87% phụ nữ và trẻ em gái từng bị quấy rối tình dục
Tại hội nghị, bà Trần Thị Bích Loan, Phó vụ trưởng, Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động Thương binh Xã hội, cho hay, bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam thể hiện ở các hình thức như bạo lực giới trong gia đình, mua bán người và bóc lột tình dục, tảo hôn và ép hôn, mại dâm cưỡng bức, nạo phá thai lựa chọn giới tính, quấy rối tình dục ở nơi làm việc, nơi công cộng, ép kết hôn với người nước ngoài vì kinh tế, xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực qua mạng xã hội...
Theo số liệu thống kê của Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động Thương binh Xã hội, có đến 11% học sinh bị xâm hại ít nhất 1 lần; 27% nữ nhà báo bị quấy rối tình dục, 31,2% nữ sinh bị quấy rối tình dục trên xe bus, 58% phụ nữ từng bị bạo hành hoặc bạo lực tình dục, trên 63% phụ nữ và trẻ em gái cảm thấy lo lắng tại nơi công cộng, 87% phụ nữ và trẻ em gái từng bị quấy rối tình dục. Điều đáng lo ngại là 87% nạn nhân bị bạo hành hoặc bạo lực tình dục không sử dụng dịch vụ công.
Trong giai đoạn 2011 - 2017, có 5.984 trường hợp là nạn nhân của việc mua bán người và bóc lột tình dục, trong đó, 96% là phụ nữ và trẻ em gái.
Theo bà Trần Thị Bích Loan, khoảng trống trong các chương trình can thiệp của ta là hiện nay, chúng ta mới chỉ đang tập trung chủ yếu vào bạo lực gia đình mà cụ thể là bạo lực thể chất trong khi bạo lực kinh tế, xâm hại tình dục vẫn đang bị bỏ trống; chưa có mô hình chuẩn dịch vụ nạn nhân bạo lực giới; khoảng trống trong pháp luật, chính sách như đề cập đến vấn nạn quấy rối tình dục ở nơi làm việc nhưng vẫn chưa có những chuẩn mực xét xử, phạt tiền khi gây bạo lực gia đình nhưng đôi khi chồng phạm lỗi mà vợ lại phải mang tiền nộp phạt giúp...
7.500 người bị sang chấn được tác động
Bà Micaela Cronin, Tổng giám đốc điều hành, Hagar Quốc tế cho biết, Hagar hiện đang triển khai dự án “Hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn”. Theo đó, những nạn nhân của hành vi mua bán người, xâm hại, bạo lực trên cơ sở giới, khi được hàn gắn, chu kỳ sang chấn sẽ chấm dứt. Hagar sẽ là hỗ trợ và phục hồi cho những người chịu ảnh hưởng của sang chấn cũng như các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ họ.
Theo bà Tô Thị Hạnh, Trưởng nhóm Hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn, Hagar Quốc tế tại Việt Nam, sang chấn tâm lý là hệ quả của việc trải qua tình huống, sự kiện gây căng thẳng hay mang tính đe dọa đến cuộc sống, khiến cá nhân trải nghiệm sự quá tải về cảm xúc và thể chất và để lại những tác động lâu dài lên các khía cạnh như thể chất, cảm xúc, xã hội, tinh thần hay tâm linh.
Bà Hạnh cung cấp thông tin, một nghiên cứu tại Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng, hành vi tự tử của những người đã bị sang chấn sẽ tăng gấp 15 lần người bình thường. Việt Nam đã có 2 nghiên cứu về trải nghiệm thời thơ ấu và tìm ra liên kết: những SV trong trường Y ở Việt Nam có các vấn đề về thể chất, tinh thần thì có nhiều trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu hơn các sinh viên khác như bị nhiếc móc, mắng mỏ, chửi bới...
Bà Tô Thị Hạnh cho biết, từ 2009 đến cuối 2017, Hagar đã hỗ trợ người trải qua sang chấn từ 30 tỉnh thành tại Việt Nam. Năm 2018, Hagar tập trung vào Hà Nội, Hòa Bình, Nghệ An và Yên Bái, nhưng vẫn xem xét việc hỗ trợ với các tỉnh khác. Hiện Hagar Quốc tế tại Việt Nam đã tác động được đến 7.500 người bị sang chấn và có 479 người hưởng lợi.