“Người dân có lòng, hội phụ nữ có cách” gửi nông sản đến TPHCM

Hoài Thương
20/07/2021 - 18:35
“Người dân có lòng, hội phụ nữ có cách” gửi nông sản đến TPHCM

Hội viên phụ nữ xã Nhuận Phú Tân (Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) vận chuyển rau củ về nơi tập kết.

Những ngày qua, liên tục những chuyến xe yêu thương vượt hàng trăm cây số từ miền Trung, Tây Nguyên, miền Tây chở hàng hỗ trợ đến TPHCM. Ngoài hàng hóa, rau, củ, quả, buồng dừa, nải chuối… còn có tấm lòng yêu thương của chị em phụ nữ các cấp Hội gởi đến những hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19.

Vượt khó chở yêu thương

Ngay khi TPHCM tạm đóng 3 chợ đầu mối và 2/3 chợ truyền thống để phòng, chống dịch Covid-19, người dân gặp khó khăn khi mua thực phẩm thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng như rau, củ, quả. Với những hộ nằm trong diện cách ly, phong tỏa, những gia đình thuê trọ, hộ có hoàn cảnh khó khăn lại càng túng quẫn trong mùa dịch.

Nắm bắt được thực trạng trên, nhiều cấp hội phụ nữ ở các tỉnh như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bến Tre, Đồng Tháp, Cà Mau, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế… đã vận động quyên góp, vận chuyển hàng hóa, rau xanh, nhu yếu phẩm gửi vào "chia lửa" cho bà con tại TPHCM. Để hàng hỗ trợ đến tay người dân vùng dịch là một quá trình khó khăn, nhất là khâu vận chuyển và bảo quản.

“Người dân có lòng, hội phụ nữ có cách” gửi nông sản đến TPHCM mùa dịch covid-19 - Ảnh 1.

Hội LHPN huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre) vận động người dân ủng hộ nông sản gửi tặng TPHCM

Huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre) đã vận động khá tốt nguồn nông sản trong đợt dịch này. Các nông sản địa phương do người dân các ấp, xã ủng hộ, Hội LHPN các xã làm đầu mối nhận, tập kết chung về một mối tại huyện và thuê xe vận chuyển lên TPHCM.

Chị Nguyễn Thị Bé Hồng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre), cho biết: "Việc đưa hàng hỗ trợ lên TPHCM gặp nhiều khó khăn nhất là khâu vận chuyển. Tài xế đi qua các chốt trạm phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19, test nhanh ở các chốt. Các chủ xe cho mượn xe nhưng lại thiếu tài xế. Nhiều tài xế không chịu đi, họ sợ đi vào vùng dịch về bị cách ly hoặc bị kỳ thị. Nhưng cũng có nhiều người nhiệt tình, vượt qua khó khăn chở đồ lên cho bà con ở trển (TPHCM). Việc vận chuyển nông sản về điểm tập kết thời gian đầu cũng gian nan. Lúc phát động, chúng tôi giao cho phụ nữ ở xã làm đầu mối tập kết. Nhưng khi triển khai, nhiều xã thu một lần gần 2 tấn rau, củ, quả, dừa, củ mỳ… việc vận chuyển về điểm tập kết cũng là một vấn đề lớn. Chưa kể, với số lượng hàng hóa quá lớn, hội phụ nữ huyện không đủ nhân sự nên phải huy động sự giúp sức của lực lượng quân sự, Đoàn Thanh niên địa phương cùng bốc vác hàng lên xe. Nhiều lúc, có tới 3 - 4 tấn rau xếp lên xe, các chị em không đủ người để xếp. Chuyến đầu còn phấn khởi, tới chuyến thứ 3 là khiêng không nỗi. Vất vả là vậy nhưng tinh thần "tương thân tương ai" không bao giờ dập tắt. Bà con có lòng, hội phụ nữ có cách, hàng hóa cuối cùng cũng được vận chuyển đến nơi đến chốn".

“Người dân có lòng, hội phụ nữ có cách” gửi nông sản đến TPHCM mùa dịch covid-19 - Ảnh 2.

Phụ nữ Bến Tre gửi yêu thương qua từng bó rau, buồng dừa, nải chuối, củ mỳ...

Tương tự, Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng thời gian qua cũng phối hợp với các đoàn thể tại địa phương vận động, quyên góp nhu yếu phẩm, rau, củ, quả gửi xuống cho người dân tại TPHCM. Để có những chuyến xe yêu thương đó, các chị đã nỗ lực hết mình, vượt qua nhiều khó khăn mùa dịch bệnh, gửi những phần quà thiết thực đến thành phố mang tên Bác.

“Người dân có lòng, hội phụ nữ có cách” gửi nông sản đến TPHCM mùa dịch covid-19 - Ảnh 3.

Chị em phụ nữ huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) hái rau hỗ trợ vùng dịch

Chị Phạm Thị Ánh Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng, cho biết: "Trong quá trình thực hiện, chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn như: Tình hình là giá rau, củ, quả tăng, vận động quyên góp khó. Việc bảo quản rau, củ chỉ để trong thời gian ngắn. Vậy nên, chúng tôi phải đẩy nhanh tiến độ thu hoạch. Ví dụ như thu hoạch buổi sáng là buổi tối phải vận chuyển đi ngay. Trong khi đó, nguồn nhân lực bị hạn chế, theo quy định hiện nay là không được tập trung đông người cùng một lúc. Tại tỉnh Lâm Đồng hiện nay, có huyện thì thực hiện giãn cách  theo Chỉ thị 16, có huyện thì giãn cách theo Chỉ thị 15, nên không thể nào vận động cùng lúc nhiều hội viên phụ nữ, đoàn viên thanh niên tham gia. Bằng sự quyết tâm và tinh thần tương thân tương ái, mọi khó khăn cuối cùng cũng được giải quyết".

