pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ngồi trên xe lăn hơn 10 năm, người phụ nữ tìm thấy tự do bằng ngôi nhà "không vật cản"
Năm 2009, Dịch Ý, sinh sau 1980, lúc đó là nữ sinh ôm nhiệt huyết tuổi trẻ chuẩn bị đi du học lại bị liệt nửa người do tai nạn xe hơi, chỉ còn một ngón tay có thể cử động được.
Năm 2019, Dịch Ý nhờ một anh bạn là nhà thiết kế nội thất, hai người cùng nhau cải tạo ngôi nhà cũ 55 mét vuông thành nơi sống phù hợp với người khiếm khuyết hơn.
"Tôi đang ở nơi này sau khi bản thân không còn lành lặn. Mọi thứ đều tiện dụng và trong tầm kiểm soát", Dịch Ý chia sẻ.
Theo số liệu thống kê từ Liên đoàn người khuyết tật Trung Quốc, tính đến năm 2020, Trung Quốc có 85 triệu người khuyết tật. Nhiều người trong số họ chỉ có thể sống trên xe lăn. Để dung hòa và thích nghi với cách sống bình thường của gia đình trở thành một vấn đề lớn đối với họ.
Đó là lý do Dịch Ý phải tự cho mình một không gian không rào cản phù hợp với bản thân, sống một mình đầy tinh tế và tối giản.
Người yêu tự do lại bị "cầm tù" trên chiếc xe lăn
Dịch Ý là một nhà văn với sở thích đi vòng quanh thế giới. Năm 2009, do tai nạn giao thông ngoài ý muốn, dẫn đến chấn thương cột sống, liệt nửa người, chỉ có thể sinh hoạt bằng xe lăn.
“Tai nạn ập đến khi tôi còn rất trẻ, mới 21 tuổi. Tai nạn này khiến một người yêu tự do như tôi đột ngột bị cầm tù trên chiếc xe lăn”, Dịch Ý chia sẻ.
Suốt hai năm nằm viện điều trị và tập phục hồi chức năng sau chấn thương, Dịch Ý mới dần hiểu “liệt” không chỉ là không có khả năng vận động hay di chuyển, mà có còn đáng sợ hơn rất nhiều.
Trước khi xảy ra tai nạn, Dịch Ý từ nhỏ rất thích đi du lịch và luôn muốn tìm cách để biển du lịch trở thành một nghề kiếm tiền. Sau khi bị liệt, mọi thứ thay đổi, cô đã thử sức với viết lách. Nhưng việc cầm bút bằng bàn tay tật nguyền không hề dễ dàng.
Sau khi xuất viện, Dịch Ý đã bàn với bố mẹ dùng số tiền đi du học theo dự định ban đầu để đi du lịch. Trong chuyến đi đầu tiên, cô đã đến 28 quốc gia ở châu Âu trong ba tháng.
Mất chức năng thể chất chỉ là một phần khiếm khuyết, mà bạn cũng phải thích nghi với sự thay đổi lớn này về mặt tâm lý, bởi vì bất kỳ vấn đề nhỏ nhặt trong cuộc sống đều trở nên quá mức khó khăn. Một thời gian dài, Dịch Ý còn không thể ăn mì sợi vì không thể sử dụng đũa.
Vì không cử động được ngón tay nên mỗi lần bật tắt đèn, điều hòa cô đều phải nhờ người giúp. Mọi việc nhỏ nhặt đều cần đến sự giúp đỡ.
Năm 2019, Dịch Ý tìm một người bạn là nhà thiết kế để cải tạo nơi ở của mình. Bởi lẽ cô cần một không gian không có rào cản cho phép bản thân cân bằng giữa cuộc sống và công việc, đồng thời sở hữu sự độc lập gần như hoàn toàn. Có thể tự làm nhiều thứ bằng cơ thể không lành lặn hiện tại chính là một điều an ủi đối với nữ nhà văn.
Góp nhặt sự tự do bằng hình hài mới
Nhà của Dịch Ý là căn hộ tiêu chuẩn một phòng ngủ, một phòng khách, rộng 55 mét vuông, sau khi cải tạo, xe lăn có thể chạm đến mọi ngóc ngách. Có hai khu vực chức năng chính, phòng làm việc và không gian sinh hoạt. Phòng khách là nơi cô gặp gỡ mọi người và viết lách hàng ngày, còn phòng ngủ là không gian sống.
Cải tạo lớn nhất trong nội thất là chuyển bồn rửa mặt vào phòng khách, thiết kế thấp hơn và đặt bên ngoài để tạo thành một bồn rửa mở.
“Trước đây, tôi đi vệ sinh rất bất tiện, sau khi đi ngoài về chỉ có thể lau tay hoặc rửa bằng thau chậu. Sau khi cải tạo căn nhà, tôi có thể rửa tay trực tiếp bằng nước máy, đặc biệt là trong thời gian dịch bệnh khiến tôi cảm thấy cuộc sống của mình vẫn được duy trì ở trạng thái bình thường”, Dịch Ý nói.
TV xoay có thể xem từ mọi góc độ. Lớp trên của tủ ra vào làm bằng thép tấm, có đủ lực đỡ để đặt vali, mặt còn lại của cửa tủ được trang bị gương soi toàn thân, thuận tiện soi gương trước khi đi ngoài.
Không gian tổng thể trong nhà tương đối nhỏ, cần cất giữ xe lăn điện và xe lăn tay, ghế tắm và vali sử dụng hàng ngày. Vì vậy, Dịch Ý đã làm một chiếc tủ lớn ở cửa ra vào, có thể mở được cả hai bên, thuận tiện cho xe lăn ra vào, tương đương với “bãi đậu xe” cho xe lăn.
Mỗi chỗ lồi ra trong phòng đều là trở ngại cho xe lăn. Do đó, bàn ăn và tủ trong phòng khách được thiết kế giấu vào tường và có thể kéo ra khi cần thiết để đảm bảo nội thất thông thoáng một cách tối đa.
Giờ đây, thông qua giọng nói, Dịch Ý có thể điều khiển đèn, điều hòa, TV, giá treo quần áo, thậm chí cả rèm cửa và cửa sổ trong nhà.
“Tôi hay bị lạnh về đêm mùa đông, 3h sáng thức dậy phải nhờ người dậy chỉnh điều hòa cho. Sau khi cải tạo căn nhà, tôi có thể tự điều khiển được bất cứ lúc nào. Lối thiết kế không chướng ngại vật này đã thay đổi cuộc sống của tôi rất nhiều”.
Khi cơ thể bị khuyết tật, cảm giác bất lực và bất an bủa vây. Nhờ vào không gian thuận tiện này, Dịch Ý mới có cảm giác được kiểm soát cuộc sống của chính mình, điều này đã giúp ích rất nhiều cho cơ thể và tinh thần của cô.
Bây giờ khi rảnh rỗi, Dịch Ý sẽ mời bạn bè đến uống trà trò chuyện, thỉnh thoảng vẽ tranh sơn dầu, và dễ dàng tìm thấy những điều hạnh phúc nhỏ nhặt trong cuộc sống. Không cần gì to tát, đôi khi chỉ là một tia nắng ban mai, một bông hoa nở, một mầm cây mới… khiến cô cảm thấy cuộc sống vẫn tươi đẹp như trước.