Ngược Cao Bằng lạc trôi làng rèn nghìn tuổi

04/02/2018 - 07:15
Mục đích của tôi lên Cao Bằng mùa này là để tới Trùng Khánh “săn” hạt dẻ. Song, bạn lại rủ: “Rẽ qua Phúc Sen không?”. Chỉ vì lời giới thiệu: Làng rèn hơn 1.000 tuổi, tôi đồng ý đi vào cái làng từ xa đã nghe tiếng “chí cha chí chát” ấy!
Làng rèn Phúc Sen thuộc địa phận xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng. Thổ địa ở đây kể: chuyện nghề rèn Phúc Sen đã tồn tại cách đây hơn 1.000 năm là có thật, ghi trong gia phả của làng hẳn hoi, theo hình thức cha truyền con nối đến tận ngày nay.

Nghề rèn Phúc Sen đã tồn tại cách đây hơn 1.000 năm

Hiện Phúc Sen có khoảng 150 lò rèn gia đình, rải đều ở 6 xóm: Phia Chang trên, Phia Chang dưới, Ðầu Cọ, Pác Rằng, Tình Ðông và Lũng Vài.

Tôi không phải là người giỏi nội trợ, vì vậy việc đến hẳn một nơi xa Thủ đô hàng mấy trăm cây số chỉ để mua 1 bộ dao làm bếp chưa bao giờ nằm trong những dự tính của tôi. Song, cảnh làng Phúc Sen khiến tôi rất thích.

Đa phần dân ở đây là người Nùng. Khác với nhiều người dân tộc khác mà tôi từng gặp, hầu như mặc quần áo hàng Trung Quốc cho tiện và rẻ, thì người Nùng ở Phúc Sen vẫn kiên trì với trang phục truyền thống màu chàm của mình.

Người dân bán sản phẩm chủ đạo là dao làm bếp

Con đường chính ở xã đã được bê-tông hóa, song mô hình nhà sàn và cung cách sinh hoạt của người dân nơi đây thì hầu như vẫn giữ nguyên sự chất phác, bền bỉ.

Chúng tôi rẽ vào 1 gia đình làm rèn lâu năm. Ngôi nhà sàn có lẽ phải hàng trăm tuổi, từng cột gỗ, tay vịn cửa… đã lên nước bóng loáng. Dưới tầng 1 vừa làm xưởng rèn, vừa để máy cày, kho lúa ngô... Tầng trên ngăn cách bằng từng lớp ván sàn xẻ mộc. Bàn thờ ở giữa nhà, xung quanh là bếp nấu, nơi tiếp khách, chỗ ngủ...

Một căn nhà miền núi điển hình luôn khiến tôi có cảm giác ấm áp và an toàn, mỗi khi ngồi bên bếp lửa của họ, nghe tiếng Kinh lơ lớ và thỉnh thoảng bị cuốn theo những giai điệu rất lạ tai hoàn toàn không hiểu phần lời.

Hiện Phúc Sen có khoảng 150 lò rèn gia đình

Bạn tôi kể là đã mua dao ở Phúc Sen nhiều lần, mẹ anh rất thích, khen dao bền, bén. Vậy nên lần nào có dịp qua đây, anh cũng ghé vào, mua cho mẹ, cho cô dì chú bác, cũng để những người thợ ở Phúc Sen đông khách hơn.

Có một điều đặc biệt ở làng rèn Phúc Sen là mặc dù cơ giới hóa đã len vào từng hang cùng ngõ hẻm, họ vẫn chỉ rèn dao hoàn toàn thủ công, dựa vào kinh nghiệm, từ cách chọn nguyên liệu, cách tôi luyện thép cho đến áp dụng bí quyết riêng để tạo ra các sản phẩm như: dao, kéo, cuốc, liềm... có chất lượng tốt, được bà con lao động tin dùng.

Nghịch lý nữa cũng thú vị, trong cùng phiên chợ, dao kéo của Phúc Sen không đẹp mã bằng, giá lại cao gấp 3 lần dao kéo Trung Quốc mà vẫn bán chạy hơn.

 

Xem thợ rèn Phúc Sen làm nghề, thấy như đang coi 1 bộ phim tài liệu mà từ âm thanh, hình ảnh đến ánh sáng đều gợi nhớ những mảng màu của châu Phi: đen, khỏe và rực lửa. Từ đầu làng, đâu đâu cũng thấy các lò than rực cháy, tung tóe những đốm hoa lửa sau những nhát búa, nhát đe dẻo như múa nhưng lại tiềm tàng sức mạnh chế ngự cả sắt thép.

Bác Nông Tào, hơn 50 tuổi, đã có kinh nghiệm 30 năm làm nghề rèn, cho biết: "Làm nghề rèn không quá khó nhưng để trở thành 1 thợ rèn có thể làm ra những sản phẩm đẹp về mặt thẩm mỹ, dễ dàng, thuận tiện cho người sử dụng, vừa sắc đến mức có thể dùng dao chặt củi cạo lông, vừa bền bỉ dù để chặt gỗ hay chặt xương bò, xương trâu thì đòi hỏi người thợ phải học hỏi, rèn luyện, kiểm nghiệm thực tế trong nhiều năm”.

Người bán hàng ở Phúc Sen vẫn giữ được sự hồn nhiên của người Nùng, họ tuyệt không chèo kéo khách

Anh Cao Nguyên, một thợ lành nghề ở Phúc Sen, khẳng định: “Học nghề rèn ai nhanh cũng phải mất 3 năm. Kỹ thuật rèn thủ công như ở Phúc Sen không có công thức mà là dạng "truyền khẩu phi vật thể" nên chỉ cảm nhận bằng sự tinh tế của tai, mắt, của tay người thợ. Sản phẩm sắc bén, thép được tôi đúng độ, rắn mà không giòn, dẻo mà không mềm”...

Người bán hàng ở Phúc Sen vẫn giữ được sự hồn nhiên của người Nùng, họ tuyệt không chèo kéo khách, đỗ xe ở nhà này mà sang nhà khác mua sản phẩm thì chủ nhà vẫn vui vẻ vì toàn làng xóm, họ hàng với nhau cả.

Nghề rèn ở Phúc Sen tồn tại theo hình thức cha truyền con nối đến tận ngày nay

Trong cốp xe xuôi Hà Nội của chúng tôi hôm ấy ngoài mấy con dao phay nhiều kích cỡ còn lọt thỏm 1 cái lục lạc bò mà tôi cố ý thửa riêng. Khi lần đầu thấy nó, tôi đã nghĩ đến việc treo ngoài hiên gió, thay cho cái chuông thủy tinh.

Để biết đâu mỗi lần gió qua, tiếng lục lạc vang lên, sẽ nhắc tôi về những chuyến đi còn dang dở, cho tôi thêm động lực bứt ra khỏi những bận rộn quấn chân, để mà lại xách ba lô và đi!

Thông tin cho bạn
- Làng rèn Phúc Sen thuộc địa phận xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng, cách trung tâm thành phố Cao Bằng khoảng 28km về hướng Đông.
- Từ thành phố Cao Bằng, theo quốc lộ 30 vượt qua cung đường vắt núi hùng vĩ là đến làng rèn Phúc Sen. Bắt đầu vào địa phận Phúc Sen là đoạn đường dài chừng 2km được bày bán đủ loại công cụ bài trí bắt mắt, kèm âm thanh của những nhát búa, đe chan chát.
- Giá dao phay loại to ở đây trung bình 150.000-200.000đ/chiếc, lục lạc bò: 70.000đ/chiếc.
- Ngoài Phúc Sen, Cao Bằng mùa thu còn rất nhiều cảnh đẹp khác: Thác Bản Giốc (mùa này đẹp nhất vì nước đổ vừa phải, mềm mại), Động Ngườm Ngao (cạnh Thác Bản Giốc) được ví như các hang động ở Vịnh Hạ Long, lúa ruộng bậc thang chín vàng, hạt dẻ Trùng Khánh vào độ thu hoạch, Khu di tích Pác Bó…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm