Ngọn cờ đấu tranh cho nữ quyền ở Mỹ

31/03/2017 - 11:37
Gloria Steinem là một nhà hoạt động nữ quyền xuất chúng thời hiện đại. Bà là ngọn cờ đấu tranh của phụ nữ Mỹ trong nhiều thập niên cuối thế kỷ 20.

Gloria Steinem sinh ngày 25/3/1934 tại bang Ohio, Mỹ, trong một gia đình có cha làm nghề buôn bán đồ cổ, còn mẹ là nhân viên tòa soạn báo. Bà nội của bà chính là Pauline Steinem - một trong những nhân vật đứng lên đấu tranh đòi quyền bỏ phiếu cho phụ nữ ở Mỹ đầu thế kỷ 20.

Biến cố gia đình ập xuống khi cha mẹ Steinem ly dị lúc cô mới 8 tuổi. Suốt mấy năm sau đó, hai mẹ con sống nghèo nàn khổ sở trong một căn nhà tồi tàn. Năm 15 tuổi, Steinem chuyển tới Washington D.C sống cùng với người chị lớn hơn 10 tuổi và sau đó theo học tại Đại học Smith.

Những năm 60 của thế kỷ trước, việc học đại học chỉ được xem như là một thứ đồ trang sức giúp các cô gái Mỹ kiếm được một công việc trước khi kết hôn. Thế nhưng, Steinem không hào hứng gì đối với hôn nhân. ‘Tôi đã lớn, và là người thay mẹ gánh vác việc nhà’, bà nhớ lại.

3.jpg
 Chân dung nhà hoạt động nữ quyền Gloria Steinem thời trẻ.

Bước ngoặt cuộc đời đến với Steinem khi bà giành được học bổng theo học tại Ấn Độ. Chính tại đây, Steinem ngộ ra rằng, trên đời này còn có những cảnh đời gian nan khốn khó, không phải ai cũng được hưởng thụ tiện nghi vật chất như người dân Mỹ. ‘Nước Mỹ giống như một cái bánh nướng rắc đường thừa mứa lạc lõng giữa hàng triệu con người đang chết đói’, bà tuyên bố. Đó là động lực mạnh mẽ khiến bà quyết liệt tranh đấu cho bất công xã hội, và dấn thân vào con đường làm báo chuyên nghiệp.

Giành được khá nhiều tiếng tăm nhờ những phát ngôn về vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp và hôn nhân vào những năm cuối đại học, thế nhưng con đường báo chí của Steinem gặp khá nhiều trắc trở. Vì giới tính mà công việc làm báo của bà gặp phải rất nhiều khó khăn. Một người biên tập của tạp chí Life đã từng nói thẳng: ‘Cái chúng tôi cần không phải là một cô gái đẹp, mà là một nhà văn, hãy quay về đi!’.

Nhưng giới cầm bút không thể ngoảnh mặt với Steinem mãi. Đến năm 1968, bà được Tạp chí New York nhận vào làm biên tập. Chỉ đợi có thế, bà bắt đầu dấn thân vào những vấn đề chính trị nhức nhối. Steinem lóe lên ý tưởng tranh đấu cho nữ quyền kể từ khi bà có dịp tiếp xúc với nhóm Redstockings, một tổ chức hoạt động giải phóng phụ nữ. Thoạt đầu, bà chỉ gặp nhóm này để tìm hiểu viết bài, nhưng càng lúc bà càng bị các câu chuyện của họ cuốn hút, đặc biệt là những nguy hiểm đe dọa các nạn nhân phá thai bất hợp pháp.

Mặc dù là quốc gia đầu tiên nghiên cứu thuốc tránh thai nhưng Mỹ cũng đồng thời là nơi phản đối gay gắt nhất việc kiểm soát sinh đẻ của phụ nữ. Chính điều này khiến cho số lần sinh con trung bình của phụ nữ Mỹ da trắng lúc đó là 7 lần, và có không biết bao nhiêu phụ nữ thiệt mạng hay chết sớm, do không thể hạn chế số lần mang thai và sinh con.

4.jpg
 Trải qua nhiều trắc trở trong con đường làm báo chuyên nghiệp chỉ vì bị phân biệt là phụ nữ, sau này khi được nhận vào làm việc, bà là cây bút không ngần ngại vạch trần những vấn đề bất bình đẳng giới trong xã hội Mỹ.

Những bài báo của Steinem đã không ngần ngại vạch ra mảng tối đó trong xã hội Mỹ. Bà tuyên bố: ‘Người phụ nữ cần phải được trao quyền tự quyết vấn đề sinh sản của mình mà không phải phụ thuộc vào đàn ông’. Viên thuốc tránh thai đầu tiên của nhân loại ra đời vào năm 1960 đã tạo nên bước ngoặt trong cuộc sống và sức khỏe của một nửa thế giới. Sự xuất hiện của viên thuốc nhỏ bé này là cả một quá trình đấu tranh lâu dài và bền bỉ của những người vì nữ quyền.

Hòa cùng bầu không khí nóng bỏng của phong trào đấu tranh cho quyền công dân và phong trào phản chiến tại Việt Nam những năm cuối thập niên 1960, Steinem tích cực dùng ngòi bút của mình tham gia các phong trào chính trị vốn cuốn hút mạnh mẽ hàng nghìn nam nữ thanh niên. Với vẻ khả ái cùng mái tóc dài vàng óng, bà nhanh chóng trở thành một nhân vật nổi tiếng trong phong trào giải phóng phụ nữ, góp phần đánh thức công cuộc đấu tranh vì nữ quyền vốn đã 'ngủ quên' từ hàng thập kỷ trước đó. Cuộc đấu tranh mới mẻ này ban đầu chỉ mới nhen nhúm ở một nhóm nhỏ, nhưng sau đó không bao lâu đã lan rộng tới mọi ngõ ngách của nước Mỹ.

Những năm sau đó, phong trào nữ quyền do Steinem dẫn dắt dần bước sang một trang mới, quy củ và có tầm ảnh hưởng lớn mạnh hơn. Năm 1971, bà cùng với hai nhà hoạt động nữ quyền có tiếng khác là Bella Abzug và Betty Frieda thành lập Hội phụ nữ chính trị quốc gia, nhằm khuyến khích chị em tham gia bầu cử cũng như đấu tranh cho quyền lợi nữ quyền về nạn phá thai. Phóng khoáng, tươi trẻ, dễ thương và đầy nhiệt huyết, nhiều ý kiến đánh giá: ‘Gloria Steinem là người truyền đạo có sức thuyết phục nhất đối với phong trào nữ quyền’.

Những thành tựu mà Gloria Steinem mang lại cho phụ nữ không thể không kể đến công lao khi bà sáng lập nên tạp chí ‘Nữ sĩ’ (Ms). Đó là tạp chí nói lên những vấn đề của phụ nữ và giải phóng phụ nữ. Nói cách khác, nó phản ánh những vấn đề mà phụ nữ phải đối mặt nhưng chưa bao giờ dám thảo luận trước công chúng.

2.jpg
 Bà là người có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong trào nữ quyền nước Mỹ những thập niên cuối thế kỷ 20.

Là người đi đầu đấu tranh cho nữ quyền của phụ nữ Mỹ nhưng cuộc sống riêng của Steinem lại chất chứa nhiều đắng cay. Năm 1986, bà phát hiện mình bị ung thư vú. Cuộc hôn nhân thứ 3 của bà với nhà hoạt động bảo vệ quyền động vật David Bale năm 2000 chỉ được một thời gian ngắn ngủi khi ông qua đời vì u não chỉ 3 năm sau đó.

Gạt đi những nỗi đau, Steinem tiếp tục dấn thân không mệt mỏi cho sự nghiệp đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ. Các cuốn tiểu thuyết, những bài diễn thuyết trước đám đông của bà tiếp tục công kích việc phụ nữ bị phân biệt đối xử khi đi làm, tuyên chiến với nạn lạm dụng tình dục cũng như đòi hỏi sự bình đẳng giới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm