Nghị định về bí mật thông tin khách hàng vừa ra đời đã 'vênh' với luật

14/01/2019 - 07:15
Nghị định về giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mới có hiệu lực đầu tháng 11/2018. Thế nhưng, khi Luật Tố cáo 2018 bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2019 thì đã một số quy định trong Nghị định đã không phù hợp với luật.

Nghị định 117/2018/NĐ-CP về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được Chính phủ ban hành ngày 11/9/2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2018.

hinh-giao-dich.jpg
Giao dịch tai ngân hàng.

 

Về tổng thể, Nghị định 117/2018/NĐ-CP ra đời có nhiều điểm tiến bộ, cực kỳ cần thiết trong giai đoạn thông tin phát triển như vũ bão hiện nay. Việc để rò rỉ thông tin, việc “xào nấu” thông tin, khai thác thông tin để phục vụ cho mục đích xấu đã xẩy ra. Vì thế, cần phải coi Nghi định 117/2018/NĐ-CP là “tấm khiên” che chắn, bảo vệ tối đa thông tin của khách hàng. Tuy nhiên, một số điều, khoản của nghị định này cũng cần phải được sửa đổi, bổ sung để phù hợp hơn. 

Thời điểm soạn thảo Nghị định 117/2018/NĐ-CP thì Luật tố cáo năm 2011 vẫn có hiệu lực pháp luật. Khoản 1 Điều 2 Luật tố cáo năm 2011 quy định: “Tố cáo là việc công dân theo thủ tục do Luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.”

Đến ngày 01/01/2019, Luật tố cáo năm 2018 có hiệu lực và thay thế Luật tố cáo năm 2011. Khoản 1 Điều 2 Luật tố cáo năm 2018 quy định: “Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm: a) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; b) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực”.

Như vậy, khái niệm “tố cáo” từ Luật tố cáo năm 2011 đến Luật tố cáo năm 2018 về cơ bản là giống nhau, có nội hàm, ngoại diên rộng. Công dân được quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Vì thế, nếu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gây thiệt hại cho khách hàng trong việc cung cấp, sử dụng thông tin không đúng quy định pháp luật thì bản thân cá nhân, tổ chức đó có thể bị khách hàng tố cáo. Đây là quyền chính đáng được pháp luật công nhận.

Tuy nhiên, Nghị định 117/2018/NĐ-CP chỉ cho phép khách hàng có 3 quyền đó là quyền khiếu nại, quyền khởi kiện, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Cụ thể, tại Điểm b Khoản 1 Điều 13 Nghị định 117/2018/NĐ-CP quy định: “Khiếu nại, khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật trong trường hợp cơ quan nhà nước, tổ chức khác, cá nhân, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp, sử dụng thông tin khách hàng không đúng quy định của pháp luật.” Nghĩa là Nghị định 117/2018/NĐ-CP không đề cập, không ghi nhận quyền được tố cáo của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng khi tổ chức, cá nhân đó có hành vi cung cấp, sử dụng thông tin khách hàng không đúng quy định của pháp luật.

Điều 5 Quy định nội bộ về giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin khách hàng” Nghị định 117/2018/NĐ-CP quy định: “1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài căn cứ quy định của pháp luật, Nghị định này để ban hành quy định nội bộ về giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin khách hàng và tổ chức thực hiện thống nhất trong tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. 2. Quy định nội bộ về giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin khách hàng phải bao gồm tối thiểu các nội dung sau đây: a) Quy trình, thủ tục tiếp nhận, xử lý và cung cấp thông tin khách hàng; quy trình, thủ tục lưu trữ, bảo vệ bí mật thông tin khách hàng; b) Việc giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm quy định nội bộ về giữ bí mật, lưu trữ, cung cấp thông tin khách hàng; c) Phân cấp thẩm quyền, quyền hạn, nghĩa vụ của các đơn vị, cá nhân trong việc giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin khách hàng”.

Việc văn bản quy phạm pháp luật cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài căn cứ quy định của pháp luật, Nghị định này để ban hành quy định nội bộ về giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin khách hàng và tổ chức thực hiện là hoàn toàn hợp pháp, hợp lý. Tuy nhiên, trong thực tiễn có thể phát sinh đó là có thể có tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ đưa ra những quy định vô lý, tùy tiện, gây khó khăn cho khách hàng và các cơ quan nhà nước, tổ chức khác khi đề nghị được cung cấp thông tin khách hàng. Do đó, Nghị định 117/2018/NĐ-CP cần quy định chi tiết hơn, chỉ cho phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ban hành quy định nội bộ về giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin khách hàng khi và chỉ khi hoàn toàn đúng các quy định pháp luật.

Để tránh những bất cập liên quan đến việc chưa thể hiện quyền được tố cáo của khách hàng và quy định cho phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ban hành quy định nội bộ về giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin khách hàng, thì nên chăng cần có những sửa đổi, bổ sung để Nghị định 117/2018/NĐ-CP ngày càng hoàn thiện hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm