pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nghịch lý cung-cầu việc làm ở TPHCM
Đông đảo sinh viên và người lao động tìm hiểu về thông tin việc làm. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh), Thành phố có hơn 290.000 doanh nghiệp đang hoạt động và nhu cầu nhân lực bình quân xấp xỉ 320.000 chỗ làm việc/năm.
Tuy nhiên, Thành phố đang tồn tại nghịch lý là: Lao động trình độ cao khó "tìm thấy" doanh nghiệp còn doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động phổ thông cũng khó tìm được người phù hợp.
Hàng năm số sinh viên tốt nghiệp từ các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp có nhu cầu làm việc tại Thành phố là khoảng 300.000 người. Các ngành, nghề đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học tại các cơ sở giáo dục rất đa dạng, trong đó có đủ 4 nhóm ngành trọng yếu và 9 lĩnh vực chủ yếu ưu tiên phát triển của Thành phố.
Thống kê tháng 10/2024 trên cổng thông tin việc làm của Trung tâm dịch vụ việc làm Thành phố Hồ Chí Minh về nhu cầu tuyển dụng lao động theo trình độ chuyên môn kỹ thuật theo tiêu chí 27 ngành nghề cho thấy: Nhu cầu tuyển dụng tập trung khối công nhân kỹ thuật không bằng cấp chiếm 34,5%; khối chứng chỉ nghề ngắn hạn dưới 3 tháng chiếm 21,4%; khối sơ cấp nghề từ 3-12 tháng chiếm 9,3%; trung cấp chiếm 16%; cao đẳng 10,6% và đại học 7,9%.
Cụ thể, nhiều lao động ở lĩnh vực lao động ở trình độ cao như kế toán, kiểm toán có 366 người tìm việc nhưng chỉ có 84 chỉ tiêu tuyển dụng; kinh tế có 308 người tìm việc nhưng chỉ có 49 chỉ tiêu tuyển dụng; địa lý đất đai có 309 người tìm việc nhưng chỉ có 34 chỉ tiêu tuyển dụng…
Đặc biệt, nhiều lĩnh vực tuyển dụng rất thấp, thậm chí không tuyển dụng, song vẫn có nhiều người lao động có nhu cầu như giáo dục chính trị, triết học có 78 người tìm việc nhưng chỉ tuyển 3 người; sư phạm, giáo dục có 64 người tìm việc nhưng chỉ tuyển 2 người; tài nguyên, môi trường có 83 người tìm việc nhưng chỉ tuyển 1 người; văn hóa, xã hội có hơn 50 người tìm việc nhưng không có nơi nào tuyển dụng…
Ở chiều ngược lại, ở các lĩnh vực thâm dụng lao động, lao động phổ thông, nhu cầu tìm người lao động của các doanh nghiệp rất cao nhưng nhu cầu người lao động tìm việc lại thấp.
Điển hình, ở lĩnh vực lao động phổ thông, doanh nghiệp và người sử dụng lao động có nhu cầu tuyển dụng lao động khá lớn với hơn 4.800 lao động, nhưng chỉ có 1.300 người tìm việc.
Lĩnh vực da giày, may mặc, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng hơn 1.400 lao động thì chỉ có 860 người lao động tìm việc; thực phẩm đồ uống, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 1.300 lao động nhưng chỉ có 560 người lao động tìm việc.
Có thể thấy, thị trường lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh đang tồn tại nghịch lý, bất cập. Đặc biệt, qua các đề án công bố hàng năm của các trường đại học, cao đẳng đều cho thấy tỷ lệ sinh viên có việc làm của nhiều trường đạt ở mức rất cao từ 90% - 99%, thậm chí nhiều trường đạt 100%. Nhiều người tỏ ra hoài nghi về con số thống kê trên, bởi thực tế tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn cao.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, quý 1/2024, đơn vị đã tiếp nhận hơn 28.500 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó có hơn 8.400 người (chiếm 35%) có trình độ đại học và trên đại học mất việc.
Chỉ riêng tháng 10/2024, đơn vị này đã tiếp nhận hơn 11.100 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 4,08% so với tháng trước.
Số liệu của Cục Việc làm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng ghi nhận cả nước có hơn 1,06 triệu người trong độ tuổi lao động không có hoặc thiếu việc làm, không tham gia lao động. Trong khi các doanh nghiệp cần tuyển hơn 836.000 lao động phổ thông nhưng không tuyển được.
Nhiều chuyên gia cho rằng, giai đoạn này, lao động có trình độ từ đại học trở lên gặp khó khăn khi tìm việc hơn các nhóm khác.
Thực tế trên đặt ra vấn đề cần giải quyết không chỉ về bài toán về cung-cầu lao động, mà còn là quy hoạch-đào tạo nguồn nhân lực và xu hướng phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới.