 |
Không ít người cho rằng: mua sắm tốt cho tâm trạng |
Những “tín đồ mua sắm” có hứng thú đặc biệt đối với các loại hàng hóa, thường sẽ muốn mua những món đồ mà có thể bản thân họ không cần, tiêu tiền không suy nghĩ nhiều, họ chỉ quan tâm đến quá trình mua sắm nhiều hơn kết quả thu được. Trên thực tế, không ít người như vậy mắc chứng bệnh về tâm lý, chính là một kiểu rối loạn hành vi.
Các chuyên gia cho rằng, có bốn nguyên nhân chính dẫn đến nghiện mua sắm: Một là “tín đồ” ở trạng thái tinh thần cô đơn, bị tổn thương về mặt thể xác và tinh thần, hoặc là người tự ti... muốn mượn việc mua sắm để lấp đầy khoảng trống trong lòng mình. Thứ hai, mua sắm một cách “điên cuồng” có liên quan tới vấn đề tình cảm của họ. Thứ ba là do không thể vượt qua cám dỗ của quảng cáo trên thị trường, vì bị kích thích nên muốn được thử nghiệm bằng được. Cuối cùng là do có quan niệm sai lầm về mua sắm, “tín đồ” cho rằng “mua sắm là hưởng thụ” hay “mua sắm tốt cho tâm trạng”..., thậm chí dùng việc mua đồ để chữa trị tâm lý hoặc giảm áp lực tinh thần.
Biểu hiện của chứng rối loạn hành vi mua sắm:
- Mua nhiều lần những món đồ không cần dùng đến.
- Giấu người nhà việc mình mua đồ và số tiền bỏ ra để mua đồ.
- Tự hợp lý hóa việc mua đồ với lý do: những thứ đồ này sẽ có ngày dùng đến; mua vào dịp giảm giá để nếu sau này cần đến không bị mua đắt.
- Lúc mua thì quyết định nhanh chóng, nhưng mua xong rồi lại thấy có cảm giác “tội lỗi”.
- Thấy tự ti nên muốn dùng việc mua sắm để làm cho mình tự tin hơn.
Nếu như bạn là một “tín đồ mua sắm” có những biểu hiện trên thì hãy điều chỉnh lại việc mua đồ của mình. Tốt nhất bạn hãy tuân theo một quy tắc mua sắm nhất định, chỉ mua những gì mình thật sự cần, đừng vì bất cứ lý do gì mà mua quá nhiều đồ, phá vỡ quy tắc mình đặt ra. Nên dùng tiền mặt để chi trả thay vì dùng thẻ, vì như vậy bạn mới có thể kiểm soát được khoản tiền mình tiêu, tránh việc chi quá tay so với dự định ban đầu.