Nghỉ Tết ở biển

09/02/2016 - 08:00
Thay vì ở nhà nấu ăn hoặc đi tới nhà người quen chúc tụng, tiệc tùng, xu hướng nghỉ Tết ở biển đang được nhiều người chọn lựa.
Đã 5 năm nay, cứ sau đêm Giao thừa, xem bắn pháo hoa tại Công viên Đầm Sen xong, cả gia đình chị Mai Lê (Q.11, TPHCM) lại rộn ràng chất đồ đạc đầy ứ chiếc xe Innova 7 chỗ. Đóng toàn bộ cửa nẻo một cách cẩn thận, chồng chị nhờ hàng xóm 2 bên để ý coi sóc nhà dùm trong mấy ngày đi vắng. Cậu em chồng có con nhỏ không đi đâu xa được giao nhiệm vụ hàng sáng tới mở cổng để tưới cây kiểng và kiểm tra lại nhà cửa. Con chó phốc bé tí xíu cũng được bé Út cho lên xe đi du lịch cùng cả nhà.
1.jpg
Đi biển ngày Tết đang được nhiều gia đinh lựa chọn
Địa danh biển mà gia đình chị Lê thường chọn là Nha Trang, Phan Thiết, Bình Thuận. Cũng có năm cả nhà chọn một khách sạn 5 sao có tiếng ở Vũng Tàu. Lịch sinh hoạt của cả nhà theo chủ nghĩa tự do: ai thích ăn thì ăn, ai thích ngủ thì ngủ, ai coi tivi trễ cũng không bị nhắc nhở, ai tắm biển sớm cũng không sao. 4 ngày nghỉ dưỡng cho cả năm, chị Lê đánh giá “Cũng không phải là tiêu xài hoang phí quá mức”. Để tiết kiệm thời gian trên đường, chồng chị xung phong lái xe chặng đầu. Khi nào thấy hơi mệt là đổi tay lái cho vợ.

Trên đường đi, để đỡ buồn ngủ và cũng là nếp sinh hoạt riêng của gia đình, chị Lê và chồng thường nói chuyện “tổng kết” một năm. Chuyện tiền bạc, thu nhập của 2 vợ chồng. Chuyện nuôi dạy con và hướng học hành cho các con trong năm tới. Kể cả những chuyện bất đồng trong suốt năm qua cũng được đề cập tới. Chị Lê bảo, khoảng khắc đó rất hay. Chạy xe trên đường vắng vẻ không phải bực bội chuyện kẹt xe. Vợ chồng ngồi kế bên nhau, bao nhiêu tâm sự chất chứa trong một năm được xả hết. Có khi 2 đứa con ngồi băng ghế sau cũng góp chuyện. Sự quây quần gia đình thời hiện đại chỉ đơn giản như thế, nhưng rất ấm áp và văn minh.

Nếu đi nghỉ ở biển Vũng Tàu thì chỉ 2 tiếng đồng hồ cả nhà chị Lê đã tới nơi. Biển đêm đẹp và mát, 2 đứa con tỉnh hẳn ngủ, chạy loăng quăng trên cát một hồi rồi mới check-in khách sạn. Còn đi nghỉ ở biển Phan Thiết hay Nha Trang thì xe sẽ được dừng lại giữa đường để “bác tài” đỡ mệt, thường ở những nơi đổ xăng có bán cà phê. Hỏi chị Lê vì sao lại thích cùng cả nhà đi nghỉ Tết ở biển như vậy, chị cười: “Cả năm đã vất vả lo toan rồi. Đi biển với không khí ấm áp, ánh nắng rực rỡ, bơi ngoài biển xong cảm thấy khoẻ khoắn hẳn. Đồ hải sản ở các vùng biển rất tươi ngon và rẻ nữa. Tụi nhóc nhà tôi tắm xong, ăn uống ngon miệng. Chẳng giống ngày thường, bọn trẻ ăn mà mình phải năn nỉ muốn gãy lưỡi!”.
 
Người ta thường nói: “Tháng ba bà già đi biển”, nghĩa là trong thời gian này, biển khá êm, khá thuận lợi để việc nghỉ Tết ngoài biển kết thúc trong hoàn mỹ. Anh Trần Long, Giám đốc công ty Du lịch Việt, cho rằng, ở Sài Gòn và các tỉnh phía Nam, du khách chọn địa danh có biển để nghỉ dưỡng, bởi việc di chuyển rất gần và có thể sử dụng nhiều phương tiện vận tải khác nhau: xe hơi, tàu cánh ngầm, tàu hoả, máy bay. Còn Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, khá nhiều du khách chọn biển phía Nam và Nam Trung bộ, bởi họ muốn tránh cái rét khá khắc nghiệt vào những ngày đầu năm. Thử tưởng tượng, bạn được trút bỏ các loại áo len, áo bông, áo dạ, để tung tăng dưới nước biển trong cái nắng rực rỡ của mặt trời, thật tuyệt! Và hay nhất, hạnh phúc nhất, chính là được vui vầy cùng những người thân trong gia đình. Cái Tết vì điều này mà thân thuộc và đầm ấm sự đoàn viên.

Anh Long cho biết thêm, hầu hết những người chọn biển để đi nghỉ Tết thường có tuổi đời còn trẻ và đa phần là những người làm việc trí óc. Sau cả năm làm việc căng thẳng, các nhóm khách hàng này muốn tận hưởng sự nghỉ dưỡng để refresh lại sức khoẻ cũng như tâm trạng. Chính vì vậy, các resort 4 - 5 sao là lựa chọn hàng đầu, các tiện nghi phục vụ “tận răng” để việc nghỉ ngơi được chu đáo nhất. Khác hẳn với việc đi du lịch để khám phá và “phượt” như những ngày bình thường trong năm.

Anh Trần Anh Thi, Giám đốc điều hành của Seahorse resort and spa tại Mũi Né, kể, bắt đầu từ Giáng sinh cho tới tận Tết Nguyên đán, lịch làm việc của anh và các nhân viên trong khu nghỉ dưỡng này kín từ sáng tới đêm do lượng khách đổ về quá đông. Anh Thi nhấn mạnh, vài năm trở lại đây, các khu du lịch biển đã được du khách chọn lựa vào những ngày nghỉ Tết. Vì vậy, việc đặt phòng từ các khách lẻ nếu quá cận ngày thì có thể sẽ không được đáp ứng một cách tốt nhất. Cùng chung quan điểm như vậy, anh Long khẳng định, nếu đăng ký theo các tour du lịch, bạn cần lên kế hoạch và đăng ký sớm để có được giá rẻ, dịch vụ chất lượng cao.
 
- Từ Sài Gòn, bạn có thể di chuyển tới Phan Thiết, Nha Trang bằng xe hơi hoặc tàu hoả. Nếu đi tàu hoả tới Mũi Né (Phan Thiết), bạn cần tới ga Phan Thiết, đi taxi hoặc xe của resort nơi mình ở đón tại ga này. Không xuống ga Mường Mán để tránh phải di chuyển quãng đường rất dài. Giá vé tàu Sài Gòn - Phan Thiết từ 110 ngàn đồng trở lên/người/lượt. Nếu đi tàu hoả tới Nha Trang, bạn nên chọn chuyến 19h30, để khi tới ga Nha Trang vào lúc 5h30. Hãy chọn giường nằm mềm để ngủ dưỡng sức, không nên mua ghế ngồi.
- Từ Hà Nội và Sài Gòn nếu đi bằng máy bay tới Nha Trang, bạn nên chọn chuyến bay lúc đầu giờ sáng. Từ sân bay Cam Ranh, bắt taxi thẳng tới khu tắm bùn tại Tháp Bà, Nha Trang. Sau khi chơi và tắm tại đây xong, sẽ quay lại khách sạn để check-in, vừa tiết kiệm thời gian, vừa hợp lý trong việc di chuyển và không phải chờ đợi nhận phòng.
- Từ Sài Gòn đi Vũng Tàu, bạn có thể sử dụng xe hơi và tàu cánh ngầm. Di chuyển bằng tàu cánh ngầm nhanh, không tốn thời gian kẹt xe. Tuy nhiên, nếu say sóng, bạn nên đi vào sáng và đầu giờ chiều, không nên đi vào chiều tối. Cứ 1 tiếng đồng hồ lại có 1 chuyến tàu cánh ngầm. Giá vé 200.000-250.000đ/người/lượt.
- Ăn hải sản tại các Khu du lịch biển cần chọn nhà hàng đã có thương hiệu để đảm bảo vấn đề vệ sinh thực phẩm. Bạn cũng không nên quên mang ra biển kem chống nắng, kem thoa muỗi cho em bé, nón, dù, các loại thuốc tiêu hoá, cảm sốt.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm