Cuộc điện thoại cuối cùng và nỗi day dứt của một người cha
Một ngày nọ, Dennis Hill, huấn luyện viên thể thao của một trường trung học tại thành phố Madison, bang Wisconsin, Mỹ nhận được cuộc gọi của Chandra (31 tuổi, con gái đầu lòng của ông) vào lúc 5h30 sáng. Giọng của cô rất buồn thảm và tuyệt vọng song ông Dennis nghĩ đây là chuyện thường vì tâm trạng của cô vốn dĩ không ổn định. Trước đó, cô đăng ký vào các trung tâm cai nghiện và phục hồi chức năng nhưng nằm trong danh sách dự bị. Sau đó vì bận việc, ông chuyển hướng cuộc gọi vào hộp thư thoại. Đến chiều khi xong việc, ông định mở máy ra để trả lời thì nghe bệnh viện báo rằng con gái ông đã dùng súng tự tử. Sau một ngày cố gắng hết sức để giành lại cô ấy từ tay của tử thần, các bác sĩ đã hoàn toàn thất bại.
Ngày đám tang Chandra, ông Dennis ngã quỵ xuống và bật khóc nức nở như một đứa trẻ. Ông vô cùng đau đớn và bất lực. Cú sốc ấy đã khiến ông nhận ra rằng không nên coi thường những vết thương vô hình. Ông chợt hiểu rằng, cái chết con gái ông một phần có ảnh hưởng từ những tổn thương tâm lý thuở ấu thơ. Tuy nhiên, ông đã không quan tâm đầy đủ và giúp con gái vượt qua những phiền muộn đó, cho đến khi Chandra không chịu đựng nỗi nữa và cô đã tìm đến cái chết để kết liễu cuộc đời mình.
Mái nhà chung cho người đồng cảnh ngộ với con
Sau sự ra đi của cô con gái tội nghiệp, ông Dennis đã biến nỗi đau của mình thành những việc ý nghĩa hướng về cộng đồng. Ông biết rằng ngoài Chandra ra, còn rất nhiều người khác cũng đang đối mặt với những vấn đề như rối loạn tâm lý, trầm cảm, nghiện ngập… Họ cũng như Chandra không nhận được sự giúp đỡ một cách đầy đủ và đang bế tắc trong cuộc sống. Không muốn bất kỳ ai bị cơn lốc cảm xúc tiêu cực ập và nhấn chìm, sau khi về hưu, ông Dennis đã mua một ngôi nhà ở phía đông Madison để làm nơi trú ẩn cho phụ nữ vượt qua những cơn bão lòng.
Ông Dennis hy vọng những điều mà trước đây ông chưa kịp làm cho con gái giờ đây ông sẽ giúp ích cho những người phụ nữ đồng cảnh ngộ với con ông. Trong cùng một thời điểm, ngôi nhà có thể đón tiếp 5 phụ nữ đến ở từ 6 tháng đến 2 năm. Những phụ nữ này sẽ được các chuyên gia tư vấn tâm lý, hỗ trợ cai nghiện để tái hòa nhập vào cộng đồng. Đối với những đối tượng có bệnh tình nhẹ hơn, đây là nơi giúp họ thay đổi môi trường sống để cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái hơn trong quá trình làm lại cuộc đời.
Từ khi có ngôi nhà đến nay, ông Dennis gần như không rời chiếc điện thoại. Bất cứ ai trong cơn khủng hoảng tâm lý cần sự giúp đỡ của ông là ông luôn có mặt. Ông cũng không ngại đến tận nhà giúp các bậc cha mẹ hiểu hơn về tình trạng của con để có biện pháp đúng đắn giúp chúng vượt qua cơn khủng hoảng tâm lý. Câu chuyện về tình yêu của ông dành cho con gái Chandra đã được chia sẻ, và chính nó đã giúp ông cứu được nhiều người vượt qua căn bệnh trầm cảm. Khi làm những việc này, ông Dennis luôn có cảm giác như là đang kết nối với cô con gái mà mình yêu quý.