Đáp nghĩa ân tình

Rất nhiều năm qua, mỗi khi các tỉnh bị thiên tai, dịch bệnh, lũ lụt hay hạn mặn, người dân TPHCM luôn nghĩa hiệp, cứu trợ. Nay TPHCM bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, các tỉnh lại gửi hàng vào giúp sức như một cách đáp nghĩa ân tình.

Chị Nguyễn Thị Kim Thoa, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bến Tre, cho hay: "TPHCM trước đây đã có nhiều hỗ trợ cho Bến Tre về an sinh xã hội. Lần này, TPHCM gặp khó khăn do dịch bệnh nên Hội LHPN tỉnh Bến Tre cũng mong muốn chung tay giúp đỡ. Được tin người dân ở TPHCM thiếu thốn về rau, củ nên chị em phụ nữ Bến Tre vận động nhau, gửi nông sản của địa phương lên giúp TPHCM vượt qua giai đoạn này. Mặc dù vật chất không có bao nhiêu, nhưng hoạt động sẽ góp phần tăng tình đoàn kết. Dù vài buồng chuối, trái dừa nhưng chan chứa tình cảm của người dân Bến Tre gửi đến TPHCM".

Về hoạt động hỗ trợ vùng dịch, trong đợt dịch lần này, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh Bến Tre hỗ trợ 15.000 tấm kính chắn giọt bắn; hơn 4.000 tai giả đeo khẩu trang hỗ trợ cho đội ngũ y, bác sĩ và tổ phòng, chống Covid cộng đồng, gửi tặng các tỉnh, thành ảnh hưởng của dịch bệnh; 25 tấn nông sản và thực phẩm cá khô, trứng hỗ trợ người dân TPHCM và các tỉnh ảnh hưởng nặng do dịch bệnh.

Chị Thoa còn cho hay, từ 18/6 đến nay, Hội LHPN tỉnh Bến Tre đã phát động phong trào "Cán bộ hội viên chung tay phòng chống dịch bệnh Covid", trở thành phong trào thi đua trong toàn hệ thống hội. Hội đã kết hợp giữa hỗ trợ tiêu thụ nông sản với hoạt động ủng hộ vùng dịch. Ví dụ như mua vải thiều Bắc Giang ủng hộ cho vùng dịch… Hoạt động kết hợp vừa giúp chị em nông dân khắc phục khó khăn trong sản xuất vừa giúp người dân vùng dịch có nguồn hàng tươi, ngon.

“Người dân có lòng, hội phụ nữ có cách” gửi nông sản đến TPHCM mùa dịch covid-19 - Ảnh 4.

Phụ nữ Đắk Lắk gửi nông sản hỗ trợ vùng dịch

Tại tỉnh Đắk Lắk, từ ngày 14 - 16/7, các cấp Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk đã vận động được cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh ủng hộ trên 58 tấn gạo, rau củ, quả, gần 3000 quả trứng, trên 500 thùng mì tôm, sữa, dầu ăn, nước mắm… tổng trị giá trên 1,6 tỷ đồng nhằm hỗ trợ cho người dân TPHCM và tỉnh Khánh Hòa phòng, chống dịch Covid-19.

Còn Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng cũng phối hợp với Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh, Hội Nông dân, Liên đoàn lao động, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức 2 đợt chương trình "Chuyến xe yêu thương, hướng về Thành phố mang tên Bác" và "Chuyến xe yêu thương, cùng Bình Dương chiến thắng đại dịch". Đợt 1 huy động được 55 tấn nông sản, trái cây các loại; 19 tấn gạo; 500 thùng mì ăn liền; 70,6 triệu tiền mặt, cùng các loại nhu yếu phẩm cần thiết khác, trao tặng cho Thành đoàn TPHCM. Sau đó, hàng hóa cứu trợ được phân bổ đến các "Siêu thị 0 đồng" và khu dân cư trên địa bàn TPHCM. Đợt 2, "Chuyến xe yêu thương, hướng về Thành phố mang tên Bác" chở 73 tấn nông sản, 22 tấn gạo, 550 thùng mì, 1 tấn nhu yếu phẩm khác và hơn 100 triệu tiền mặt.

“Người dân có lòng, hội phụ nữ có cách” gửi nông sản đến TPHCM mùa dịch covid-19 - Ảnh 5.

Phụ nữ Lâm Đồng tham gia thu hoạch nông sản để gửi đến TPHCM

Không chỉ tổ chức hội, nhiều cá nhân phụ nữ cũng tự đứng ra vận động để gửi yêu thương đến TPHCM. Như chị Khánh Linh (Phường 4, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) cũng vận động nhiều người cùng giúp bà con nghèo ở TPHCM vượt qua mùa dịch. Chị Linh cho biết, cách đây không lâu, dù vẫn đang gồng mình chống dịch nhưng TPHCM vẫn tạm mở Chợ Đầm Sen để giải cứu hoa cho Đà Lạt. Nhớ đến và cảm kích những ân tình ấm áp đó, chị đã vận động những chuyến xe rau cùng lời nhắn nhủ cảm động: "Sài Gòn hôm nay đã thấm mệt, Đà Lạt góp sức gửi chân tình". Trong 10 ngày đầu triển khai, đã có tổng cộng 6 chuyến xe chở hơn 10 tấn các loại rau, củ, quả tươi ngon rời Đà Lạt lên đường về tới TPHCM.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm