pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người có uy tín là phụ nữ làm công tác vận động rất tốt nhưng số lượng còn ít
Người uy tín là phụ nữ làm công tác vận động rất tốt, can thiệp được những vấn đề trong gia đình, cộng đồng.
Đây là 1 trong chuỗi 3 Hội thảo khu vực miền Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam, do Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy 3 tỉnh: Hòa Bình, Lâm Đồng và Trà Vinh tổ chức.
Hoạt động này nằm trong khuôn khổ thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I, từ năm 2021-2025.
Theo PGS.TS Đặng Thị Hoa, trên thực tế, người uy tín là phụ nữ làm công tác vận động rất tốt, can thiệp được những vấn đề trong gia đình, cộng đồng. Họ là những người có ảnh hưởng rất mạnh đối với những người phụ nữ khác trong cộng đồng. Tuy nhiên, hiện số lượng người phụ nữ có uy tín trên cả nước nói chung cũng như ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng còn rất ít.
Dẫn lại số liệu từ thông báo của Ủy ban dân tộc về danh sách số người chức sắc tôn giáo, cơ sở sinh hoạt tôn giáo và người có uy tín năm 2023, bà Hoa cho biết, 9 tỉnh/thành gồm: Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, TP.Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau có 1.840 người có uy tín. Tuy nhiên trong số này chỉ có 82 người có uy tín là phụ nữ; thậm chí có tỉnh như Vĩnh Long còn không có người uy tín nào là nữ giới trong tổng số 36 người có uy tín trên địa bàn. Hay như tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số như An Giang cũng chỉ có 3 người uy tín là nữ giới trong tổng số 120 người có uy tín trên địa bàn.
Tại Hội thảo, PGS.TS Đặng Thị Hoa cho biết thêm, hiện nay ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nổi lên 3 vấn đề về bất bình đẳng giới, gồm trong lĩnh vực giáo dục, tham chính và thu nhập.
Cụ thể, thứ nhất, trong lĩnh vực giáo dục, tuy các cấp chính quyền đều nỗ lực vận động trẻ đi học, trẻ em được đến trường. Thế nhưng hầu hết trẻ em gái ở vùng đồng bào dân tộc chỉ học hết trung học cơ sở, trung học phổ thông; còn tỷ lệ trẻ học nghề, học đại học và sau đại học rất thấp.
Thứ hai, tỷ lệ phụ nữ đồng bào dân tộc làm lãnh đạo cũng như vị thế xã hội nói chung còn thấp. Theo bà Hoa, nguyên nhân là do người phụ nữ đồng bào dân tộc phải chịu trách nhiệm nhiều hơn trong gia đình. Chính khuôn mẫu giới khiến cho người phụ nữ khi tham gia nhiều hơn công tác xã hội so với nam giới thì sẽ bị gia đình, cộng đồng lên án. "Đối với đồng bào Khmer, khi người phụ nữ năng động quá, làm việc nhiều quá, thậm chí còn bị mẹ chồng, chồng không hài lòng. Chính vì vậy việc thúc đẩy bình đẳng giới ở các tỉnh phía nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long cần phải được hết sức quan tâm", Quyền Viện trưởng Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh.
Thứ ba là bất bình đẳng trong vấn đề thu nhập khi thu nhập bình quân của phụ nữ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn so với nam giới. Theo số liệu khảo sát năm 2018-2019 của Viện Nghiên cứu Gia đình và giới, ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, mức thu nhập trung bình của lao động nam cao hơn lao động nữ 1,25 lần (2,583 triệu đồng so với 2,086 triệu đồng).
PGS.TS Đặng Thị Hoa cho rằng, khi đã nhận diện được các vấn đề bất bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì cần phải tập trung giải quyết. Việc tuyên truyền vận động trong vấn đề bình đẳng giới cần phải có trọng tâm, trọng điểm, có mục đích rõ ràng. Trong đó, cần phải phát huy hơn nữa vai trò của người có uy tín, chức sắc, chức việc các tôn giáo.
Để phát huy được hơn nữa vai trò của những người có uy tín, chức sắc tôn giáo trong thực hiện các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số vùng Đồng bằng sông Cửu Long, theo PGS.TS Đặng Thị Hoa, trước hết phải vận động, giải thích, tuyên truyền cho những người có uy tín, chức sắc, chức việc tôn giáo nhận diện rõ những vấn đề đang dẫn tới bất bình đẳng giới trong cộng đồng với những đặc điểm cụ thể, rõ ràng trong phong tục tập quán, những thành kiến, định kiến hay các thói quen hành vi dẫn tới bất bình đẳng giới.
Một trong những khó khăn đối với người có uy tín và chức sắc tôn giáo là phần lớn trong số họ là nam giới. Tỷ lệ nữ giới là người có uy tín, chức sắc có vị trí cao trong tổ chức tôn giáo ở địa phương là rất thấp. Do vậy, bà Hoa cho rằng, việc vận động những người nam giới thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi trong cộng đồng từ những người có sự đồng cảm giới tính là rất thuận lợi. Nhưng cũng đặt ra vấn đề là bản thân người có uy tín, chức sắc tôn giáo có thực sự thấm nhuần các quan điểm về bình đẳng giới hay không lại là một vướng mắc ở địa phương.
Do đó, Hội LHPN ở các địa phương cần quan tâm, chú ý hơn đến những người có uy tín, chức sắc tôn giáo để vận động, tuyên truyền họ lồng ghép các nội dung thúc đẩy bình đẳng giới trong các hoạt động. Đồng thời, cần có khen thưởng, khích lệ kịp thời những người có uy tín, chức sắc, chức việc các tôn giáo có hoạt động tốt trong công tác bình đẳng giới.