Tôi bước vào căn nhà và đoán biết “cái tổ” này không ấm. Mẹ tôi bảo, phụ nữ thường rất nhạy ở điều này. Nhưng có thể bởi chỗ tôi đang sống cũng nhờn nhợt, nhờ nhờ như nơi đây. Chỉ nhìn vào vài ba cảnh trong nhà đã thấy quen thuộc: tất cả đều bừa bộn và im ắng. Đôi khi sự bừa bộn lại ẩn chứa những vui tươi, là những thứ đồ chơi trẻ con ngày nào cũng bày nghịch, là mấy cuốn báo mà ông chồng hàng ngày đọc rồi ngủ quên trên ghế sofa, là cái điều khiển tivi bị quăng quật hết chỗ này đến chỗ khác, để rồi có lúc người vợ phải cáu gắt lên, khi thì cậu con trai muốn xem phim hoạt hình mà tìm miết không thấy.
Cảnh đó tôi thường thấy ở nhà hàng xóm cùng với những tiếng nói cười rôm rả. Còn nhà chị lúc này, tựa như nhà tôi, bừa bộn nhưng là cái bừa bộn “ngủ yên” đằng đẵng. Con ngựa gỗ như nằm chết ở xó nhà nửa năm nay, mấy bộ quần áo treo trên móc ngay ở cửa ra vào mốc thếch và bụi bặm.
Hôm nay là buổi thứ 3 tôi đến dạy Toán cho con trai chị. Công việc này tôi làm thêm sau thời gian ở cơ quan để tăng thu nhập. Giống như tôi, chị cũng nhận thêm khá nhiều đơn hàng và hì hụi cả tối. Chị vẫn cởi mở và hiền thục đúng mẫu phụ nữ truyền thống. Khác với tôi, lúc nào trong tôi cũng sẵn một “ngọn lửa nổi loạn”.
Phải chăng tôi cũng cần cho Khánh một tia hy vọng. Ảnh minh họa.
Khánh chẳng làm nổi việc gì khác. Hàng ngày, anh tới cơ quan và chắc sẽ ngồi ì suốt mấy tiếng giết thời gian. Lương ít ỏi, rất nhiều lần tôi khuyên Khánh đi tìm một công việc khác. Tôi biết, từ ngày sếp cũ rời đi, sếp mới lên chức, Khánh đã chịu nhiều gò ép. Anh chấp nhận, chán nản và sống như một con rùa rụt cổ ở công ty. Khánh chấp nhận cả việc để tôi đi làm thêm mỗi tối, còn anh sẽ ung dung nằm dài thượt ở ghế mà ngủ. Những buổi tối trở về, tôi không còn bận tâm đến sự bừa bộn và tuềnh toàng trong ngôi nhà của mình.
***
Chồng của chị về nhà với cái giọng khề khà, say xỉn. Gã nôn thốc nôn tháo sau những câu chửi đời, chửi vợ. Những buổi sau đến nhà chị, tôi chỉ trông chờ chị kể khổ, chê chồng để tôi được dịp “phụ họa”. Vậy mà chị vẫn im ỉm tất cả, những câu chuyện chỉ đề cập đến công việc của chị và việc học của thằng bé. Thằng bé bảo, bố nó có rất nhiều quần áo đẹp mà gã tự mua về, hàng tối gã sẽ bắt vợ hoặc con bóp chân, xoa đầu. Tôi khuyên chị bỏ quách gã đi nhưng nhìn lại tổ ấm của mình cũng có khác là bao. Chị cười nhẹ tênh: “Ngày xưa anh ấy cũng chăm chỉ, yêu thương và chu đáo với gia đình lắm. Từ 2 năm trước, tính khí bỗng thay đổi hẳn. “Sông có khúc, người có lúc” mà em. Biết đâu sau này anh ấy lại như xưa!”.
***
Trên đoạn đường về hun hút giá lạnh, tôi đã nghĩ rất nhiều về Khánh, về tổ ấm tẻ nhạt và ảm đạm của mình. Phải chăng tôi cũng cần cho Khánh một hy vọng. Dẫu méo dẫu tròn, bao nhiêu năm tôi cũng nào bỏ được Khánh, chẳng phải tôi còn yêu anh sao?