Người dân đang bị ‘gạt ra rìa’ lễ hội

17/02/2019 - 06:58
‘Người dân, chủ thể của lễ hội, bị ‘gạt ra rìa’ và chỉ đóng vai trò thụ động như các du khách’ – PGS.TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhận định.

Theo PGS.TS Trần Hữu Sơn, các lễ hội từ miền núi cho đến đồng bằng hiện nay đã có sự biến đổi về chủ thể tổ chức lễ hội. “Trước đây trong các lễ hội làng cổ truyền, người dân thực sự là chủ thể của lễ hội. Cộng đồng người dân địa phương đều háo hức tập luyện hàng tháng trời để mong được tham gia gánh vác một việc nào đó, hoặc sắm một vai nào đó trong nhiệm vụ tổ chức lễ hội. Người được khiêng kiệu, rước lễ là một vinh dự cho cả phe, giáp, dòng họ. Các hội làng hầu hết do chủ làng và hội đồng quản lý của làng thực hiện”, ông nói.

 

1.jpg
PGS.TS Trần Hữu Sơn 
 

Nhưng hiện nay, theo nhận định của Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, hầu hết các lễ hội ở làng quê, miền núi đều do chính quyền các cấp chỉ đạo sát sao: “Lễ hội ở miền núi dù là lễ hội của một làng hay lễ hội của một số gia đình nhưng đều có chủ tịch hoặc phó chủ tịch xã đứng ra khai mạc, đọc diễn văn. Nhiều lễ hội đồng bằng, ban tổ chức thuê các công ty sự kiện, các đoàn nghệ thuật đứng ra dàn dựng chương trình, đứng ra làm dịch vụ tổ chức.

 

Người dân, chủ thể của lễ hội, bị “gạt ra rìa” và chỉ đóng vai trò thụ động như các du khách. Thậm chí có tỉnh tổ chức festival nhưng từ việc trang trí khánh tiết, biểu diễn nghệ thuật, tổ chức các hoạt động đều không cần sự tham gia của ngành văn hóa, thể thao. Hoặc nếu ngành văn hóa được tham gia thì cũng với tư cách đi làm thuê cho các công ty sự kiện. Như vậy, vai trò của cộng đồng địa phương, vai trò của người dân – chủ thể sáng tạo của lễ hội cổ truyền, đã bị đánh mất”.

 

PGS.TS Trần Hữu Sơn đánh giá, lễ hội cổ truyền đang có xu hướng biến đổi cả về mục đích, chức năng và cấu trúc. Mục đích của các hội làng là cầu người yên vật thịnh, lễ hội được tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh, nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân trong thời điểm nông nhàn. Nhưng hiện nay, do tác động của cơ chế thị trường, lễ hội lại có mục đích quảng cáo cho các thành thị và địa phương, hoặc là nơi cầu may rủi, cầu lợi lộc cho cá nhân, cầu thăng quan tiến chức...

 

Biến đổi của lễ hội còn thể hiện ở sự nghèo nàn, đơn điệu trong các hình thức giải trí nhưng lại cực đoan, “nở rộ” trong các hình thức tín ngưỡng, mê tín. Quan hệ giữa ban tổ chức lễ hội và du khách thập phương là quan hệ dịch vụ, tận thu được nhiều nguồn tiền, dẫn đến tình trạng “chặt chém” ở các dịch vụ ăn nghỉ.

 

Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, cấu trúc lễ hội có hai phần: phần lễ và phần hội. Nhưng hiện nay, xuất hiện rất nhiều hình thức mít – tinh kỷ niệm không có “phần hội”, không có sự tham gia của cộng đồng mà chỉ là sự kiện của chính quyền cũng gọi là lễ hội. Hoặc có sự kiện chỉ mang tính hội hè nhằm quảng bá tới du khách, người mua hàng mà vẫn gọi là lễ hội... Như vậy, cấu trúc của lễ hội cũng biến dạng.

 

PGS.TS Trần Hữu Sơn nói, trước thực trạng các xu hướng biến đổi của lễ hội đang diễn ra nhanh chóng như hiện nay, xuất hiện hai luồng dư luận trái chiều: “Một số cơ quan thông tin đại chúng cho rằng việc tổ chức và quản lý lễ hội vô cùng lộn xộn, mất bản sắc văn hóa dân tộc, gây ra nhiều hậu quả tai hại và đề xuất các biện pháp mang tính hành chính như “cấm”, “bỏ”. Thậm chí có người chưa hiểu rõ xu hướng biến đổi của lễ hội là một yêu cầu khách quan khi chuyển sang cơ chế thị trường nên sốt ruột đề ra các giải pháp mang tính chất chữa cháy là chính. Hoặc cũng có khuynh hướng coi nhẹ vai trò quản lý nhà nước, cần để cho người dân tự do làm chủ, tự do tổ chức lễ hội. Cả hai luồng dư luận như vậy đều không đánh giá đúng thực tế”.

 

0.jpg
Người dân phải được tham gia lễ hội, đồng thời không xem nhẹ vai trò quản lý của nhà nước 
 

 

Từ kinh nghiệm tổ chức và quản lý lễ hội ở các tỉnh, PGS.TS Trần Hữu Sơn cho rằng cần nhận thức sự biến đổi của lễ hội cổ truyền cũng như xuất hiện nhiều loại hình tổ chức sự kiện mới là một yếu tố khách quan trong đời sống văn hóa hiện nay. Vì thế không nên có quan điểm cứng nhắc, lấy các nguyên lý tổ chức lễ hội truyền thống làm khuôn mẫu cho việc tổ chức các lễ hội, tổ chức các sự kiện như hiện tại. Ở lĩnh vực này cần bám sát thực tiễn, tổng kết thực tiễn trên cơ sở lý luận về quản lý văn hóa.

 

“Trong đó cần đặc biệt nhấn mạnh vai trò chủ thể của cộng đồng người dân tổ chức lễ hội. Người dân phải được tham gia các quá trình tổ chức lễ hội, phải được trao quyền tổ chức lễ hội hiệu quả. Đồng thời cũng không coi nhẹ việc quản lý của nhà nước đối với lễ hội”, PGS.TS Trần Hữu Sơn khẳng định.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm