Nghề may chỉ truyền cho con trai
Qua vài lần hỏi thăm, chúng tôi mới gặp được nghệ nhân Nguyễn Văn Nhiên, 86 tuổi. Cụ Nhiên là 1 trong 3 lão niên của làng Trạch Xá, nắm rõ gốc tích của nghề may áo dài truyền thống.
Cụ Nhiên kể: Bà tổ nghề Nguyễn Thị Sen - Tứ phi của vua Đinh Tiên Hoàng - với đôi bàn tay khéo léo và yêu thích may mặc đã học được nghề may trong cung, rồi dạy cho các cung nữ từng đường kim, mũi chỉ, phát triển nghề may trong chốn Hoàng cung mà trước đây chưa hề có.
Sau khi vua Đinh Tiên Hoàng và con trưởng là Nam Việt Vương Đinh Liễu bị Đỗ Thích sát hại, Bà Tứ phi Nguyễn Thị Sen đưa các con về làng Trạch Xá. Tại đây, bà đã truyền nghề cho dân làng để rồi nghề may áo dài được cha truyền con nối, thế hệ trước dạy cho thế hệ sau và trở thành nghề truyền thống của làng.
Bên cạnh truyền thuyết tổ nghề may để ghi nhớ công ơn Tứ phi Nguyễn Thị Sen, người dân trong làng Trạch Xá cũng kể cho nhau nghe câu chuyện về nghệ nhân Tạ Văn Khuất, mới chỉ 30 tuổi đã được may áo cho Nam Phương Hoàng hậu và vua Bảo Đại như một niềm tự hào, vinh dự của làng cũng như đóng một dấu mốc quan trọng cho thương hiệu áo dài truyền thống Trạch Xá.
Trước đây, những thợ may làng Trạch Xá phải đi khắp các nơi để hành nghề. Hình ảnh “ông thợ may” Trạch Xá tay kéo, tay thước, vai mang hành lý dong duổi đó đây để cắt may áo dài thuê đã trở nên quen thuộc với nhiều người.
“Để may một áo dài truyền thống hoàn toàn thủ công cho người đặt, một người thợ may có tay nghề giỏi làng Trạch Xá xưa cũng phải mất 2-3 ngày. Người thợ may phải ăn ở tại nhà của gia chủ đến khi làm xong hợp đồng may áo dài. Chính vì đặc thù của nghề may áo dài Trạch Xá nên phận gái không thể theo được. Vì thế mà những người phụ nữ đóng vai trò là hậu phương vững chắc, đảm đương mọi công việc từ đồng áng đến quán xuyến gia đình”, cụ Nhiên giải thích cho chúng tôi lý do vì sao nghề may áo dài truyền thống của làng Trạch Xá chỉ truyền nghề lại cho con trai.
Khi đến Trạch Xá, nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến hình ảnh những người đàn ông ngồi tỉ mẩn cắt, may, lên mẫu những chiếc áo dài truyền thống đủ màu sắc.
“Đây cũng là một nét đặc biệt nhất của làng tôi so với những nơi khác. Mặc dù đến thời điểm hiện tại, đàn ông cũng đã ít nhiều giúp đỡ phụ nữ trong các công việc nhưng phần lớn công việc chính của họ là ngồi bên máy khâu, tỉ mẩn với từng đường kim, mũi chỉ”, anh Lê Văn Duẩn (Trạch Xá) - một thợ may có thâm niên 20 năm chia sẻ.
Nghề phụ
Gắn bó với nghề may áo dài truyền thống hơn 30 năm nay, anh Đỗ Minh Thường ở xóm Đông, được biết đến là một thợ may có nghề tại làng Trạch Xá cho biết: “Nghề may truyền thống của mình - một làng khâu áo dài bằng tay, 90% may thủ công".
Nghề may của làng cũng có bí quyết để tạo ra được những chiếc áo dài vừa đẹp, vừa khác biệt, mang đặc trưng riêng của làng. “Ở những địa phương khác, may áo chủ yếu bằng kĩ thuật khâu tay ngang nhưng ở Trạch Xá, chúng tôi đều sử dụng kĩ thuật khâu tay dọc. Ưu điểm của kĩ thuật này là tạo nên những mũi khâu đều, được các bậc cao niên đúc kết “Trong dán hồ, ngoài phô trứng rận” cùng với việc đo, cắt “ngang canh, thẳng sợi” đã tạo nên những khác biệt trong cách may áo dài”, anh Thường cho biết thêm.
Theo anh Thường, đa phần những người thợ may áo ở làng Trạch Xá nhận đơn hàng từ trong nội thành Hà Nội. Nếu một người thợ làm chăm chỉ, mỗi ngày làm được từ 2 đến 3 sản phẩm với giá bán 200 ngàn nhưng cũng có áo dài may theo yêu cầu của người đặt, được trau chuốt cẩn thận, thêu hoa, họa tiết thì giá tiền triệu.
Chia sẻ về việc có sống được bằng nghề, anh Thường trải lòng: "Hơn 90% người dân làng Trạch Xá làm nghề may nhưng ở đây nghề nông vẫn là chính. Không ai có thể sống được nếu cả năm chỉ ngồi ở nhà để may áo dài”.
Mấy chục năm gắn bó với nghề may ở mảnh đất Trạch Xá nức tiếng một thời là ngần ấy năm gia đình anh Thường cũng như nhiều gia đình khác của làng mưu sinh để nuôi lấy nghề.
Anh Thường chia sẻ: “Bản thân tôi cũng như các gia đình khác trong làng luôn muốn làm sao để làng nghề được phát triển tập trung hơn, không còn tình trạng nhỏ lẻ như hiện tại. Bên cạnh đó là cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất được cải thiện, xây dựng được những phân xưởng lớn để thu hút những mối khách hàng lớn hơn, mang lại thu nhập ổn định hơn cho những người thợ của làng”.