'Nghịch dại', một phụ nữ bị khỉ cắn nát tay

13/11/2018 - 10:10
Khi đứng xem ở chuồng khỉ, chị H. thò tay vào trong trêu chọc. Bất ngờ, khỉ túm lấy tay chị rồi cắn nát khiến bệnh nhân phải đi cấp cứu.
Ngày 13/11, bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Linh, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ (BV Việt Đức, Hà Nội) cho biết, BV vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Thị H. (32 tuổi, ở Thanh Hóa) bị khỉ cắn nát tay. Theo bác sĩ Linh, đây là lần đầu tiên khoa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân bị khỉ cắn.
 
Trước đó, bệnh nhân được chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng tỉnh táo, vết thương vùng cánh tay trái, dài khoảng 15cm, dập nát. Bệnh nhân cho biết, vết thương đó do khỉ nuôi gây nên.
 
46040791_2285070945072308_4967556099357016064_n.jpg
Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật

Trước đó, chị H. sang nhà hàng xóm chơi. Khi đứng xem ở chuồng khỉ, chị đưa tay vào trong trêu chọc. Bất ngờ, khỉ túm lấy tay chị rồi cắn. Khi chủ nhà chạy ra can ngăn, con khỉ mới dừng lại thì tay bệnh nhân đã đầy máu. Người nhà đã đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế địa phương sơ cứu và tiêm phòng dại tại trung tâm y tế dự phòng của tỉnh rồi chuyển ra BV Việt Đức.

 

Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật, xử lý vết thương do khỉ cắn. Theo đó, kíp mổ đã tìm và nối các nhánh thần kinh và cơ vùng cánh tay bị đứt; sử dụng kính hiển vi để nối các bó sợi thần kinh rất nhỏ.
 
khican.jpg
Khi bị khỉ cắn, người dân cần theo dõi và đi tiêm phòng dại

Đến sáng ngày 13/11, vết thương vùng tay bệnh nhân đã khô nên được xuất viện. Tuy nhiên, theo bác sĩ Linh, khả năng phục hồi hoàn toàn không khả quan vì tổn thương cao, tốc độ phục hồi thần kinh chậm và bệnh nhân có khả năng giảm chức năng của cẳng và bàn tay trái. Chức năng vận động của cẳng tay và bàn tay sẽ không bao giờ trở lại như bình thường.

 

Các chuyên gia cho biết, khỉ là một trong những động vật có khả năng truyền bệnh dại như chó, mèo. Vì vậy, việc xử trí khi bị khỉ cắn cũng tương tự như khi bị chó cắn. Trường hợp bị khỉ tự nhiên trở nên điên cuồng, hung dữ đột ngột cắn thì cần đi tiêm phòng dại ngay. Sau 10 ngày nếu con vật còn sống thì ngừng tiêm, nếu con vật chết khi đó tiếp tục tiêm phòng các liều tiếp theo. Nếu khỉ cắn em do trêu trọc, thì cần theo dõi tiếp trong vòng 10 ngày. Nếu sau 10 ngày mà con vật không chết thì không cần phải tiêm phòng. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm