú là một phần không thể thiếu trong nghệ thuật xiếc, thể hiện khát khao chinh phục thiên nhiên của con người; đồng thời tôn vinh tình bạn giữa con người và muông thú một cách nhân văn nhất.
Đối với những người nghệ sĩ vốn quen đương đầu với rủi ro nghề nghiệp như nghệ thuật xiếc, những chú gấu, voi hay bất cứ một loài vật nào trong rạp chính là "bạn diễn" của họ. "Những diễn viên không biết nói" này là những người kề vai sát cánh với nghệ sĩ, cùng thăng hoa trên sân khấu, cùng đổ mồ hôi luyện tập phía sau cánh gà và đôi khi còn là những người bạn tâm giao, ăn cùng những bữa cơm ở xứ người trong các đợt lưu diễn.
Trước đó, Liên đoàn xiếc Việt Nam từng chuyển giao voi và một số chú gấu lớn cho một vườn thú ở Nghệ An, song đối diện với cuộc chia ly 4 chú gấu về Tam Đảo gần 1 năm trước, người nghệ sĩ không tránh khỏi những cảm xúc chông chênh và hụt hẫng cả trong cuộc sống lẫn công việc.
"Chúng tôi hụt hẫng một thời gian dài. Nghệ sĩ trực tiếp huấn luyện gấu thậm chí phải đối mặt với vấn đề tâm lý khi chia tay những người "bạn diễn" đã gắn bó với mình suốt quãng đời làm nghề", NSND Tống Toàn Thắng trầm giọng.
Tại khu vực nuôi động vật của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, những chuồng gấu vẫn ở đó, im lặng, thiếu vắng và không có con vật nào thay thế. Toàn bộ đạo cụ diễn xuất của gấu được các nghệ sĩ cẩn thận lưu giữ, giống như giữ lại những kỷ niệm, tình cảm nhớ thương và trân trọng dành cho những "diễn viên không biết nói".
Lặng người trước chiếc xe đạp đã phủ bụi, NSND Tống Toàn Thắng ngậm ngùi: "Chúng tôi dự định sẽ mở một phòng trưng bày những kỷ vật này, để mai sau các thế hệ khán giả trẻ biết đến xiếc thú lớn của Việt Nam đã từng rất phát triển. Còn bây giờ, tất cả chỉ còn là ký ức".
Trăn trở giữ "chất xiếc của người Việt Nam"
Trong vài năm trở lại đây, do nhu cầu thị trường giải trí, nhiều đoàn xiếc tư nhân biểu diễn nhưng không đảm bảo về phúc lợi động vật và chất lượng nghệ thuật, khiến nhiều người có cái nhìn thiếu thiện cảm về xiếc thú. Nhưng trên thực tế, quá trình nuôi dưỡng và huấn luyện thú tại những đoàn xiếc chính quy phải có cơ sở khoa học, đảm bảo dinh dưỡng, y tế và điều kiện môi trường sinh hoạt an toàn.
Hơn cả, người nghệ sĩ phải có tình yêu và sự hiểu biết sâu sắc về tập tính, hành vi của động vật để thuần hóa và huấn luyện thú đạt hiệu quả. Trên sân khấu họ là nghệ sĩ nhưng phía sau cánh gà, họ lại đóng vai trò như một nhà động vật học và một người bạn của thú vật.
Tuy nhiên, "trong xu thế đất nước hội nhập với thế giới, chúng ta cũng phải tiếp thu và tôn trọng những quy ước quốc tế. Khoảng 4 năm trở lại đây, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã có lộ trình đào tạo các loài vật như chó, mèo, dê, lợn… trở thành nghệ sĩ xiếc. Đặc biệt là sau khi bàn giao 4 chú gấu cuối cùng của rạp xiếc cho Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam, chúng tôi chính thức thực hiện cam kết không sử dụng động vật hoang dã trong biểu diễn, chuyển đổi sang biểu diễn xiếc thú là vật nuôi gần gũi với con người", NSND Tạ Duy Ánh (Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam) khẳng định.
Việc chuyển đổi này gặp không ít khó khăn. Chị Trần Hải Yến (quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: "Lần gần đây nhất mình đưa con đi xem xiếc là trước dịch Covid-19 thì vẫn có xiếc voi, các cháu rất thích. Lần này trở lại thì không thấy có các con thú lớn biểu diễn nên con trẻ có vẻ hụt hẫng".
Trong ấn tượng của nhiều người về nghệ thuật xiếc, bộ môn này không chỉ có những người nghệ sĩ nhào lộn hay thực hiện các động tác khó trên không mà còn gắn liền với những tiết mục thú hoang dã, cho thấy tài năng chinh phục và đương đầu với những thử thách nguy hiểm của các nghệ sĩ. Việc sân khấu vắng bóng thú hoang dã mà thay bằng những loài động vật quen thuộc như chó, mèo, lợn, gà… khiến nhiều khán giả vẫn chưa thể thích nghi.
Trái lại, cũng có những khán giả cảm thấy bất ngờ và thích thú khi những con vật không ai nghĩ tới như lợn, dê, trâu, vẹt… lại có thể làm xiếc.
Còn với những người trong nghề, đã biểu diễn xiếc thì khó có thể thiếu những tiết mục thú hoang dã bởi tính nghệ thuật, sự kích thích và khổ luyện với nghề. NSND Tạ Duy Ánh cho biết, sở dĩ quy định chung về sân khấu xiếc có hình tròn với đường kính 13m xuất phát điểm là sân khấu để biểu diễn xiếc ngựa. Tại các đấu trường nghệ thuật xiếc quốc tế, xiếc thú hoang dã vẫn là một hạng mục thi không thể thay thế. Các quốc gia nổi tiếng với bộ môn nghệ thuật này như Nga, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp…vẫn có những tiết mục biểu diễn với sư tử, hổ, báo, voi…., nhận được đánh giá cao của giới chuyên môn.
Cùng với đó, việc đào tạo cho nguồn "nhân lực mới" cũng gặp phải nhiều vấn đề như tuyển chọn vật nuôi, cải tạo trang thiết bị đạo cụ, nghiên cứu tập tính của thú để xây dựng những đề án, tiết mục tập luyện mới. Nếu như khi huấn luyện thú dữ, người nghệ sĩ phải dùng sự dũng cảm, can trường để con vật không lấn át tinh thần mình thì ngược lại, khi dạy thú nuôi, tình cảm và sự mềm mỏng của con người mới là chất xúc tác đưa chúng đến gần chúng ta hơn.
Đặc thù loài thú nuôi thường nhỏ bé về ngoại hình nên các tiết mục cần phải tăng số lượng thú để lấp đầy khoảng rộng của sân khấu. Từ đó đòi hỏi các đoàn xiếc phải bổ sung nhân lực, cơ sở vật chất để đảm bảo vừa chăm sóc các "diễn viên không nói" một cách chu đáo, vừa huấn luyện các "diễn viên" biểu diễn được trọn vẹn.
Trong bối cảnh khó khăn chung của nghệ thuật sân khấu truyền thống, nghệ thuật xiếc phải đối mặt với không ít thách thức để các diễn viên còn có thể bám nghề và cống hiến nghệ thuật. Sự chuyển đổi xu hướng biểu diễn xiếc thú sẽ còn là một lộ trình dài đòi hỏi những người nghệ sĩ sáng tạo và đổi mới không ngừng.
Với sự ủng hộ của khán giả và sự cố gắng không ngừng của những người nghệ sĩ, NSND Tống Toàn Thắng khẳng định: "Chúng tôi đã và đang tiếp tục tìm tòi, luyện tập mỗi ngày để khẳng định nghệ thuật xiếc thú luôn phát triển. Giống như chúng tôi vẫn động viên nhau rằng, chúng ta không phải người Việt Nam làm xiếc mà là xiếc của người Việt Nam".