“Nhìn thấy biển”
Bị khiếm thị bẩm sinh nhưng bà Koziol đam mê lái thuyền buồm - một sở thích không mấy người sáng mắt làm được. Trên vùng hồ nằm gần biên giới Belarus, bà Koziol tự tin lướt thuyền buồm khi tham gia khóa dạy lái thuyền buồm dành cho những người khiếm thị.
Trong những năm gần đây, các hiệp hội lái thuyền buồm dành cho người khiếm thị như vậy đã xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Đầu tháng 9 năm nay, 16 đội đua đã cùng nhau tham dự giải vô địch đua thuyền buồm thế giới dành cho người khiếm thị tại hồ Michigan (Mỹ). Tuy nhiên, Ba Lan vẫn tự hào là quốc gia đi đầu trong phong trào này vì đã duy trì hoạt động đào tạo người khiếm thị lái thuyền buồm trong nhiều năm trên vùng biển Baltic thông qua một dự án có tên “Nhìn thấy biển” (See the Sea). Những khóa học tương tự cũng được tổ chức ở khu vực Masuria nằm ở phía Bắc nước này, nơi có nhiều vùng hồ.
Những người tham gia dự án 'Nhìn thấy biển'
Thuyền buồm Kapitan Borchardt chính là “đứa con tinh thần” của tổ chức Imago Maris (Ba Lan) giúp người khiếm thị có cơ hội để trải nghiệm biển và gặp gỡ những người cùng cảnh ngộ từ khắp nơi trên thế giới. Dự án Imago Maris thúc đẩy đam mê đi biển cho người khiếm thị từ các nước châu Âu khác nhau. Mục tiêu chính là để trao đổi kinh nghiệm giữa các thủy thủ khiếm thị trên khắp lục địa này có chung đam mê chèo thuyền và phiêu lưu chinh phục đại dương vòng quanh châu Âu. Điều đặc biệt là thành viên gồm cả người sáng mắt hay khiếm thị nhưng tất cả đều phải giỏi tiếng Anh vì đây là ngôn ngữ chính trong giao tiếp và thực hiện tất cả các nhiệm vụ liên quan đến hoạt động trên tàu.
Bà Alina Koralewska cảm nhận 'mùi biển'
Trước hết, tất cả các thành viên tham gia chuyến đi sẽ có cơ hội làm quen với những khái niệm cơ bản liên quan đến việc định hướng, khí tượng học, căng buồm, thậm chí cả việc chuẩn bị bữa tối cho 40 người. Ngay trong những giờ phút đầu tiên của chuyến đi, họ phải cùng nhau phá vỡ mọi rào cản giữa những người tham gia cũng như xóa bỏ mọi lo lắng.
Không nhìn thấy la bàn hay các vì sao, những người khiếm thị vẫn tự tin vì thuyền buồm được trang bị các tấm bản đồ chữ nổi braille, hệ thống định vị toàn cầu GPS với phần mềm giọng nói cùng 1 bánh lái được lập trình để báo phương hướng và vận tốc. “Chúng tôi muốn cả thế giới biết về kinh nghiệm hướng dẫn người khiếm thị lái thuyền buồm của Ba Lan”, cô Ewa Skrzecz, người đứng đầu tổ chức Imago Maris và đang viết luận án tiến sĩ về việc người khiếm thị lái thuyền buồm, chia sẻ. Theo cô Skrzecz, việc lái thuyền buồm có thể giúp những người khiếm thị hình thành sự tự tin. Nhưng để bảo đảm an toàn tuyệt đối, các thành viên khiếm thị luôn lái thuyền khi có người thị lực tốt đi cùng.
“Khi phải đối mặt với những điều không biết rõ, phản ứng của người khiếm thị không khác người bình thường: một số người lo lắng, số khác cởi mở và đón nhận những điều mới mẻ… Chúng tôi khích lệ họ rằng cuộc sống vẫn chưa kết thúc và việc tận hưởng những điều thú vị là hoàn toàn có thể. Những người khiếm thị luôn luôn là một phần không thể thiếu của thủy thủ đoàn. Đây là nguyên tắc quan trọng. Họ cũng sẽ giong buồm, nấu nướng và đứng canh gác khi đến lượt mình”, Skrsecz cho biết.
Dominika Putyra đầy ắp năng lượng khi ra khơi
Trải nghiệm tuyệt vời
Bà Alina Koralewska (59 tuổi) - nhà tâm lý học đến từ thành phố Opole (Ba Lan) - cùng 30 người khiếm thị khác từ Đức, Italia, Latvia, Lithuania đã tham gia chuyến đi của thuyền Kapitan Borchardt, đưa họ từ Ba Lan đến 2 hòn đảo Ibiza, Majorca rồi Barcelona (Tây Ban Nha), từ ngày 11 đến 18/10 vừa qua. Bà Koralewska thích đi biển vào ban đêm để lắng nghe thanh âm của gió, của sóng và cảm nhận “mùi biển”. Theo bà, các dây an toàn là một trợ thủ đắc lực và bên bà luôn có người sáng mắt để giúp đỡ.
Tự tin với các thao tác trên thuyền
Còn với chàng thanh niên Andrei Skirins hay cô gái Dominika Putyra, đây là một trường học tốt. Putyra tâm sự: “Kể từ khi tôi bị mất khả năng nhìn, tôi đã mơ ước được một lần đi thuyền. Cuộc hành trình này đã biến giấc mơ của tôi thành hiện thực. Từ đó, cuộc sống của tôi đầy tràn năng lượng và niềm vui sống”.
Với Piotr Sokolski, người làm công việc quản lý sổ sách của một cửa hàng ở thành phố Bialystok (miền Đông Ba Lan), thì đây là chuyến ra biển bằng thuyền buồm đầu tiên. Người thanh niên gần như mất hoàn toàn thị lực này chia sẻ những bỡ ngỡ của mình: “Tôi không biết là những chiếc thuyền buồm lại nghiêng nhiều như vậy. Ở lần đổi hướng đầu tiên, tôi còn tưởng con thuyền sắp lật đến nơi”. Bám chặt vào thuyền, Sokolski không giấu được sự hào hứng: “Tôi cũng không biết là mặt nước lại ở gần đến thế khi chúng tôi ngồi về một phía của con thuyền và chúng tôi có thể chạm tới nó”.